Giáo viên đủ tiêu chuẩn trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn được xét xếp hạng II

GD&TĐ - Hỏi: Ở trường tôi hiện nay đang tiến hành xếp hạng giáo viên nhưng không có sự thống nhất nên gây nhiều tranh cãi.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Xin hỏi Tòa soạn, tiêu chuẩn để xếp giáo viên THPT hạng II là gì? Xin cho biết cụ thể? - Trần Đăng Tuấn (trandangtuan***@gmail.com).

* Trả lời:

Để đạt giáo viên THPT hạng II - mã số V.07.05.14, giáo viên cần đạt hai tiêu chuẩn sau: Thứ nhất là, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Thứ hai là, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Hai tiêu chuẩn này được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số: 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ "Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT công lập". Cụ thể:

* Về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng gồm:

- Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông;

- Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ GD&ĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc cơ chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu tiếng dân tộc;

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ GD&ĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số: 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông hạng II.

* Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ gồm:

- Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học phổ thông;

- Thực hiện tốt, kế hoạch, chương trình giáo dục trung học phổ thông;

- Vận dụng linh hoạt và hướng dẫn đồng nghiệp vận dụng những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh trung học phổ thông;

- Vận dụng tốt những kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội trong tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học phổ thông;

- Tích cực phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh trung học phổ thông;

- Có khả năng vận dụng hiệu quả, đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp viết sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp trường trở lên;

- Có khả năng hướng dẫn, đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên;

- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên trung học phổ thông dạy giỏi, giáo viên trung học phổ thông chủ nhiệm giỏi cấp trường trở lên;

- Viên chức thăng hạng từ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III lên chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng II phải có thời gian giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III tối thiểu từ đủ 1 năm trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...