(GD&TĐ) - Ở các trường THPT chuyên hiện nay, bên cạnh mục tiêu đào tạo mũi nhọn, các trường cũng rất quan tâm tạo điều kiện cho học sinh được phát triển toàn diện và thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Nhà giáo Phan Tuấn Cộng – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã có cuộc trò chuyện cùng GD & TĐ xung quanh các vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục trường chuyên.
Giáo viên giỏi không có nghĩa là giáo viên dạy giỏi
Để nâng cao chất lượng giáo viên trường chuyên, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
Thầy Phan Tuấn Cộng – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi |
Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn phải do các thầy cô tự bồi dưỡng cho mình. Nếu họ muốn tiến bộ phải tự đặt ra cho mình những đòi hỏi, yêu cầu về trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, ngoại ngữ, tin học, bộ môn mình dạy.
Ở góc độ nhà trường, chúng tôi luôn động viên, khích lệ giáo viên tham gia vào các cuộc tập huấn của Bộ, Sở, trường. Giáo viên chỉ cần có nhu cầu học tập, trường đều tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Chúng tôi đã và quan tâm bồi dưỡng làm sao để mỗi thầy cô giáo không chỉ giỏi các môn chuyên theo ý nghĩa thuần túy khoa học mà họ phải thực sự trở thành những nhà sư phạm có khả năng phát hiện và biết cách tổ chức, giúp đỡ cho những tài năng có đất để phát triển.
Mặt khác, các giải pháp công tác, sáng kiến, kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn của giáo viên cũng được nhà trường coi trọng và đẩy mạnh. Hoạt động này được thực hiện liên tục hàng năm. Ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức cho tất cả cán bộ quản lý giáo viên và nhân viên đăng ký chuyên đề nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm, tạo điều kiện để giáo viên tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm và đổi mới giáo án trong giảng dạy. Hoạt động viết sáng kiến trong nhà trường luôn đảm bảo đúng kế hoạch…Vì vậy, nhà trường đã có nhiều giáo viên viết được những sáng kiến, kinh nghiệm có chất lượng về các hoạt động giáo dục được đánh giá cao. Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy đã đươc áp dụng.
Hiện nay, trong một số trường chuyên, vấn đề quá tải số giờ đứng lớp dẫn tới hạn chế về thời gian trao đổi chuyên môn là một thực tế. Theo ông, vấn đề này được giải quyết ra sao?
Vấn đề quan trọng mà chúng tôi đòi hỏi rất cao đó là sự chuẩn bị giáo án, bài giảng của giáo viên trước khi lên lớp. Tôi vẫn nói với giáo viên trường tôi rằng, các bạn là giáo viên trường chuyên thì dạy học phải “viêm óc” chứ không “viêm họng”. Việc giảng dạy cho học sinh trường chuyên với nền tảng cao, quan trọng vẫn là chất lượng bài giảng, là vấn đề giảng dạy… chứ đâu phải nói nhiều thì các em mới hiểu.
Nếu giáo viên dạy ở dạng “viêm họng” là chưa biết dạy, bởi họ chỉ nghiêng về gào thét, thuyết trình. Dạy trường chuyên làm sao phải tới mức độ nói ít nhất, học sinh được tự học, tự làm bài nhiều nhất. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người gợi mở.
Bản thân tôi đã từng là người giảng dạy cho các học sinh đi thi quốc tế. Tôi càng thấm và cảm nhận rõ hơn hết việc giảng dạy cho học sinh chuyên. Dạy có thể chỉ mất một nhưng khâu chuẩn bị phải gấp 10. Dạy cho học sinh giỏi không thể theo mẫu nào cả. Dạy theo mẫu sẽ dẫn tới vi phạm cách sáng tạo… Chính bởi vậy, khâu chuẩn bị giáo án, bài giảng, phương pháp phải vô cùng cẩn thận.
Là người gắn bó với trường chuyên nhiều năm theo thầy, chất lượng của học sinh trường chuyên phụ thuộc bao nhiêu phần trăm vào yếu tố người thầy và nội lực học trò?
Vai trò của thầy và trò trong yếu tố chất lượng trường chuyên luôn song hành hỗ trợ cho nhau.
Quan điểm của tôi là vai trò của người thầy và người trò đều quan trọng. Thực tế cho thấy, ở trường chuyên nào có giáo viên đầu đàn về hưu hoặc chuyển công tác mà chưa tuyển bổ sung được thì năm sau mất mùa học sinh giỏi. Vai trò người thầy như một huấn luyện viên vô cùng quan trọng. Thế nhưng, không có bột thì cũng chẳng thể gột nên hồ. Giáo viên giỏi nhưng học sinh kém thì không thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Một đội bóng giỏi với nhiều ngôi sao nhưng không có HLV giỏi, phương pháp tốt, không có sự đoàn kết… thì không thể tạo nên kỳ tích. Và ngược lại, HLV giỏi không có các ngôi sao thì cũng khó làm nên chuyện.
