Chương trình diễn ra từ 9h – 10h30 thứ 5 ngày 03/10 với sự tham gia của các khách mời:
1. PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học Đại học Thái Nguyên;
2. PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông;
3. PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.
Thời gian vừa qua, nhiều nước phát triển trên thế giới đã có hợp tác chiến lược với Việt Nam về ngành công nghiệp chip bán dẫn. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để phát triển.
Để đón đầu xu hướng này, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng. Đại học Thái Nguyên là một trong ba đại học vùng lớn mạnh của cả nước với sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực. Năm 2024, các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên lần đầu tiên tuyển sinh các chương trình đào tạo liên quan đến ngành công nghệ bán dẫn vi mạch nhằm đón đầu xu hướng đào tạo trong giai đoạn mới.
Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ cùng chia sẻ những câu chuyện, quan điểm, đánh giá và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành công nghệ bán dẫn vi mạch trong giai đoạn hiện nay.
Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học Đại học Thái Nguyên
PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn – vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài các chính sách hỗ trợ đồng bộ, sẵn có từ phía Nhà nước. Nhà trường đề xuất các chính sách như hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào để thu hút ít nhất 50 sinh viên/1 năm theo học chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn. Những chính sách này không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn cung cấp cơ hội học tập và làm việc thực tế, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và sự hài lòng của sinh viên. Việc triển khai các giải pháp một cách đồng bộ sẽ giúp trường thu hút và giữ chân sinh viên, đồng thời phát triển ngành học mới một cách bền vững và hiệu quả.
Bạn Quang Huy:
Hiện nay, nhiều trường Đại học cam kết đầu ra cho sinh viên nhằm thu hút các thí sinh đăng ký, vậy đối với trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, nhà trường có cam kết nào đối với các sinh viên theo học chương trình mới này?
PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Hiện tại, không dễ để tuyển dụng Kỹ sư tốt nghiệp của Trường, vì hầu hết các em đã được nhận công việc ngay ở năm cuối. Một phần là do nhu cầu ngày càng cao về nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp, một phần từ mối liên hệ chặt chẽ giữa các công ty, doanh nghiệp với Trường.
Vì thế ở quy mô toàn trường, trên 94% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm trong năm tốt nghiệp. Vì lẽ đó hiện nay hầu hết các ngành của Trường không cần cam kết đầu ra cho sinh viên mà vẫn thu hút đông đảo thí sinh đăng ký.
Riêng chương trình đào tạo "Kỹ sư công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch”, như đã nói ở trên, là chương trình được sự đầu tư đặc biệt của Trường, của Đại học Thái Nguyên và Nhà nước, cộng với nhu cầu nguồn nhân lực cực cao ở quy mô toàn cầu nên sinh viên chỉ cần tập trung cho học tập và tu dưỡng mà không phải bận tâm về nơi làm việc hay mức lương của mình.
Bạn Bích Ngọc:
Để công tác đào tạo ngành mới đi vào thực chất, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, Đại học Thái Nguyên có sự chỉ đạo ra sao đối với các trường thành viên?
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học Đại học Thái Nguyên
Đại học Thái Nguyên là Đại học vùng, “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước” (Điều 7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, năm 2018), do đó Trường luôn kiên trì mục tiêu: “Hướng tới chất lượng, đẳng cấp và trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực”.
Với kết quả đạt được trong 30 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và liên kết đào tạo quốc tế.
Ngoài ra, Đại học Thái Nguyên đặc biệt chú trọng đến đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hệ thống giáo dục mở, tập trung phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao.
Cùng với việc phát triển đa dạng các loại hình đào tạo, Đại học Thái Nguyên tiếp tục đổi mới trong việc đa dạng các mô hình đào tạo theo hướng nghiên cứu và ứng dụng, đa dạng hình thức học tập và phương thức tổ chức đào tạo.
Năm 2024, Đại học Thái Nguyên chỉ đạo các trường, khoa thành viên rà soát, điều chỉnh và phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định chuẩn chương trình đào tạo của Đại học Thái Nguyên và xây dựng khối kiến thức tiếng Anh đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ chung của trường.
