Hội thảo có sự tham gia báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị và phẫu thuật thị phạm của GS Natzi Sakalihasan và GS Jean Olivier Defraigne đến từ Bệnh viện Đại học Liège, Vương quốc Bỉ cùng với các bác sĩ khoa Lồng ngực-Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân TPHCM.
Theo đó, Hội thảo tập trung vào các báo cáo khoa học với chủ đề như Tầm soát bệnh lý phình động mạch chủ tại Bỉ và các trao đổi về kinh nghiệm xử lý nhiễm trùng ống ghép sau can thiệp nội mạch.
Báo cáo cung cấp nhiều kiến thức mới trong việc điều trị và duy trì hiệu quả sau can thiệp mạch máu thành công. Các GS đến từ Vương quốc Bỉ cũng mang đến hội nghị chủ đề kết quả điều trị phình động mạch chủ bụng bằng ống ghép nội mạch.
Các bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân TPHCM đã báo cáo về hiệu quả của điều trị phình động mạch chủ bụng bằng can thiệp nội mạch đặt stent graft (giá đỡ phủ trong lòng động mạch chủ) tại bệnh viện. Chương trình phẫu thuật thị phạm vào sáng ngày 18/10.
GS Jean Olivier Defraigne báo cáo tại hội thảo |
Đặt ống ghép nội mạch là phương pháp điều trị túi phình động mạch chủ ít xâm lấn, mang lại hiệu quả điều trị cao được áp dụng phổ biến hiện nay. Một giá đỡ có mang ống ghép mạch máu nhân tạo sẽ được tiếp cận lòng động mạch chủ đoạn có túi phình qua ống thông nhỏ đi từ động mạch đùi, cách ly túi phình ra khỏi động mạch chủ.
Phương pháp này giúp người bệnh tránh một cuộc mổ lớn với đường mổ dài ở ngực hay bụng với nguy cơ chảy máu cao, giúp người bệnh hồi phục nhanh, ít đau, rút ngắn thời gian nằm viện và không cần sự trự giúp của máy tuần hoàn ngoài cơ thể đối với túi phình ở ngực.
Với những ưu điểm vượt trội, hiện nay trên thế giới, hơn 70% các trường hợp phình động mạch chủ được điều trị bằng can thiệp nội mạch thay vì mổ mở truyền thống.
Phình động mạch chủ là tình trạng giãn một đoạn của thành động mạch chủ khi thành mạch dần yếu, mỏng dẫn tới nguy cơ vỡ do áp lực của mạch máu.
Đây là bệnh lý nguy hiểm vì vỡ động mạch chủ gây chảy máu ồ ạt, trụy mạch, sốc và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Phình động mạch chủ ở giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng nên hầu hết chỉ được phát hiện khi túi phình đã lớn, bệnh nhân tự sờ thấy hoặc phát hiện vô tình qua siêu âm bụng khi thăm khám một bệnh lý khác.
Đối với những túi phình có đường kính lớn hơn 5cm thì tỉ lệ tử vong do vỡ hoặc bóc tách động mạch chủ khoảng 15.6%/năm. Khi động mạch chủ vỡ, tỉ lệ tử vong lên đến 97 - 100%. Do đó người bệnh cần can thiệp ngoại khoa khi đường kính túi phình lớn hơn 5cm.
Can thiệp nội mạch mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh nhờ thời gian hậu phẫu ngắn, nhẹ nhàng, người bệnh hồi phục mau chóng.
Kỹ thuật đặt ống ghép nội mạch đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và sự tinh tế trong thực hiện thủ thuật, dưới sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.