Tuyển sinh lớp 10 mùa dịch: Bài toán an toàn, chất lượng

GD&TĐ - Năm nay, mối lo trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT không còn là của riêng thí sinh, phụ huynh, mà cả với những người tổ chức.

Giáo viên sử dụng nhiều phương án kết hợp công nghệ để ôn thi cho học sinh.
Giáo viên sử dụng nhiều phương án kết hợp công nghệ để ôn thi cho học sinh.

Làm thế nào để vẫn giữ vững chất lượng đầu vào, đồng thời bảo đảm an toàn trước dịch bệnh là bài toán “cân não” với nhiều cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Tính đến nhiều tình huống

Chia sẻ giải pháp tổ chức kỳ tuyển sinh vào lớp 10 an toàn, chất lượng, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quí (Đồng Tháp) cho rằng: Vì tình huống bất khả kháng, thời gian tổ chức thi có thể thay đổi so với dự kiến ban đầu, nhưng phải chốt sớm.

Việc bố trí khu vực thi, cán bộ làm nhiệm vụ coi thi và bố trí phòng thi bảo đảm an toàn phòng ngừa Covid-19 phải được quan tâm hàng đầu. Ngành GD cần lên được kịch bản chi tiết tổ chức kỳ thi khả thi và phải được truyền thông rộng rãi, đầy đủ, kịp thời.

Cùng với đó, công bố nội dung ôn thi thống nhất, phù hợp tiến độ chung thực hiện chương trình. Thời gian kết thúc chương trình, ôn tập bị ảnh hưởng nên có thể điều chỉnh nội dung phù hợp. Tạo được sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ôn thi, từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thầy cô, có giải pháp giảm áp lực cho học sinh trong quá trình ôn tập. Trong điều kiện khó khăn, việc quan tâm động viên giúp đỡ học sinh rất quan trọng.

“Trong điều kiện dịch bệnh, việc đa dạng hóa các hình thức ôn tập kiến thức cho học sinh phải được chú trọng. Các trường kết hợp hài hòa ôn tập trực tiếp với việc giao bài tập về nhà hoặc qua hình thức trực tuyến. Ngành chỉ đạo khảo sát đánh giá kết quả ôn tập của học sinh bằng hình thức thích hợp, từ đó điều chỉnh kịp thời hình thức, nội dung ôn tập đảm bảo yêu cầu của kỳ thi”, thầy Trần Văn Hân nêu quan điểm.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khi trao đổi về tình huống cụ thể của Hà Nội cho rằng: Với đặc thù tính cạnh tranh cao, số lượng thí sinh đông, việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT như thế nào trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là bài toán khó.

Trường hợp nếu dịch bệnh lắng xuống, kỳ thi có thể được tổ chức với những biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt, tăng số phòng thi thực hiện giãn cách. Đối tượng thí sinh là F0 (nếu có) nên được miễn thi, thực hiện theo hình thức xét tuyển. Thí sinh F1, F2 (nếu có) cần có biện pháp tổ chức thi như thế nào đó để vừa an toàn, vừa bảo đảm quyền lợi của các em - có thể làm giống như cách Đà Nẵng đã làm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

“Tuy nhiên, trong tình huống bất khả kháng, dịch bệnh phức tạp đến mức phải giãn cách xã hội, chúng ta không còn cách nào khác là thực hiện xét tuyển. Phương thức này, nhiều năm qua một số địa phương vẫn áp dụng với kỳ tuyển sinh vào lớp 10”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Học sinh lớp 9 ôn thi trực tuyến tại nhà.
Học sinh lớp 9 ôn thi trực tuyến tại nhà.

Coi trọng quá trình học, không chỉ đầu vào

Bà Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa XIV, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, cho biết: Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 11/2014/TT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT quy định: Tuyển sinh THPT được tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển (dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó); thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Thông tư của Bộ GD&ĐT cũng quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh THPT, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh và quy định mức thu lệ phí tuyển sinh.

Như vậy, việc lựa chọn phương thức tuyển sinh THPT của địa phương thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định cụ thể phương thức tuyển sinh nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương. Trên thực tế, hiện đa số địa phương thực hiện phương thức thi tuyển vào lớp 10, chỉ một số địa phương cho phép các trường THPT sử dụng phương thức xét tuyển học sinh đầu cấp.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, địa phương cần có quyết định phù hợp với kỳ tuyển sinh này, làm sao vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ làm công tác thi vừa có chất lượng. Ví dụ, với những địa phương mà dịch bệnh phức tạp, nếu tổ chức thi khó bảo đảm an toàn sức khỏe có thể tính đến phương án xét tuyển; chỉ tổ chức thi tuyển với trường chuyên, trường buộc phải có sự chọn lọc đầu vào.

Việc thi tuyển vào trường chuyên có thể thực hiện được bởi số lượng thí sinh không nhiều, triển khai các biện pháp an toàn phòng dịch là khả thi. Còn với những địa phương chưa có dịch vẫn có thể thi tuyển và phải thực hiện nghiêm túc việc giãn cách, cũng như các quy định phòng chống dịch bệnh khác.

Với Quảng Trị, theo bà Minh, địa phương đã có trường hợp F1 thành F0 và những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang được triển khai quyết liệt. Ngày 7/5, sở GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh THPT trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ 1 trong 3 phương thức tuyển sinh.

Phương thức 1 là xét tuyển: Dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Phương thức 2 là thi tuyển: Đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Lê Quý Đôn (thi 3 môn chung gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 1 môn chuyên theo nguyện vọng đăng ký dự tuyển). Đối với tuyển sinh vào Trường Phổ thông DTNT và các cơ sở giáo dục khác (thi 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 1 môn khác - nếu có - theo hướng dẫn hằng năm của sở GD&ĐT.

Phương thức 3 là kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Quy định như vậy là hết sức linh hoạt. Chắc chắn, năm nay Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn tổ chức tuyển sinh vào THPT phù hợp trong điều kiện, hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19.

Cũng cần quan tâm thông tin đầy đủ, kịp thời để phụ huynh học sinh yên tâm. Áp lực từ phụ huynh là vô cùng lớn, nên nếu thiếu thông tin, hoặc thông tin không kịp thời trong tình hình hiện tại sẽ gây tâm lý hoang mang, nhất là sự thay đổi, điều chỉnh của kỳ thi. Điều này vô tình sẽ tạo thêm áp lực vô hình cho học sinh trong quá trình ôn tập. - Thầy Trần Văn Hân

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