Đại học Thái Nguyên định hướng phát triển từ 3 đến 5 ngành đào tạo trọng điểm cho giai đoạn 2024-2030. Ưu tiên phát triển ngành đào tạo trọng điểm mang tính liên ngành, xuyên ngành, phát huy được sức mạnh tổng hợp của đại học vùng Chương trình đào tạo của các ngành đào tạo trọng điểm phải mang tính tích hợp, có tính bền vững, có tính cạnh tranh với chương trình của các trường đại học trọng điểm ở trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Chương trình đào tạo phải tiếp cận chương trình đào tạo của các trường đại học có xếp hạng cao của thế giới, gắn với các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, kiến tạo môi trường học thuật đổi mới và sáng tạo.
Cụ thể, Đại học Thái Nguyên định hướng một số ngành trọng điểm thuộc các lĩnh vực sau: Thứ nhất, lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp (chương trình đào tạo phải gắn với công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều khiển và tự động hóa, trải nghiệm tại doanh nghiệp,…).
Thứ hai, lĩnh vực Công nghệ y sinh (chương trình đào tạo phải gắn với công nghệ sản xuất thuốc, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong y học, phát triển doanh nghiệp sản xuất dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp,…). Chương trình đào tạo gắn với các nhóm nghiên cứu về công nghệ sinh học, hóa dược, y sinh, nông lâm nghiệp, khoa học vật liệu,…
Thứ ba, lĩnh vực Khoa học xã hội, Ngôn ngữ và văn hóa (chương trình đào tạo phải gắn với việc phát triển kinh tế vùng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển vùng, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa vùng miền).
Thứ tư, lĩnh vực Công nghiệp - Công nghệ thông tin (chương trình đào tạo phải gắn với các sản phẩm công nghệ cao và được thương mại hóa, ứng dụng công nghệ trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, hợp tác với các doanh nghiệp lớn,…).
Chương trình đào tạo gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh về toán học, công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, điều khiển và tự động hóa, cơ khí chế tạo máy,...
Thứ năm, lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường (chương trình đào tạo phải gắn với giải quyết các vấn đề của quốc gia và vùng như: biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng GPS và viễn thám, bảo tồn tài nguyên thiên thiên).
Bạn Minh Anh:
Thưa PGS, xin ông chia sẻ một chút về chương trình học của ngành Công nghệ bán dẫn vi mạch tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn trình độ đại học thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông cung cấp những kiến thức và kỹ năng giúp sinh viên có thể thực hiện các công việc tại các công ty, tập đoàn quốc tế lớn như Samsung, NVIDIA, Intel, Foxconn, Qualcomm, Broadcom, LG, Amkor Technology, Hana Micron Vina, SK Hynix, Synopsys, Meta, Panasonic; đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp tốt; có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên ngành vững chắc; có kỹ năng thực hành nghề nghiệp; có khả năng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực liên quan; có trách nhiệm nghề nghiệp; có các kỹ năng cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa; có khả năng tự học tập, nâng cao trình độ đáp ứng sự phát triển không ngừng của khoa học - kỹ thuật để thành công trong ngành công nghiệp này.
Chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn của trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông cung cấp các kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, điện tử, máy tính, công nghệ thông tin và chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch chuyên sâu về Thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn, Kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn, Quản lý sản xuất và các công việc liên quan đến sản xuất vi mạch bán dẫn, cùng kiến thức về kỹ năng mềm khác.
Tốt nghiệp, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch để đảm bảo rằng sinh viên sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động.
Bạn Tuấn Anh:
Sinh viên theo học chương trình đào tạo "công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch” sẽ được trang bị những kiến thức gì thưa PGS?
PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Như đã thể hiện trong tên chương trình, người học sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong ba lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đó là: Điện tử, bán dẫn và công nghệ sản xuất vi mạch.
Bạn Hoàng Anh:
Nhà trường sẽ có cam kết cũng như giải pháp nào để sinh viên ngành công nghệ bán dẫn vi mạch sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Hiện nay lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Việt Nam đang có triển vọng phát triển rất khả quan, mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường. Với mức lương cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp, đây là ngành nghề đáng để cân nhắc cho những ai đam mê công nghệ và mong muốn có một sự nghiệp phát triển.
