Tự chủ đại học: Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

GD&TĐ - Sáng nay (19/11), Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp chuyên đề “Đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục đại học: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp”.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp.

Phiên họp do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức.

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ, tự chủ đại học không phải là vấn đề mới và đã được đẩy mạnh từ năm 2015 trở lại đây sau khi có Nghị quyết 77 của Chính phủ, nhất là từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật này.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc; vì thế trong phiên họp hôm nay nhằm thảo luận, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà nhà trường đang gặp phải trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ đại học.

PGS.TS Trần Diệp Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế chính sách đặt hàng đã có nhưng chưa rõ ràng. Chẳng hạn như việc mở mã ngành. Nhiều trường nhận thấy có mã ngành rất cần cho đất nước nhưng chúng ta chưa có cơ chế đặt hàng mở mã ngành để tiếp cận với xu thế chung. Ngoài ra, việc nghiên cứu khoa học cần có chính sách rõ ràng. Chúng ta không phân biệt trường công, trường tư, nhưng cũng phải có cách tiếp cận rõ ràng.

Từ thực tế thực hiện cơ chế tự chủ của nhà trường, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh rút ra một số kinh nghiệm: Tất cả các cải cách sẽ dẫn đến sự chống đối ở một bộ phận cán bộ, viên chức nhưng không vì thế mà nhụt chí và từ bỏ cải cách. Tốc độ cải cách cần phải điều chỉnh theo thời gian và tình huống. 

“Con người là yếu tố quan trọng nhất, đảm bảo sự thành công của cải cách. Phải tạo ra sự đồng thuận không những trong trường mà phải ở các bên liên quan. Mặt khác, truyền thông cần đi trước để thay đổi tư duy và tận dụng mọi nguồn lực cho cải cách” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói, đồng thời trao đổi: Cải cách giáo dục đại học để thích ứng với yêu cầu về đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số. Đây là việc làm cấp bách nhưng rất khó khăn chủ yếu vì tư duy của con người. Công cuộc cải cách là một quá trình, không phải một đích đến nhất thời.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng phát biểu thảo luận tại Phiên họp
PGS.TS Đỗ Văn Dũng phát biểu thảo luận tại Phiên họp

Kết luận phiên làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận các ý kiến của đại biểu, chuyên gia đều sâu sắc và được nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau. Các đại biểu cùng thống nhất nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học. Thực hiện tự chủ là một quá trình; trong đó, sự thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực của các bên liên quan là vấn đề mấu chốt.

Chúng ta đã có quá trình thực hiện thí điểm về tự chủ đại học và đã có thành công nhất định. Đây là xu hướng không thể đảo ngược và cần làm để ngày càng tốt hơn. Không có gì mới mà có thể đồng bộ được ngay. Thực ra mọi thứ đang chuyển động theo chiều hướng tích cực, các văn bản đang hoàn chỉnh. Năng lực của các trường đại học, nhận thức của từng thành viên chuyển biến rõ rệt so với cách đây 3-5 năm.

Trước đây, nói đến tự chủ, các trường còn hoang mang, nhưng bây giờ, nhiều trường phấn khởi và chủ động đề xuất. Đề cập đến quyền và trách nhiệm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Bên cạnh quyền, còn là trách nhiệm mang lại lợi ích của các bên liên quan, trong đó có người học, cán bộ giảng viên và xã hội.

Thứ trưởng cho biết, ý kiến đề xuất của đại biểu, chuyên gia rất xác đáng. Ban thư ký ghi chép lại và tổng hợp kiến nghị khả thi để gửi đến cơ quan hữu quan. Những gì thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tiếp thu, ghi nhận để xem xét lại và đồng bộ hóa văn bản pháp luật, cũng như có hướng dẫn cách thức phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.