Tự chủ đại học thu hút sự quan tâm của toàn xã hội

GD&TĐ - Buổi tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ" do Báo Người Lao Động tổ chức vừa diễn ra sáng nay (12/11) thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện nhiều trường ĐH.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (giữa) cùng các đại biểu tại tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (giữa) cùng các đại biểu tại tọa đàm.

Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cùng đại diện của gần 30 cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia giáo dục… Mục đích của buổi tọa đàm là góp phần vào việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tự chủ giáo dục đại học.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, tự chủ đại học là điểm sáng, không chỉ là xu thế mà còn mang lại lợi ích cho giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao ý kiến của các đại biểu đóng góp cho vấn đề tụ chủ ĐH. Những ý kiến tại buổi tọa đàm không chỉ là phản ánh những vấn đề thực tiễn ở từng đơn vị mà còn đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách. Bản chất của tự chủ chính là làm gì để tốt nhất. Tự chủ giải bài toán tối ưu trong đó có việc đưa ra quyết định nhanh nhất.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

“Tự chủ không phải là tự trị, cũng không phải tự lo. Tự chủ mở ra những chính sách thông thoáng song cũng cần đồng bộ. Thực hiện tự chủ đại học, các trường cần xây dựng hệ thống quản trị nội bộ tốt, phải có mô hình quản trị, trong trường đại học phải phân cấp nhằm phát huy thế mạnh từng đơn vị, từng người trong trường” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Phát biểu đề dẫn chương trình, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng tự chủ đại học là vấn đề nóng, được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây, thu hút sự quan tâm không chỉ riêng ngành ngành giáo dục mà còn nhiều giới, nhiều ngành trong xã hội .

TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, phát biểu.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, phát biểu.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, quyền tự chủ đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học (điều 32, luật số 34/2018) gồm: quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. So với Luật Giáo dục đại học 2012, sự minh định về quyền tự chủ đại học đã được thể hiện rõ hơn rất nhiều. Đồng thời, phần lớn 23 trường tham gia thí điểm tự chủ giai đoạn 2015-2017 đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Bên cạnh Luật Giáo dục đại học (2018), Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung; theo đó, tại điều 13 của Nghị định này đã cụ thể hóa rất chi tiết về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về học thuật và các hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy nhân sự, về tài chính và tài sản. Tuy nhiên, dù đã được luật hóa nhưng quá trình triển khai thực hiện tự chủ ĐH vẫn còn một số vướng mắc. Bởi, không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) mà tự chủ đại học còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức – Viên chức… Do đó, khi thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật chi đồng bộ.

GS Trần Hồng Quân phát biểu.
GS Trần Hồng Quân phát biểu.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, GS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, tự chủ đại học đối với các nước khác là điều thường thấy nhưng với chúng ta lại chưa quen. Đến hiện nay, khi đã trở thành chủ trương lớn, đã đưa vào luật mà vẫn không dễ thực hiện vì còn vướng tư duy và nhiều ràng buộc pháp lý do nhiều luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ.

“Thời gian qua, giáo dục đại học tuy đạt nhiều thành tựu nhưng không dừng lại ở đó được, giáo dục đại học buộc phải vươn lên. Muốn vậy phải có động lực tự thân và nguồn lực mới. Tự chủ đặt cho các trường vị trí tự lập, tự vươn lên, không thể ỷ lại vào ngân sách Nhà nước. Nếu cứ ỷ lại, các trường phải chịu sự nghèo nàn thường xuyên. Do đó, phải huy động nguồn lực xã hội để tự vươn lên” - GS Trần Hồng Quân phát biểu.

Đồng thời, GS Trần Hồng Quân cũng cho rằng tự chủ đại học là một chủ trương canh tân lớn về quản lý trên cơ bản là đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao nhiều quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. Đó là một bước dân chủ hoá giáo dục đại học. Tự chủ đại học được thực hiện trên 4 phương diện: tự chủ về học thuật, tự chủ về tài chính, tự chủ về lao động và tự chủ về tổ chức.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đến cuối chương trình.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đến cuối chương trình.

Lắng nghe nhiều ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), đánh giá cao những tham luận, những ý kiến đại diện các cơ sở GDĐH. Những vấn đề các đại biểu đặt ra rất sâu sắc, bám sát lợi ích của người học, của nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