Tuyển sinh 2021: Thí sinh “đổ xô” đăng ký xét tuyển bằng học bạ

GD&TĐ - Nếu như những năm trước, xét tuyển học bạ được coi là “phương án phụ”, thì năm 2021 phương thức này trở thành lựa chọn ưu tiên của không ít thí sinh và phụ huynh…

Thạc sỹ Trương Vĩnh Bình tư vấn tuyển sinh cho thí sinh trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: NVCC
Thạc sỹ Trương Vĩnh Bình tư vấn tuyển sinh cho thí sinh trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường và lưu ý tiêu chí phụ để không bị trượt oan.

Ưu tiên số 1 của nhiều thí sinh

Ngay sau khi kết thúc học kỳ II năm học 2020 - 2021, nhiều thí sinh “đổ xô” đăng ký xét tuyển đại học dựa vào kết quả học tập học bạ Trung học phổ thông (THPT).

Em Đỗ Trường Huy - học sinh lớp 12D, Trường THPT Chí Linh (Hải Dương) đã quyết định nộp hồ sơ học bạ với các thành tích cá nhân trong học tập vào ngành Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học VinUni (Hà Nội).

Chia sẻ về quyết định của mình, Trường Huy bộc bạch, em muốn “chắc chân” vào trường đại học, hơn nữa đây cũng là trường em yêu thích. Việc còn lại là, em sẽ tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT để đạt kết quả tốt và rèn luyện, phát triển năng lực tiếng Anh của mình.

Học sinh Nguyễn Thành Nam – lớp 12 A8, Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh) đăng ký online xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội). Thành Nam chọn phương thức này để có thêm cơ hội trúng tuyển, đồng thời giảm áp lực phải đạt điểm cao ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nam cho biết: Lớp có 47 học sinh có tới 70% đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng học bạ.

Tuyển sinh 2021: Thí sinh “đổ xô” đăng ký xét tuyển bằng học bạ ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

“Xét tuyển theo phương thức này, chúng em có thể chủ động chọn tổ hợp các môn thế mạnh của mình để đăng ký vào nhiều trường, ngành khác nhau; nhất là năm nay, ở Thuận Thành (Bắc Ninh), dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT không biết có thể diễn ra theo kế hoạch ban đầu hay không. Vì thế, xét tuyển bằng học bạ là lựa chọn ưu tiên số 1 của chúng em. Với phương thức này, chúng em có cơ hội để nhận được “tấm vé sớm” vào giảng đường đại học. Vừa giải tỏa tâm lý thi cử, vừa tăng cơ hội trúng tuyển cho mình nên chúng em không có gì phải lăn tăn” – Thành Nam bộc bạch.

Với kết quả học tập tốt, cùng với một số thành tích đã có, mấy ngày nay chị Trần Thị Dung - TP Bắc Giang liên tục giục con nộp học bạ để xét tuyển đại học. “Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hơn nữa Bắc Giang đang là “tâm dịch” nên tôi rất lo lắng. Gia đình tôi khuyên con không nên bỏ sót bất cứ cơ hội nào để vào đại học. Trong bối cảnh như hiện nay, việc chọn phương án an toàn, trong đó ưu tiên xét tuyển bằng học bạ là sự chọn khôn ngoan” - chị Dung khẳng định, đồng thời cho biết: Con gái chị có nguyện vọng vào Học viện Tài chính (Hà Nội) và dự kiến sang tuần sau sẽ nộp hồ sơ trực tuyến theo hướng dẫn của nhà trường.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tháng 4/2021.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tháng 4/2021.

Đừng để “sai một ly, đi một dặm”

Theo thống kê sơ bộ, năm nay có khoảng 100 trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Phương thức này được nhà trường triển khai thành nhiều đợt khác nhau. Các chuyên gia khuyến cáo, không phải thí sinh nào đăng ký xét tuyển bằng học bạ THPT đều chắc trúng tuyển. PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), lưu ý: Thí sinh nên đọc kỹ đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo định nộp hồ sơ xét tuyển.

“Mỗi phương thức tuyển sinh đều có tiêu chí hoặc điều kiện riêng, trong đó có phương thức xét tuyển học bạ. Có trường đưa ra tiêu chí phụ, thí sinh sơ suất bỏ qua, có thể dẫn đến “trượt oan” - PGS.TS Bùi Đức Triệu nhắn gửi, đồng thời trao đổi: Nếu trong một ngành của trường có nhiều thí sinh cùng nộp hồ sơ học bạ sẽ có sự cạnh tranh; bởi chỉ tiêu có hạn, mà càng nhiều thí sinh đăng ký thì sự cạnh tranh càng khốc liệt. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có thí sinh trúng tuyển và cũng có thí sinh trượt.

Thạc sỹ Trương Vĩnh Bình – Phó phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: Thời điểm này là cao điểm để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào các trường. Với phương thức này, thí sinh cần chú ý thời gian thu nhận hồ sơ từng trường. Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ sớm có nhiều lợi thế hơn. Học viện xét tuyển học bạ của thí sinh thành nhiều đợt: Từ nay đến 30/5; từ 1/6 - 15/6; từ 16 - 30/6; đợt bổ sung (dự kiến): từ 1/7 - 30/8/2021.

Thạc sỹ Trương Vĩnh Bình lưu ý: Học viện nhận hồ sơ với những thí sinh có điểm xét tuyển bọc bạ đạt từ 17,0 điểm trở lên. Thí sinh sử dụng kết quả học tập THPT để xét tuyển vào Học viện Quản lý giáo dục theo kết quả học tập 3 học kỳ gồm: 2 học kỳ của năm lớp 11 và học kỳ I của lớp 12. “Đây là thông tin quan trọng và cũng là điều kiện dành cho thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Vì thế, các em không nên bỏ lọt thông tin để tránh những sơ suất không đáng có” - Thạc sỹ Trương Vĩnh Bình chia sẻ.

Từ khi kết thúc năm học cho đến trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường “chiêu sinh” bằng phương thức xét tuyển học bạ. Vì thế, thí sinh nên chủ động tìm hiểu và nghiên cứu kỹ để xét tuyển vào ngành học, trường học yêu thích. Mỗi trường sẽ đưa ra các tiêu chí phụ khác nhau, vì thế, thí sinh cần hết sức lưu ý để tránh “sẩy chân”. - Thạc sỹ Trương Vĩnh Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