Với chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và môi trường đào tạo kết hợp hợp tác với ngành công nghiệp, đào tạo thực tiễn, hỗ trợ tìm việc, đảm bảo chất lượng đào tạo, đầu tư vào cơ sở vật chất và cung cấp hỗ trợ tài chính của Nhà trường. Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông cam kết tạo ra một môi trường học tập hiệu quả và giúp sinh viên chuẩn bị tốt cho sự nghiệp sau khi ra trường. Nhà trường đảm bảo việc làm cho 100% sinh viên học chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn sau khi tốt nghiệp có việc làm đáp ứng được nhu cầu nhân lực bán dẫn cho Việt Nam. Với mức lương cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Việt Nam khá hấp dẫn, đặc biệt là với những ứng viên có trình độ và kinh nghiệm và sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương trung bình 15 triệu đồng/tháng, kỹ sư có 1 - 3 năm kinh nghiệm dao động 15 - 30 triệu đồng/tháng.
Bạn Phuonglan:
PGS có đánh giá như thế nào về việc đưa ngành học này vào tuyển sinh ngay trong năm nay?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Mặc dù là chương trình đào tạo mới, nhưng Nhà trường hiện nay đang đào tạo về kỹ thuât, chuyên ngành về Thiết kế vi mạch, bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Công nghệ Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử,… từ nhiều năm. Ngoài ra theo dự báo về cơn khát nhân lực của thị trường và chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, năm 2024 là thời điểm phù hợp để đưa chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn từ ngành Công nghệ điện tử viễn thông thành một chuyên ngành riêng.
Do vậy, CTĐT vi mạch bán dẫn tuyển sinh ngay trong năm nay là thuận lợi có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Nhà trường cũng đã cân nhắc một số yếu tố để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của chương trình đào tạo. Cụ thể khi đưa chương trình vi mạch bán dẫn vào đào tạo phải: Đáp ứng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế nhu cầu thị trường; Tăng cường uy tín và vị thế của Nhà trường; Hợp tác, đầu tư và kết nối doanh nghiệp từ đó tạo ra cơ hội thực tập, dự án thực tế, các nguồn tài trợ nghiên cứu giúp mở rộng cơ hội việc làm và sự nghiệp cho các sinh viên tốt nghiệp. Để đảm bảo thành công, Nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nội dung chương trình, và chiến lược tuyển sinh.
Bạn Lanha@9999:
Đây là một ngành học mới, vậy đối tượng dự tuyển cần đáp ứng những tiêu chí và có kết quả học tập ra sao để có thể trúng tuyển thưa PGS?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Đối với một chương trình đào tạo mới như vi mạch bán dẫn, các tiêu chí và yêu cầu tuyển sinh cho đối tượng trúng tuyển có kiến thức nền tảng vững và khả năng học tập tốt các môn học liên quan đến công nghệ và kỹ thuật (Toán, vật lý, tin học, công nghệ….), kỹ năng tốt và động lực mạnh mẽ. Ngoài ra các bạn dự tuyển có thể theo dõi thông tin tuyển sinh cụ thể của Nhà trường để hiểu rõ các yêu cầu và tiêu chí tuyển sinh chi tiết trên đường link: https://tuyensinh.ictu.edu.vn/
Bạn Vũ Anh Đức:
Điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay đó là ĐHTN áp dụng việc thi đánh giá đầu vào bằng hình thức thi trên máy tính, vậy đối với hình thức này sẽ có những ưu điểm và lợi thế gì cho các thí sinh?
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học Đại học Thái Nguyên
Với vai trò là đầu mối trong công tác tuyển sinh của toàn đại học, được quyết định phương thức tuyển sinh chung trong toàn đại học, Đại học Thái Nguyên xây dựng Đề án tổ chức thi đánh giá đầu vào đại học bằng hình thức thi trên máy tính (V-SAT) để làm một trong những phương thức xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thành viên từ năm 2024.
Đây là kì thi sử dụng ngân hàng đề thi/ câu hỏi thi của Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục thuộc Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ngân hàng đề thi/câu hỏi thi đã được chuẩn hóa theo quy định và thực hiện theo phương châm chú trọng năng lực của thí sinh.
Kì thi bao gồm 7 môn thi tương ứng 7 môn học: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh được tổ chức thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Thí sinh có thể lựa chọn ít nhất 3/7 môn thi tùy thuộc vào nguyện vọng xét tuyển theo các khối ngành của đơn vị tuyển sinh.
Về hình thức, kì thi được tổ chức thi trên máy tính, bài thi trắc nghiệm khách quan được cải tiến, thiết kế đa dạng các dạng thức câu hỏi trắc nghiệm.
