Vừa qua, tại TP.HCM xảy ra liên tiếp 2 trường hợp tử vong sau khi làm đẹp. Ngay sau đó, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu BV thẩm mỹ Kangnam và BV thẩm mỹ Emcas tạm ngưng thực hiện các kỹ thuật liên quan đến phương pháp gây mê để đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật.
Khám gây mê qua loa
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, Trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức ĐH Y Hà Nội, trong gần 30 năm làm nghề, ông đã gặp rất nhiều trường hợp sốc phản vệ do thuốc gây mê, nhưng đều được cấp cứu kịp thời, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
GS Tú cho biết, hiện các cơ sở y tế tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang sử dụng 5-10 thuốc gây mê khác nhau. Thuốc dùng cho gây mê có thể chia làm 3 nhóm chính: Thuốc ngủ, thuốc giảm đau dòng họ mocphin và thuốc giãn cơ.
Việc phối hợp 3 loại thuốc đảm bảo cho người bệnh không biết và không nhớ các hoạt động của cuộc phẫu thuật, không đau dù phẫu thuật lớn thế nào trong khi các cơ được giãn hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ thao tác phẫu thuật.
Trong cuộc gây mê toàn thân có đặt nội khí quản, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ sử dụng lần lượt thuốc dòng họ mocphin, kế đó là thuốc ngủ, cuối cùng là thuốc giãn cơ. Thông thường sau khi tiêm thuốc ngủ từ 1-3 phút, bệnh nhân sẽ mất tri giác.
GS Nguyễn Hữu Tú |
GS Tú nhấn mạnh, thuốc gây mê hay các thuốc khác khi tiêm vào cơ thể qua đường tĩnh mạch đều có nguy cơ gây ra dị ứng mà nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Sốc phản vệ thường xảy ra ngay sau khi gây mê trong khi các phản ứng dị ứng chậm hơn, có thể sau vài chục phút, thậm chí vài tiếng.
Tùy từng nhóm thuốc, tỉ lệ dị ứng sẽ khác nhau, trong đó thuốc giãn cơ có tỉ lệ phản ứng lớn nhất, kế đó là thuốc dòng họ mocphin.
Trước đây, thuốc ngủ thiopental được dùng để gây mê nhưng do có tỉ lệ dị ứng lớn, nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân lâu tỉnh nên giờ hầu như không còn dùng, thay vào đó bác sĩ sử dụng các thuốc ngủ mới như propofol, ketamin, etomidat... giúp giảm đáng kể tỉ lệ bệnh nhân bị dị ứng khi gây mê.
Tuy nhiên, nếu các cuộc gây mê do bác sĩ gây mê hồi sức có chuyên môn thực hiện, bệnh nhân được khám kĩ trước khi làm phẫu thuật, được sử dụng các biện pháp dự phòng, các tai biến nguy hiểm gần như không có.
“Đáng tiếc, nhiều cơ sở y tế hiện nay làm tắt, khám gây mê qua loa, trong khi đây là loại khám chuyên khoa bắt buộc trước khi phẫu thuật”, GS Tú nhấn mạnh.
Những trường hợp cần lưu ý khi gây mê
Theo GS Tú, việc bác sĩ gây mê trực tiếp khám cho bệnh nhân sẽ giúp phát hiện nhiều yếu tố nguy cơ khi gây mê, giúp phòng tránh hoặc làm giảm các yếu tố nguy cơ và dự kiến kế hoạch gây mê hồi sức an toàn nhất cho người bệnh.
Khi đó, bác sĩ có thể đổi phương pháp vô cảm, đổi loại thuốc, nếu bệnh nhân có phản ứng dị ứng nặng có thể phải điều trị qua giai đoạn mẫn cảm rồi mới phẫu thuật… Từ đó loại trừ được các trường hợp sốc phản vệ.
Tại Việt Nam chưa có thống kê chung về tỉ lệ tai biến trong và sau gây mê. Trên thế giới, tỉ lệ tử vong liên quan đến gây mê tại các nước phát triển hiện nay là 0,1-0,3/10.000 ca, trong khi tại các nước đang phát triển, tỉ lệ này là 3-5/10.000 trường hợp được gây mê.
Tại Pháp, theo tài liệu công bố năm 2008, tỉ lệ tử vong liên quan đến gây mê là 1/140.000 trường hợp.
Để tránh các phản ứng dị ứng nặng khi gây mê, GS Tú lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng (dễ mẫn cảm thời tiết, hoá chất, phấn hoa, thức ăn…); những người mắc các bệnh suy các cơ quan, trẻ em, người già yếu, phụ nữ có thai... cần được coi là người bệnh có nguy cơ cao khi làm các phẫu thuật, thủ thuật có liên quan đến gây mê.
Về nguyên nhân gây tử vong sớm sau phẫu thuật, GS Tú nhìn nhận, ngoài sốc phản vệ còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó phổ biến nhất là suy hô hấp sau phẫu thuật. Nguyên nhân có thể do trong cơ thể bệnh nhân còn tồn dư thuốc mê trong khi hỗ trợ về hô hấp không còn hoặc bệnh nhân được dùng các thuốc có ức chế trung tâm hô hấp; do việc hồi sức, hồi tỉnh cho bệnh nhân chưa tốt...
“Thường các biến chứng suy hô hấp sau phẫu thuật có diễn tiến, nhưng do bệnh nhân không được phát hiện kịp thời nên khi thực hiện cấp cứu thì đã nặng”, GS Tú phân tích.