Theo BBC ngày 22/9, giáo sư Hu Ming ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc đã đưa mẹ già, người mắc bệnh Alzheimer (một chứng mất trí nhớ) vào lớp học của mình ở trường đại học trong suốt thời gian dài. Câu chuyện về tình mẫu tử của ông xuất hiện lần đầu tiên năm 2016, gần đây trở nên nổi tiếng trên phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Một bài báo trên Beijing Youth Daily cho biết sinh viên năm nhất của trường đại học tưởng mẹ thầy Hu là giáo sư về hưu đang dự thính.
"Tôi đến lớp học lý thuyết hôm nay và thấy một bà cụ khoảng 80 tuổi đang ngồi phía sau. Đầu tiên tôi không thể hiểu nổi tại sao, sau đó tôi biết là mẹ của giáo sư đang dạy. Ông không muốn bỏ mẹ ở nhà nên mới đưa bà đến lớp. Lòng hiếu thảo của ông khiến tôi vô cùng xúc động", một sinh viên nói.
Cha giáo sư Hu mất vì xuất huyết não năm 2011. Tuy có các em gái, bản thân bận rộn, giáo sư vẫn nhận chăm sóc mẹ bởi ông là người duy nhất mẹ nhận ra sau khi mắc chứng mất trí nhớ. "Bà không thể chỉ ra sự khác nhau khi đang cầm trên tay nước ngọt, đường, muối hay chất tẩy rửa", giáo sư nói về các triệu chứng nghiêm trọng hiện tại của mẹ.
Đôi khi bà ngủ gật trong lớp, đôi khi theo dõi bài giảng. Bà ngồi ngay ngắn và không gây ảnh hưởng đến không khí học tập, do đó sinh viên chấp nhận người "bạn học" bất đắc dĩ với thái độ rất ấm áp.
Mẹ giáo sưmắc chứng mất trí nhớ, được đưa đến lớp học để tiện chăm sóc. Ảnh:Weibo |
Khi được phóng viên hỏi có nghĩ đến việc thuê người chăm sóc mẹ hay không, giáo sư Hu khẳng định ông chưa từng đắn đo khi tự tay làm việc đó.
Trường đại học nơi giáo sư Hu công tác không ủng hộ hay phản đối ông đưa mẹ đến lớp. Tuy nhiên, do chưa đến tuổi nghỉ hưu, chưa thể thoải mái về thời gian để chăm sóc mẹ, giáo sư không còn lựa chọn nào khác.
Sau khi được đăng lại trên Weibo, bài báo này nhận được 100.000 lượt thích, 9.000 bình luận và 7.000 lượt chia sẻ. Hàng nghìn người Trung Quốc ca ngợi giáo sư Hu không chỉ là nhà giáo dục giỏi mà còn là người con làm tròn bổn phận. Ông là tấm gương cho những người khác, đã dạy cho sinh viên bài học tuyệt vời.
"Tôi nghĩ đây là điều tốt nhất mà một nền giáo dục nên mang lại, một mặt dạy kiến thức, mặt khác dạy về lòng hiếu thảo", một ý kiến nêu ra được đông đảo cộng đồng ủng hộ.
Theo một nghiên cứu công bố trên tuần san y khoa Lancet năm 2010, Trung Quốc có nhiều người mắc bệnh Alzheimer hơn bất kỳ nước nào. Dân số nước này đang già đi nhanh chóng. Các nhà khoa học dự đoán đến năm 2033, số người phụ thuộc (chủ yếu là người cao tuổi) sẽ vượt số người trong độ tuổi lao động.
Tôn trọng cha mẹ, người già và tổ tiên được xem là giá trị quan trọng trong văn hóa Trung Quốc. Khái niệm này xuất phát từ năm 400 trước công nguyên, là nhân đức cốt lõi của Khổng giáo, được mô tả trong những tác phẩm đầu tiên của nhà triết học nổi tiếng nhất đất nước.
Dưới thời Hán (từ năm 206 trước công nguyên đến năm 220 sau công nguyên), lòng hiếu thảo là một trong những tiêu chí quyết định khi tuyển chọn quan chức. Đây cũng là chủ đề thường xuyên được tranh luận trên các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay.