Suốt từ thế kỷ XIII - XIX, người Ấn Độ và du khách, khách hành hương bị ám ảnh bởi cái tên Thuggee - giáo phái giết người cướp của hoành hành khắp khu vực phía Bắc, miền Trung và đặc biệt là tại các vùng đồng bằng. Behram, một trong các thủ lĩnh tàn ác của Thuggee còn ghi danh vào kỷ lục Guinness với số người chết dưới tay hắn là 931.
Mị hoặc và tham tàn
Trong tiếng Phạn, Thuggee là sự kết hợp của các từ thag (lừa đảo), thugna (dối trá), sthaga (xảo quyệt) và sthagati (che giấu), chỉ hành vi giết người cướp của bằng cách lừa dối khiến nạn nhân mất cảnh giác rồi bất ngờ ra tay sát hại họ từ phía sau và lấy đi toàn bộ tài sản.
Tư liệu sớm nhất về Thuggee được viết vào năm 1356, trong cuốn sách Lịch sử Firoz Shah của nhà tư tưởng chính trị người Hồi giáo, Ziau-d din Barni (1285 - 1358). Barni kể rằng, Quốc vương Jalal-ud-din Khalji (1220 - 1296) đã bắt 1.000 tên và đưa đến Lakhnauti. Tuy nhiên, lúc này, Thuggee chưa có cái tên Thuggee mà là Hội huynh đệ. Chúng cũng không bị trừng trị mà chỉ bị bắt phải sống ở Lakhnauti, cấm tiếp cận Delhi.
Có rất nhiều giả thuyết về gốc gác của Hội huynh đệ, nhưng không cái nào đáng tin cậy. Theo một ghi chép, chúng là những kẻ chạy trốn khỏi Delhi sau khi sát hại một ngự y. Theo ghi chép khác, chúng lại là những kẻ phải bỏ trốn vì đã giết nô lệ được Akbar Đại đế (1542 – 1605) sủng ái.
Thế kỷ XVI, nhà thơ kiêm du ca Surdas (1478 – 1583, Ấn Độ) mới đề cập đến cái tên Thags, định nghĩa chúng là những kẻ dụ dỗ nạn nhân bằng lời ngon tiếng ngọt rồi ra tay sát hại, cướp hết tài vật.
Trên đường đến Calicut, nhà du hành Ibn Battuta (1304 – 1369, Maroc) đã bị chúng tấn công. Năm 1665, nhà thám hiểm Jean de Thévenot (1633 – 1667) báo cáo có nhóm cướp sử dụng dây thừng siết cổ nạn nhân...
Phải đến khi Anh nhăm nhe thuộc địa Ấn Độ, cái tên Thuggee mới xuất hiện và phương thức hoạt động của chúng cũng mới được phơi bày. Theo các báo cáo, Thuggee thường đội khăn xếp, xách hành lý, ăn mặc như khách hành hương.
Chúng chỉ tiếp cận nạn nhân khi nhóm nạn nhân có số lượng người ít hơn chúng, giả vờ làm quen và trong lúc trò chuyện, chúng hết lời tâng bốc họ. Chờ tối đến, khi các nạn nhân đã buông lỏng cảnh giác và bị cuốn vào cuộc trò chuyện, chúng mới bất thần bóp cổ họ bằng tay không hoặc dây thừng.
Nguyên nhân khiến Thuggee lựa chọn sát hại nạn nhân bằng siết cổ bắt nguồn từ luật pháp thời Đế chế Mughal (1526 – 1857). Nó quy định kẻ sát nhân chỉ bị kết án tử hình nếu làm nạn nhân đổ máu, không thì chỉ bị phạt tù, tiền hoặc lao động khổ sai.
Vũ khí chính của Thuggee là khăn tay thắt nút để tránh bị tuột tay vì trơn và vũ khí phụ là dao găm. Chúng sát hại nạn nhân bằng khăn, đôi khi đánh lạc hướng điều tra bằng cách dùng dao rạch lên thi thể hoặc phân thây trước khi chôn.
Thuggee hành động theo nhóm. Ảnh: Ancient-origins.net |
Quy mô và cái kết
Kể từ thời còn là Hội huynh đệ, Thuggee đã có tổ chức. Các nhà nghiên cứu và sử gia đồng tình gọi chúng là băng đảng mafia đầu tiên trên thế giới. Trong băng đảng này, có từ thủ lĩnh đến gián điệp, thậm chí cả sứ giả. Bằng mạng lưới cấu trúc chặt chẽ, chúng hoành hành suốt nhiều thế kỷ mà không bị trừng trị.
Thời Anh nhăm nhe thuộc địa Ấn Độ, Thuggee còn càng khủng bố hơn. Chúng tổ chức bộ máy băng đảng quy củ, chia chức vị và gọi nhau bằng quân hàm quân đội, ví dụ như thủ lĩnh là jemadar (hạ sĩ quan), gián điệp là bhuttote (điệp viên)… Thuggee cũng “cha truyền con nối”, tuyển quân và bắt cóc hoặc giữ nuôi con của nạn nhân, huấn luyện thành thành viên.
Anh phát hiện ra Thuggee ở Nam Ấn Độ vào năm 1807 và ở Bắc Ấn Độ vào năm 1809. Kể từ năm 1809 – 1812, dưới danh nghĩa quốc gia bảo trợ, họ nỗ lực trấn áp Thuggee nhưng bất thành. So với Thuggee, người dân Ấn Độ càng ghét quân đội Anh hơn. Kể từ khi Công ty Đông Ấn được thiết lập ở đây vào năm 1757, Thuggee cũng nhắm vào các du khách phương Tây là chính.
Cuối cùng, Thiếu tướng William Henry Sleeman (1788 – 1856) phải sử dụng đến chiến lược chỉ điểm, “lấy Thuggee tố cáo Thuggee”. Cứ mỗi lần xác định được một nhóm Thuggee, ông lại cho điều tra cặn kẽ, thu thập thông tin tình báo và đem lợi lộc ra dụ dỗ những Thuggee tham sống sợ chết, biến chúng thành “Thuggee gian”.
Năm 1836, Đạo luật ngăn chặn Thuggee được ban hành, cho phép bắt giữ và trừng phạt nghi phạm cướp bóc có vũ trang. Theo đạo luật này, người làm Thuggee bị trừng phạt từ bỏ tù đến xử tử.
Dưới đạo luật mới và với các “Thuggee gian”, Sleeman phát động chiến dịch trấn áp Thuggee quy mô lớn. Rất nhanh, hàng loạt các nhóm Thuggee bị bắt giữ, truy tố và kết án. Những người nối tiếp vị trí của ông cũng cực lực săn lùng Thuggee. Đến thập niên 1870, Thuggee bị xóa sổ hoàn toàn và tất cả thông tin về chúng cũng được phơi bày ra ánh sáng.
Theo những gì điều tra được, Thuggee tự nhận là con của Nữ thần Kali, được nữ thần tạo ra từ mồ hôi. Chúng tự cho đang theo đuổi nghĩa vụ thiêng liêng là cứu sống nhân loại khỏi sự hủy diệt của Nữ thần Kali bằng cách hiến tế sinh mạng của chỉ một số ít người.
Ban đầu, một số nhà sử học bị thuyết phục, cho rằng Thuggee chỉ là một tổ chức tôn giáo có tín ngưỡng cực đoan. Tuy nhiên, càng điều tra sâu rộng, người ta càng nhìn thấy nhiều mâu thuẫn trong hành vi của Thuggee.
Thứ nhất, trong Ấn Độ giáo, Nữ thần Kali đóng vai trò “diệt ác, hộ thiện”, tức là tiêu diệt cái ác và bảo vệ người lương thiện. Thứ 2, bản thân Thuggee cũng có quy định cấm giết phụ nữ, trẻ em, người già cả, yếu đuối; nhưng chúng liên tiếp vi phạm quy định này. Thứ 3, không có bất cứ tôn giáo nào cổ xúy việc cướp bóc, tư lợi.
Nói tóm lại, Thuggee chỉ lấy tín ngưỡng làm cái cớ để giết người cướp của và trốn tội. Suốt 6 thế kỷ, chúng khủng bố người dân Ấn Độ, khách hành hương và du khách. Theo sách kỷ lục Guinness, Thuggee Behram giữ kỷ lục kẻ giết nhiều người nhất. Từ năm 1790 - 1840, hắn bóp cổ ít nhất 931 người. Cả hắn và gia đình của hắn (toàn bộ đều là Thuggee) đã bị bắt và xử tử tại Jabalpur.