Ưu điểm và lợi thế đối với đơn vị tổ chức thi: Việc tổ chức thi theo hình thức làm bài thi trên máy tính giúp Đại học Thái Nguyên tổ chức thi tiết kiệm thời gian và chi phí về lâu dài.
Với sự phối hợp của Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục giúp Đại học Thái Nguyên giảm bớt gánh nặng chi phí về giấy tờ, mực in, công tác nghiên cứu đề thi, thẩm định đề thi và chấm thi so với hình thức thi truyền thống trên giấy.
Với tính năng trộn đề từ ngân hàng câu hỏi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề khác nhau, do đó không có tình trạng thí sinh gian lận trong kì thi.
Bên cạnh đó, việc chấm thi cũng được thực hiện trên phần mềm, có thể trả kết quả ngay lập tức, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của người chấm thi. Như vậy, có thể thấy rõ tính linh hoạt, hiệu quả và khách quan của Kì thi này.
Ưu điểm và lợi thế đối với thí sinh: Thí sinh được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc môn thi; thí sinh được công nhận và sử dụng chung kết quả thi V-SAT giữa Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Ngân hàng và nhiều trường đại học khác; thí sinh có thể lựa chọn ít nhất 3/7 môn thi tùy thuộc vào nguyện vọng xét tuyển theo các khối ngành của đơn vị tuyển sinh.
Ngoài ra, thí sinh có thể lấy kết quả của từng môn thi ở các đợt thi khác nhau trong năm 2024 của các đơn vị tổ chức thi V-SAT để làm kết quả xét tuyển vào các khối ngành của đơn vị tuyển sinh.
Đại học Thái Nguyên dự kiến dành khoảng từ 5-15% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học cho phương thức xét tuyển mới này.
Ngày 2/6, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) đợt 1 với số lượng hơn 600 thí sinh tham gia dự thi tương ứng 1.978 lượt đăng ký thi theo môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Tiếng Anh).
Bạn Tonghaanh:
Theo học ngành Công nghệ bán dẫn vi mạch tại trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) sẽ có chi phí đào tạo ra sao thưa PGS?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nằm trong định hướng phát triển của Chính phủ, là lĩnh vực mới mẻ và "hot" bậc nhất trong thời gian qua. Nhiều công ty dẫn lớn trên thế giới đang đầu tư vào Việt Nam nên mở ra rất nhiều cơ hội việc làm.
Hiện trên cả nước có nhiều trường ĐH đang đào tạo các ngành/chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn. Mức học phí năm học 2024-2025 tại các trường có sự chênh lệch nhau tùy vào chương trình đào tạo, thấp nhất là 16,4 triệu đồng và cao nhất là 80 triệu đồng/năm. Tại Trường Đại học Công nghệ thông tin, chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn nội dung đào tạo thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, mức học phí của ngành này là 16,4 triệu đồng/năm cho năm học 2024 - 2025.
Bạn Phạm Linh Bảo:
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngành học và chương trình mới, thầy có thể cho biết trường đã có sự chuẩn bị ra sao về cơ sở vật chất và nhân sự?
PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Về căn bản, lĩnh vực kỹ thuật điện tử là 1 lĩnh vực truyền thống của Trường, đây cũng chính là nền tảng của chương trình đào tạo Công nghệ điện tử bán dẫn và vi mạch. Do đó trước tiên có thể khẳng định Trường đã có nền tảng tốt cả về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị để đào tạo chương trình này.
Thứ hai, đây là lĩnh vực được sự ưu tiên đặc biệt của chính phủ và Trường là 1 trong 18 cơ sở đào tạo trên cả nước được Nhà nước ưu tiên đầu tư về phòng thực hành, thí nghiệm chuyên sâu về công nghệ bán dẫn vi mạch, và ngay trong năm nay Nhà trường cũng sẽ được đầu tư 1 phòng thí nghiệm trọng điểm về IoT để hỗ trợ cho chương trình.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã thiết lập mối quan hệ với một số trường đại học hàng đầu của Đài Loan về công nghệ bán dẫn để hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên; thiết lập quan hệ với một số công ty sản xuất vi mạch tại Bắc Giang, Bắc Ninh như Amkor, Hana Micron để có thể cũng cấp các kiến thức thực tế, cập nhật nhất cho người học.
