Giáo viên cắm bản vượt lũ trở lại trường

GD&TĐ - Mưa lớn nước lũ về dâng cao gây sạt lở nhiều tuyến đường ở miền Tây Nghệ An. Thời điểm này, các giáo viên đã phải đến trường trả phép, chuẩn bị cho năm học mới. Nhiều thầy cô phải gồng tay lái hoặc xuống đẩy xe qua đập tràn, khe suối nước chảy cuồn cuộn.

Bà con giúp cô giáo đẩy xe qua đoạn suối nước chảy xiết để vào trường. Ảnh: Đ. Thọ
Bà con giúp cô giáo đẩy xe qua đoạn suối nước chảy xiết để vào trường. Ảnh: Đ. Thọ

Trong 2 ngày 3 - 4/8, tại một số huyện miền núi cao Tây Nghệ An có mưa, một số nơi mưa lớn. Nước ở khe suối suối dâng cao và chảy xiết qua các đường mòn, đập tràn, gây nguy hiểm cho bà con đi lại.

Ở một số vùng núi của huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn nhiều tuyến đường bị sạt lở. Đặc biệt là những đường chạy dọc theo sông, khe suối.

Đây cũng là thời điểm mà giáo viên kết thúc kỳ nghỉ hè, quay trở lại trường học làm việc, chuẩn bị cho năm học mới. Thời tiết thất thường, mưa lớn khiến giao thông bị cản trở, đường đến trường của các thầy cô cũng nguy hiểm.

Thời điểm vào trường trả phép chuẩn bị năm học mới, giáo viên gặp mưa lũ phải qua suối nguy hiểm
 Thời điểm vào trường trả phép chuẩn bị năm học mới, giáo viên gặp mưa lũ phải qua suối nguy hiểm

Tại địa bàn 2 xã Mường Ải và Mường Típ (huyện Kỳ Sơn), dấu tích của 2 trận lũ quét năm trước vẫn còn, cơ sở vật chất chưa được khôi phục hoàn toàn nay lại chịu thêm thiệt hại mới từ các cơn mưa.

Trong đó, tuyến đường từ thị trấn Mường Xén vào Mường Típ, Mường Ải có đến hàng chục điểm sạt lở. Cô giáo Quang Thị Vân - Phó hiệu trưởng trường Mầm non Mường Ải cho biết:

Quãng đường từ Mường Xén vào trường chỉ 38 km nhưng phải mất gần 5 giờ đồng hồ các cô mới tới nơi. Nhiều đoạn không thể đi được vì nước chảy xiết.

Một điểm sạt lở, đất đá trên núi thình lình lăn xuống chắn ngang đường ở xã Mường Ải , huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Một điểm sạt lở, đất đá trên núi thình lình lăn xuống chắn ngang đường ở xã Mường Ải , huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

Chiều tối ngày 4/8, thầy giáo Nguyễn Ngọc Minh (Giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải) cũng cho biết vừa cùng các đồng nghiệp vượt qua tuyến đường gian nan, nguy hiểm vào đến trường.

Sáng nay, thầy từ quê nhà ở huyện Thanh Chương chạy xe máy vượt gần 200km lên Kỳ Sơn. Nghe tin mưa lũ gây sạt lở đường từ thị trấn Mường Xén vào trường, thầy và một số giáo viên hẹn nhau để cùng đi vào cho an toàn, kịp hỗ trợ nhau. 

Giáo viên phải đi thành từng tốp để hỗ trợ lẫn nhau và đảm bảo an toàn
 Giáo viên phải đi thành từng tốp để hỗ trợ lẫn nhau và đảm bảo an toàn

“Phải đi thành từng tốp chứ không thể nào đi một mình được. Con đường này năm ngoái vừa bị cắt đứt, nhiều đoạn xóa sổ hoàn toàn. Năm nay mới bắt đầu tháng 8 trời đã mưa, đất trên núi thì đất sạt lở chắn đường, các đoạn qua tràn hoặc khúc cua nước khe suối chảy xiết chắn ngang đường.

Trong khi đó, những đoạn đường vừa được sửa chữa, khôi phục năm ngoái giờ có mưa lại bị nước sông xói lở”, thầy Minh cho hay.

Mưa lớn gây sạt lở ở hàng chục điểm của các xã Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn). Trong ảnh là tuyến đường tại xã Mường Ải bị nửa quả đồi sạt lở xuống chắn ngang, một bên là vực suối vào tháng 8/2018.
 Mưa lớn gây sạt lở ở hàng chục điểm của các xã Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn). Trong ảnh là tuyến đường tại xã Mường Ải bị nửa quả đồi sạt lở xuống chắn ngang, một bên là vực suối vào tháng 8/2018.

Từ trưa, các thầy cô đi mất 4 giờ đồng hồ mới vào đến trường. “Nhiều đoạn phải dừng lại đẩy xe qua suối. Các cô không đi được, các thầy giáo phải đẩy xe hộ”, thầy Minh cho hay. Hiện nay, Trường Tiểu học Mường Ải đã có mặt gần đầy đủ hết thầy cô giáo.

Cũng theo các giáo viên công tác ở khu vực này cho biết, Mường Ải, Mường Típ như vùng rốn lũ, cứ đến mùa mưa là lũ quét, lũ ống, lũ bùn. Nếu trong những ngày tới trời tiếp tục mưa, thì tuyến đường sẽ bị hư hỏng, thiệt hại nặng, thậm chí giáo viên và bà con rất khó khăn trong đi lại, không thể chạy xe ra ngoài được.

Ngoài ra, các thầy cô cũng rất lo lắng về nguy cơ sạt lở ở trong các điểm lẻ. Như vậy, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm khi đến trường vào mùa lũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