Giáo viên Địa lý chế tạo máy đo thân nhiệt thông minh

Giáo viên Địa lý chế tạo máy đo thân nhiệt thông minh

Nói về lý do chế tạo sản phẩm, thầy Mai Trọng Hữu chia sẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh, việc trang bị máy đo thân nhiệt là cần thiết tại mỗi nhà trường. Tuy nhiên, hiện trên thị trường, loại máy này không chỉ khan hiếm mà giá thành còn khá đắt đỏ, việc trang bị đồng loạt máy đo thân nhiệt cho các trường trong huyện là điều không thể. Ban Giám hiệu Trường THCS Lương Nghĩa đã tham khảo trên mạng về giá thành sản phẩm và đặt một máy để phục vụ theo dõi thân nhiệt học sinh khi đến trường; tuy nhiên vì khan hàng không thể mua được.

Ý tưởng tự làm máy đo thân nhiệt được thầy Hữu nung nấu và bắt tay thực hiện ngay sau đó. Quá trình chế tạo sản phẩm đòi hỏi khả năng về công nghệ thông tin, lập trình trên phần cứng, đây chính là trở ngại lớn nhất với thầy giáo dạy Địa lý. 

“Tôi đã không ngừng tìm kiếm, tham khảo tài liệu, website về những vấn đề liên quan đến sản phẩm. Cùng với đó, tự mày mò học thêm về tin học, lập trình. Là thành viên trong Câu lạc bộ Trải nghiệm sáng tạo giáo dục trung học tỉnh Hậu Giang, tôi được hỗ trợ rất nhiều từ các thầy cô là thành viên của câu lạc bộ về kiến thức tin học, lập trình, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện dự án” – thầy Mai Trọng Hữu cho hay.

Dồn sức trong 1 tháng, từ 1/2/2020 đến 1/3/2020, sản phẩm máy đo thân nhiệt thông minh hoàn thành. Sản phẩm đang được thực nghiệm tại Trường THCS Lương Nghĩa và bước đầu đạt được nhiều kết quả mong đợi.

Nói về điểm khác biệt của sản phẩm, thầy Hữu cho biết, bên cạnh chức năng như máy đo thân nhiệt trên thị trường là đo nhiệt độ cơ thể và môi trường, máy đo thân nhiệt thông minh còn có đèn led cảnh báo; cho người được đo thân nhiệt quan sát được nhiệt độ của mình; thực hiện mà không cần người đứng đo thân nhiệt, giúp ngăn chặn nguy cơ virus lây lan. Đặc biệt, sản phẩm còn có phần quản lý dữ liệu nhiệt độ thân nhiệt của từng cá nhân theo thời gian thực và giá thành thấp.

“Sản phẩm có cấu trúc hệ thống tự động đơn giản, dễ dàng lắp đặt, dễ dàng sử dụng, gọn nhẹ, thân thiện với môi trường, nhưng các tính năng vận hành ổn định, hiệu quả, chính xác. Theo đó, thiết bị phần cứng gồm vi điều khiển ESP8266, cảm biến nhiệt hồng ngoại, màn hình LCD text 1620, đèn led, dây cáp nguồn điện thoại, nguồn sạc dự phòng điện thoại, hộp nhựa, khung sắt hộp làm giá đứng. Phần mềm sử dụng arduino, thư viện các module phần cứng, website quản lý dữ liệu từ xa https://io.adafruit.com.

 Cách làm cũng khá đơn giản: Kết nối cảm biến với vi điều khiển; kết nối màn hình LCD với vi điều khiển; kết nối đèn led với vi điều khiển và nạp code cho chương trình điều khiển. Sau đó, thiết kế bộ phận giá đứng để đo thân nhiệt; xây dựng ứng dụng quản lý dữ liệu trực tuyến. Với cách làm trên, một máy đo thân nhiệt thông minh an toàn cho người đo thân nhiệt hoàn chỉnh chi phí đầu tư chỉ khoảng 1 triệu đồng” – thầy Mai Trọng Hữu cho biết.

Tuy nhiên, máy đo thân nhiệt thông minh vẫn có hạn chế về tính cơ động khi thực hiện đo thân nhiệt, không thể tự động thay đổi theo chiều cao của người dùng, người dùng phải tự điều chỉnh bằng tay. Do đó, thời gian gian tới, thầy Hữu sẽ tiếp tục nghiên cứu hệ thống cơ để tự động điều chỉnh ống kính khi đo thân nhiệt, khắc phục nhược điểm này.

“Với tính năng đo thân nhiệt không tiếp xúc, tiện lợi và an toàn cho người dùng, tôi mong rằng sản phẩm sẽ được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan và trường học” – thầy Mai Trọng Hữu nêu nguyện vọng. 

Dịch bệnh Covid-19 thật sự là mối đe dọa của nhân loại với số ca nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng trên thế giới. Việt Nam chúng ta được lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo kịp thời, quyết liệt như lời Thủ tướng phát động “Chống dịch như chống giặc”. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, toàn Đảng, toàn dân, toàn tâm toàn ý một lòng chống dịch và bước đầu đã đem đến nhiều kết quả. 

Là một giáo viên, tôi rất tự hào với tinh thần dân tộc kiên cường, không ngại gian khó, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Sản phẩm máy đo thân nhiệt thông minh mong muốn chung tay, góp một phần công sức nhỏ bé để giải quyết khó khăn chung của nhà trường cũng như xã hội, mục đích cuối cùng là hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.  - Thầy Mai Trọng Hữu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.