Do vậy, người học hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình sẽ được đào tạo bởi các giảng viên tận tâm có kinh nghiệm, ở những năm cuối sẽ được thực hành thí nghiệm tại các phòng thí trọng điểm quốc gia và thực tập tại những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất chip bán dẫn.
Hơn nữa, sinh viên có thể được tha gia chương trình 1 năm cuối tại Đài Loan, một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực này.
Bạn Trang Trần:
Là một trong 3 trường Đại học thuộc Đại học Thái Nguyên tuyển sinh ngành Công nghệ bán dẫn vi mạch, vậy ngành học này được đào tạo tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông sẽ có điểm khác biệt như thế nào so với trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp và trường Đại học Khoa học?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Ở Việt Nam, một số trường đại học có đào tạo về Vi mạch bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Công nghệ Thông tin, Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM). So sánh các CTĐT về Vi mạch bán dẫn giữa các trường trong đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, mỗi trường có những điểm mạnh và khác biệt nhất định.
Những điểm khác biệt chính của CTĐT Vi mạch bán dẫn tại Trường ĐH CNTT&TT:
- Đào tạo theo định hướng ứng dụng, 100% các môn học chuyên ngành đều có khối lượng thực hành.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong Thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn; Kiểm tra, kiểm thử thiết kế vi mạch bán dẫn.
- Hợp tác với các Viện nghiên cứu, Công ty chuyên về Vi mạch bán dẫn trong đào tạo (trải nghiệm, thực tập, làm dự án) như Viện công nghệ thông tin – ĐHQG HN, Công ty HCL, FPT,…
Bạn Đỗ Hoài Nam:
Xuất phát từ lý do gì mà nhà trường đưa chương trình đào tạo này vào tuyển sinh trong năm nay, thưa thầy?
PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Đào tạo nhân lực Công nghệ bán dẫn, vi mạch hiện là yêu cầu và ưu tiên hàng đầu của Nhà nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng để phục vụ trực tiếp cho sự phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhà. Vì thế việc đưa chương trình này vào đào tạo chính là thực hiện sứ mạng của Nhà trường “đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao tại các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của vùng và đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế …”.
Bạn Phạm Hải Anh:
Theo điểm chuẩn trường đã công bố thì chương trình đào tạo "công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch” có điểm cao nhất trong 23 ngành nhà trường tuyển sinh vậy lý do gì mà chương trình đào tạo này lại có điểm sàn cao như vậy?
PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Chương trình đào tạo "Kỹ sư công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch” là một chương trình trọng điểm của Nhà trường được Đại học Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên quan tâm đặc biệt, tạo rất nhiều ưu đãi cho việc đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo, đầu tư thiết bị cho thí nghiệm, thực hành, hỗ trợ học bổng...
Với đặc thù là lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi người học ngoài sự đam mê còn phải có nỗ lực và nền tảng tốt. Vì vậy, đây là chuyên ngành có ngưỡng xét tuyển đầu vào cao nhất trong số 23 ngành đang tuyển sinh của Trường.
Bạn Minh Anh:
PGS có đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị và sự sẵn sàng của các trường thành viên trong tuyển sinh chương trình đào tạo mới?
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học Đại học Thái Nguyên
Năm 2024, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh 17.275 chỉ tiêu trình độ đại học và 1.050 chỉ tiêu trình độ cao đẳng. Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo, quy mô tuyển sinh các trình độ đào tạo không ngừng tăng lên.
Từ năm 2019 đến nay, tuyển sinh các trình độ khoảng từ 14.000 - 26.000 người/năm; năm 2023 tuyển sinh các trình độ đạt 26.519 người.
Đại học Thái Nguyên tuyển sinh theo 7 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) của ĐHTN; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội; xét tuyển theo đề án tuyển sinh của các đơn vị đào tạo.
Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường, các đơn vị thành viên tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa các phương thức tuyển sinh, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá; phân bổ chỉ tiêu cho mỗi phương thức xét tuyển đảm bảo công bằng đối với thí sinh, giảm tỉ lệ xét tuyển theo phương thức xét kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); loại bỏ các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, gây khó khăn cho thí sinh.
Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyêncũng yêu cầu các đơn vị đào tạo phải dừng tuyển sinh từ năm 2024 đối với các ngành đào tạo không đảm bảo các điều kiện duy trì ngành đào tạo.
Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên chỉ đạo các trường, khoa thành viên đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai và Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang trong tổ chức và quản lý đào tạo các ngành đào tạo do các đơn vị chủ trì ngành đặt tại các Phân hiệu của Đại học Thái Nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương.
Bạn Nguyên Hạnh:
Việc mở ngành mới trong năm 2024 sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và đón đầu chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam ra sao thưa PGS?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Công nghiệp bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ điện tử và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội và kinh tế. Công nghệ vi mạch bán dẫn không chỉ dừng lại ở ứng dụng trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, nó đã mở ra cửa cho nhiều ứng dụng khác nhau như trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, y tế số, IoT (Internet of Things), ..., và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác.
Xác định lĩnh vực vi mạch bán dẫn là lĩnh vực quan trọng, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển. Trong khối doanh ngiệp nhà nước: tập đoàn Viettel là công ty tiên phong trong việc tự làm chủ công nghệ chip riêng biệt dùng cho sản xuất trạm viễn thông 5G; Gần đây, tập đoàn FPT cũng đã chính thức thông báo thương mại hóa chip do các kỹ sư người Việt nghiên cứu và thiết kế sử dụng trong thiết bị y tế. Và hiện tại, các sản phẩm vi mạch, lõi IP cũng được đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia được ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Do vậy, Nhà trường mở mới chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vào năm 2024 là một bước đi quan trọng để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Bạn Yến Nhi:
Năm đầu tiên tuyển sinh ngành “Công nghệ bán dẫn vi mạch” trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã có sự chuẩn bị như thế nào về cơ sở vật chất để sẵn sàng đào tạo?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Để chuẩn bị năm đầu tiên đào tạo sinh viên trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch (chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn), trường đại học CNTT&TT đã chú trọng một số yếu tố quan trọng:
Thứ nhất, bên cạnh các cơ sở vật chất dùng chung và phòng thí nghiệm cơ sở (hệ thống phòng học, giảng đường hiện đại, Phòng thực hành FPGA, Phòng thực hành về các hệ thống nhúng, IoT và AI), Nhà trường đầu tư thêm các phòng thí nghiệm chuyên sâu cho thiết kế vi mạch, đặc biệt là các phần mềm thiết kế vi mạch và phần mềm thiết kế các mạch tích hợp và kiểm tra các mô hình vi mạch);
Thứ hai, tài liệu và tài nguyên học tập, trường đã cung cấp sách, giáo trình, tài liệu nghiên cứu và các nguồn tài nguyên học tập khác để hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên;
Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn đội ngũ giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch, tham gia nghiên cứu và hợp tác với ngành công nghiệp để cập nhật kiến thức mới nhất;
Đặc biệt, việc hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn để cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế và các hội thảo chuyên đề. Đặc biệt, dựa trên các hợp tác đã ký kết, Nhà trường được chia sẻ Cơ sở vật chất đào tạo về Vi mạch bán dẫn của Viện Công nghệ thông tin – ĐHQG Hà Nội cũng như liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử vi mạch trong đào tạo, tuyển dụng sinh viên về Vi mạch bán dẫn như tập đoàn HCL, Tập đoàn Hồng Hải, SamSung,…
Đồng thời, khuyến khích sinh viên và giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển vào các vấn đề thực tiễn và công nghệ mới.
Bạn Nguyễn Mai Lan:
Năm 2024, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo "công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch” với bao nhiêu chỉ tiêu thưa PGS?
PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Đây là năm đầu tiên Trường tuyển sinh chương trình này, với mục tiêu đào tạo “lứa đầu” thật sự chất lượng nên chỉ tiêu đặt ra tương đối thấp, với 1 lớp khoảng 30 sinh viên.
Bạn Anh Hoàng:
Năm 2024, ĐHTN tổ chức tuyển sinh những ngành đào tạo mới nào, thưa thầy?
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học Đại học Thái Nguyên
Năm 2024, Đại học Thái Nguyên đã yêu cầu các trường, các đơn vị thành viên dừng tuyển sinh hoặc đóng ngành đối với các ngành đào tạo không đảm bảo các điều kiện duy trì ngành đào tạo hoặc không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện rà soát điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo của tất cả các trường, đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên, đảm bảo các ngành có đầy đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của vùng và cả nước, Đại học Thái Nguyên thường xuyên chỉ đạo các trường, đơn vị thành viên mở mới các ngành, chuyên ngành đào tạo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước trong đó có các ngành như: Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trường Đại học Khoa học); Sư phạm tiếng Mông, Ngôn ngữ Trung Quốc (Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang); Robot và trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp); Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng (Trường Đại học Y - Dược); Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quản lý phát triển đô thị và bất động sản (Trường Đại học Nông Lâm); Quốc tế học, Công nghệ tài chính (Khoa Quốc tế),…
Đây là các ngành đào tạo mới, đáp ứng xu thế phát triển khoa học và công nghệ, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.
