Tuyển sinh lớp 1, trường nóng, trường ngóng học sinh

GD&TĐ - Các địa phương đã nỗ lực trong đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để bảo đảm công bằng cho HS nhất là khi triển khai Chương trình – SGK mới.

Giờ học tiếng Anh ngoài trời của HS lớp Một, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Giờ học tiếng Anh ngoài trời của HS lớp Một, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Thế nhưng, vẫn còn tình trạng chọn trường, chọn lớp, chọn cô từ lớp 1 theo tâm lý “nghe kể, nghe nói” nên nhiều trường “thương hiệu” vẫn gạt đi không hết hồ sơ đăng ký nhập học, từ chối nhận HS trái tuyến, nhưng có những trường lại trong cảnh ngóng HS.

Chưa đến hè đã thấy áp lực

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: Kết quả điều tra phổ cập tháng 12/2020, trên địa bàn tuyển sinh của trường có 227 em sẽ vào lớp Một năm học tới.

Thế nhưng, qua tháng 3/2021, con số này lên tới 321 em. Trong số này, ngoài số hộ mới chuyển đến sinh sống theo diện mua nhà, nhập hộ khẩu còn có một số lượng trẻ mới nhập hộ khẩu vào nhà ông bà nội, ngoại để có một suất theo học tại trường.

Năm học 2020 – 2021, chỉ tiêu tuyển sinh lớp Một của trường dựa trên số liệu điều tra phổ cập là 300 em.

Thế nhưng khi rà soát, đối chiếu giữa thông tin hồ sơ nộp trực tiếp và thông tin trực tuyến có đến 70 hồ sơ ảo.

Tức là những hộ này không còn sinh sống thực tế tại địa phương nhưng không chuyển hộ khẩu. Hồ sơ “ảo” nhằm giữ suất vào học ở Trường Tiểu học Núi Thành năm nào cũng đủ để có thể biên chế thành 2 lớp học.

Ngoài Trường Tiểu học Núi Thành, phường Hòa Cường Nam còn có Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu. Trước đây, địa bàn tuyển sinh của Trường Tiểu học Núi Thành gồm 6 khu vực, 4 khu vực còn lại, HS sẽ vào học tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu. Nhưng năm học 2017 – 2018, khi Trường Tiểu học Núi Thành “vỡ” chỉ tiêu tuyển sinh, không bảo đảm 100% HS học 2 buổi/ngày, Phòng GD&ĐT Hải Châu buộc phải tham mưu cho UBND quận điều tiết 7 lớp Một tuyển mới sang học Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu. Trường Tiểu học Núi Thành năm đó chỉ tuyển HS của một khu vực dân cư, biên chế thành 3 lớp Một.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cũng là điểm nóng trong tuyển sinh đầu cấp. Cô Nguyễn Thị Kim Trang – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2020 – 2021, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 280 em, biên chế thành 8 lớp Một. Trên thực tế, con số dôi ra so với điều tra phổ cập ban đầu. Số HS của toàn khối Một năm học này của nhà trường là 302 em. Trường có khoảng 120 hồ sơ trái tuyến xin học tại trường nhưng chỉ đủ khả năng tiếp nhận từ 20 – 25 em để bảo đảm sĩ số HS/lớp không quá 40 em.

 Theo số liệu điều tra phổ cập, năm học 2021 – 2022, trường tuyển mới khoảng 300 HS lớp Một. Thế nhưng, trường “dự trù” thêm khoảng 20 chỉ tiêu phát sinh. Có những hộ đi làm ăn xa, không sinh sống trên địa bàn nhưng vào năm học lại dẫn con về học xin học tại trường. Dân số trên địa bàn phường đông, ngoài áp lực tuyển con em có hộ khẩu theo quy định, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo còn có nhiều cán bộ, công chức công tác tại các đơn vị đóng trên địa bàn cũng xin vào học. 

Buổi sinh hoạt chuyên đề của học sinh lớp Một, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Buổi sinh hoạt chuyên đề của học sinh lớp Một, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). 

Nỗ lực “giữ chân” học sinh

Năm nào, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng không tuyển đủ so với chỉ tiêu tuyển sinh lớp Một được giao. Năm học 2020 – 2021, trường tuyển thiếu khoảng 50 – 60 HS. Con số này của năm học trước khoảng 45 HS.

Thầy Nguyễn Thái Phong cho biết: Nhiều năm liền, trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu được giao. Ngoài lý do phường có số dân đăng ký tạm trú nhiều nên có sự biến động trong số liệu điều tra phổ cập, những năm trước đó, gia đình nào có điều kiện một chút đều cho con đi học trái tuyến ở các trường khác trong quận. Cách đây khoảng 3 năm, mỗi năm, Trường “mất” khoảng từ 1 - 2 lớp, chiếm khoảng 30% so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Đây là số HS là con em của phường đi học trái tuyến ở các phường khác.

Ngoài việc UBND quận Hải Châu tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học theo hướng khang trang, hiện đại, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng nỗ lực trong nâng cao chất lượng đại trà và mũi nhọn, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho HS. Để nói như thầy Phong là ít nhất, giữ cho được HS có hộ khẩu ở phường Thuận Phước ở lại trường học chứ không học trái tuyến tại các trường.

Năm học này, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là trường tiểu học duy nhất của quận  không tuyển đủ số lượng HS lớp Một so với chỉ tiêu được giao dựa trên số liệu điều tra phổ cập. Trường chỉ tuyển được 101HS/105 chỉ tiêu, trong đó có 8 HS ngoại tuyến.

Năm học 2020 – 2021 được xem là dấu mốc quan trọng của Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) khi nhà trường tuyển đủ 100% so với chỉ tiêu được giao.

“Những năm trước đó, số lượng tuyển sinh lớp Một của trường chỉ đạt khoảng 70 – 80% so với chỉ tiêu. Hai năm học gần đây, nhà trường có nhiều đột phá trong đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện các điều kiện dạy – học, vui chơi cho HS. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân giúp trường giữ chân được HS ở lại địa bàn phường để học. Chất lượng HS mũi nhọn của trường nằm trong tốp đầu của các trường tiểu học của quận. Những cuộc thi phong trào, HS của trường cũng có nhiều giải cao” – cô Lê Anh Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Việc phụ huynh muốn xin cho con học ở trường trái tuyến một phần xuất phát từ yếu tố tâm lý. Nhiều phụ huynh cho rằng trường “tên tuổi” hẳn chất lượng phải hơn những trường “bình thường”. Thế nên, rất nhiều trường hợp, mặc dù trên giấy tờ, nhà chỉ cách trường có vài bước chân nhưng HS, phụ huynh chấp nhận di chuyển khá xa mới đến được trường có tiếng. Vì vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ GV để bảo đảm điều kiện hưởng thụ giáo dục của các trường như nhau, làm tốt công tác quảng bá về trường cũng là điều nên làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