Học sinh cần được giáo dục toàn diện
Trong câu chuyện của mình, ông có nói rằng dù là trường chuyên song nhà trường vẫn chủ trương giáo dục học sinh một cách toàn diện. Ông có thể cho biết kinh nghiệm của trường trong việc giáo dục toàn diện những “chú gà nòi”?
Chúng tôi không chủ trương học sinh chỉ biết chăm chăm vào học tập như những “chú gà nòi”. Rất nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, pháp luật, văn hóa… học sinh đều tích cực tham gia. Để phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo, linh hoạt của học sinh trong mọi hoạt động từ học tập đến sinh hoạt tập thể, nhà trường cũng khuyến khích các em tự xây dựng, sáng tác chương trình văn hóa văn nghệ để biểu diễn trong tập thể và vào các giờ sinh hoạt ngoài sân trường. Học sinh đóng vai trò tự biên, tự diễn… còn giáo viên chỉ duyệt thông qua.
Nếu như trước đây, trước các kỳ thi quốc gia, trường có thể lùi mọi hoạt động để tập trung ôn tập cho học sinh nhưng hiện nay, chúng tôi hoạt động bình thường. Chúng tôi quan điểm, tham gia vào các sinh hoạt, hoạt động xã hội, trường, lớp, Đoàn Đội… sẽ giúp học sinh thêm tự tin, chủ động, từ đó hoàn thiện chính mình. Sự bổ ích, vui vẻ của các hoạt động tập thể, xã hội không những chỉ giúp các em được học thêm các giá trị, kỹ năng sống mà từ đó tăng cường khả năng hòa nhập và phát triển toàn diện với học sinh chuyên.
Cũng nhằm tránh quá tải học tập, áp lực thi cử cho học sinh trường chuyên, nhà trường đã giảm đáng kể số giờ ôn luyện, tăng cường sinh hoạt xã hội. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích học sinh của mình tự học, dù nằm trong đội tuyển học sinh giỏi cũng không cần học thêm.
Cùng đó, trường còn đầu tư 5 khu luyện tập thể thao cho học sinh. Sau giờ học, hàng trăm học sinh lại tích cực tham gia luyện tập bóng đá, bóng rổ, võ, bóng chuyền. Từ đó, giải tỏa áp lực học tập đáng kể, giúp cân bằng và hưng phấn hơn trong học tập cho học sinh…
Có thể nói, với cách làm của mình, chúng tôi mong muốn và đang hướng học sinh tự phát hiện năng lực sở trường, nuôi dưỡng ước mơ, nuôi dưỡng khả năng và nhiệt tình để khám phá, thử nghiệm ứng dụng, giải quyết các vấn đề khoa học mà các em mong muốn khám phá, tìm hiểu…Chúng tôi luôn cố gắng để học sinh trường chuyên được giáo dục một cách toàn diện, tránh để các em trở thành một thứ “gà chọi” thuần túy.
Giải bài toán chất lượng trường chuyên rõ ràng phải gắn liền với sự đổi mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với những khó khăn, thách thức mà nhà trường phải hóa giải?
Thực ra, không chỉ Trường chuyên Nguyễn Trãi mà các đơn vị giáo dục có tiếng luôn phải tiên phong trong đổi mới để đảm bảo chất lượng giáo dục. Song đã tiên phong đổi mới thì đồng nghĩa phải chấp nhận nhiều vấn đề đi theo. Trước tiên, bản thân mỗi trường phải tự có những nghiên cứu phù hợp để đổi mới về chương trình, giảng dạy, sáng tạo… Nếu trường nào chỉ đi theo con đường vạch sẵn, đi đúng khung chương trình, thiếu sự linh hoạt, sáng tạo thì khó lòng tiến xa hơn.
Mặt khác, không chỉ mỗi giáo viên trong trường phải tự nâng cấp chính mình mà bản thân người làm lãnh đạo (Hiệu trưởng) cũng phải có sự đổi mới. Là người luôn phải đi trước, khai phá đòi hỏi người quản lý giáo dục cái tâm trong sáng. Nếu tâm không sáng thì khó lòng làm được vì cái đúng, cái chung…, từ đó không thể thu phục mọi người cùng làm theo. Làm gì, ở đâu thì người lãnh đạo cũng không thể xa rời cuộc sống. Người làm thủ trưởng cần có cả một phần thủ lĩnh trong cương vị ấy.
Xin cảm ơn thầy!
Nhóm PV