Đại học Thái Nguyên thực hiện điều tiết nguồn lực chung của các trường, đơn vị thành viên để đảm bảo đầy đủ các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công nghệ,… cho công tác tuyển sinh và đào tạo có chất lượng các ngành mới mở nói trên.
Bạn Phạm Hai:
Hiện nay, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông có tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên là? Trong đó đội ngũ giảng viên để đào tạo ngành công nghệ bán dẫn vi mạch đã được sắp xếp ra sao?
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Hiện nay đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông: là lực lượng giảng viên cơ hữu đúng ngành của trường, hiện đang đảm nhận các chương trình đào tạo trong Khoa Kỹ thuật và Công nghệ. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy gồm 02 PGS.TS, 11 Tiến sĩ và 28 Thạc sĩ có chuyên ngành đúng và gần. Giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo này đều tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước, đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và chuyển giao công nghệ liên quan đến lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, Nhà trường đã ký kết hợp tác với Viện CNTT – ĐH QGHN là đơn vị đào tạo, nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về vi mạch bán dẫn để sử dụng nguồn lực giảng viên thỉnh giảng của Viện CNTT tham gia vào quá trình đào tạo tại Trường cũng như các nội dung thực tập, thực hành chuyên đề tại Viện CNTT – ĐHQG HN. Với năng lực và trình độ của giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông hoàn toàn đáp ứng đủ các điều kiện đào tạo chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn đáp ứng được nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Vi mạch bán dẫn, góp phần hiện thực hóa nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tầm nhìn đến năm 2030.
Bạn Nguyễn Ngọc:
Thưa PGS, là một trong những Đại học vùng, Đại học trọng điểm trong cả nước thời gian qua Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tuyển sinh đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong năm 2024 để đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ĐHTN đã có sự chỉ đạo thế nào đối với các trường đại học thành viên để tuyển sinh lĩnh vực này?
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học Đại học Thái Nguyên
Đại học Thái Nguyên là một đại học đa lĩnh vực, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của Việt Nam.
Đại học Thái Nguyên có những nhiệm vụ sau đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực các ngành khoa học và công nghệ với các trình độ đại học, sau đại học; thực hiện nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn với giảng dạy, đào tạo, thông tin khoa học và triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; xây dựng, tư vấn và đề xuất chính sách phát triển kinh tế xã hội cho chính quyền và tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Hiện nay, Đại học Thái Nguyên đang tổ chức đào tạo 142 ngành đào tạo trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo, 63 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 32 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 20 ngành đào tạo chuyên khoa y dược, 4 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, trong đó, nhiều ngành truyền thống đang tuyển sinh tốt, được tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.
Chương trình đào tạo của Đại học Thái Nguyên được thiết kế, xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo đang được áp dụng ở trường đại học có uy tín ở trong nước và nước ngoài.
Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng của Đại học Thái Nguyên là gần 70.000 người học; đào tạo sau đại học hơn 4.000 người học. Đại học Thái Nguyên đang đào tạo cho gần 1.000 người học đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2024, Đại học Thái Nguyên tiếp tục định hướng các trường, khoa thành viên tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật (Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ điều khiển và tự động hóa,…); lĩnh vực ngôn ngữ và khu vực học (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc học, Trung Quốc học); lĩnh vực kinh doanh và quản lý; lĩnh vực đào tạo giáo viên và lĩnh vực sức khỏe.
Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên chỉ đạo các trường đại học thành viên phát triển các chuyên ngành, chương trình đào tạo như Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn, Công nghệ đổi mới và sáng tạo,… trên cơ sở các ngành đào tạo truyền thống về công nghệ - kỹ thuật.
Bạn Anh Hoài:
Để thu hút sinh viên theo học ngành công nghệ bán dẫn vi mạch trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã có những chính sách ưu tiên cũng như kinh phí học bổng ra sao thưa PGS?