Truyền thống cách mạng: Gieo mầm khát vọng học tập, cống hiến

GD&TĐ - Đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng quê cách mạng Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) là những nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục và mỗi ngôi trường nơi đây.

Hành trình về nguồn, hát Quốc ca tại Đình Hồng Thái lịch sử của học sinh Trường THCS Tân Trào.
Hành trình về nguồn, hát Quốc ca tại Đình Hồng Thái lịch sử của học sinh Trường THCS Tân Trào.

Phát triển từ truyền thống

Ngược dòng lịch sử 76 năm về trước, tháng 5/1945, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) được lựa chọn là Thủ đô khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Dưới bóng đa Tân Trào lịch sử, ngày 16/8/1945, Quân Giải phóng đã tiến về Hà Nội, làm nên Cách mạng tháng Tám kỳ vĩ.

Phát huy truyền thống của đất và người vùng căn cứ địa cách mạng, miền quê Sơn Dương vẫn giữ gìn những giá trị tự hào của lịch sử, truyền đến các thế hệ hôm nay để tiếp tục dựng xây, phát triển đời sống. Đóng góp quan trọng trong sự phát triển đó là những nỗ lực của ngành Giáo dục, sự lớn mạnh của những ngôi trường nơi đây.

Giai đoạn 2016 - 2020, Sơn Dương duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ mức độ 2. Huyện đã đầu tư xây mới gần 200 phòng học, hơn 100 phòng chức năng, hơn 80 công trình nước sạch, góp phần đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Bác Bế Văn Hai (thôn Tân Lập, xã Tân Trào) nguyên là giáo viên của Trường Tiểu học Tân Trào, nay tuổi đã gần 80, nhưng ký ức và tâm trí dường như vẫn dành cả cho giáo dục. “Khi còn làm việc, tôi vừa trực tiếp giảng dạy, vừa trải qua công tác quản lý. Đó là những năm tháng vất vả, nhiều thiếu thốn, ai cũng phải nỗ lực hết sức để bám nghề, cống hiến cho nghề. Giờ về già, mỗi khi được đưa đón các cháu đến trường học trong lòng lại thấy thêm hạnh phúc. Nhìn trường lớp khang trang sạch đẹp và hiện đại, các cháu được yêu thương chăm sóc dạy dỗ, tôi phấn khởi” - bác Hai chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Dương cho biết: Phát huy truyền thống, ngành Giáo dục địa phương tiếp tục tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm như giáo dục bồi dưỡng ý thức, trách nhiệm, năng lực, nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS…

Học sinh Trường THCS Tân Trào (Sơn Dương) nghe các bậc lão thành kể chuyện về Bác Hồ.
Học sinh Trường THCS Tân Trào (Sơn Dương) nghe các bậc lão thành kể chuyện về Bác Hồ.

Tạo đà cho sức bật mới

Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Tân Trào đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe học sinh; giáo dục lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, ý thức xã hội cho học sinh. Cô  Ma Thị Nguyệt là giáo viên cốt cán của trường, trực tiếp giảng dạy lớp 1 theo chương trình mới. Năm học 2020 - 2021, cô đạt danh hiệu GV chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Chia sẻ về công tác GD tại trường, cô Nguyệt cho hay: Phương pháp và chương trình mới cho thấy hiệu quả rõ rệt, khi mà kỹ năng và sự lĩnh hội kiến thức của các em đều tiến bộ. Thú vị nhất là các hoạt động trải nghiệm, vừa tạo sự hào hứng lại vừa bổ ích, ý nghĩa. Sự tiến bộ của học trò từng ngày, là động lực để thầy cô tiếp tục nỗ lực trong công việc, lối sống.

Đối với Trường THCS Tân Trào, kết quả giáo dục trong những năm gần đây cũng không ngừng tăng lên. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có gần 300 học sinh, với kết quả 7,4% học lực Giỏi, 45,6% học lực Khá. “Nhà trường sẽ tích cực thực hiện đổi mới trong quản lý, dạy học; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả giáo dục thường xuyên; đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh” - thầy Nguyễn Huy Tám, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Một trong những vấn đề được các nhà trường ở Tân Trào đặc biệt chú trọng là công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ học sinh. Những năm học vừa qua, các em thường xuyên được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm vừa bổ ích vừa sinh động, lý thú.

Với cấp tiểu học, đó là những trải nghiệm qua Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe tiến bước lên Đoàn, Ngày Tết quê em, Hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ; Ngày định hướng đón chào lớp 1; Thăm quan Thủ đô Hà Nội và thực tế nông trại giáo dục; Tìm hiểu văn hóa quê hương qua nghệ thuật đàn tính, hát then…

Với cấp THCS, đó là những trải nghiệm qua Ngày hội thiết kế trang trí không gian học tập; Vệ sinh chăm sóc di tích lịch sử; Gặp gỡ và nghe lão thành kể chuyện lịch sử; Tọa đàm, nói chuyện truyền thống lịch sử; Chăm sóc, tặng quà gia đình người có công với cách mạng… Bên cạnh đó, nhiều nội dung thiết thực và ý nghĩa về quê hương đã được lồng ghép truyền tải thông qua chương trình giáo dục địa phương. Các nội dung này được cụ thể hóa bằng các chuyên đề như: Lễ hội Thành Tuyên; Làng nghề chè; Làng nghề dệt thổ cẩm; Lễ hội Lồng Tồng của người Tày; Phong tục tập quán của người Dao…

“Chương trình địa phương và các hoạt động trải nghiệm giúp em biết thêm nhiều thông tin về lịch sử trên mảnh đất quê hương mình. Có nhiều câu chuyện thực sự xúc động và vô cùng ấn tượng, thôi thúc chúng em tìm hiểu, khám phá để hiểu hơn truyền thống, cố gắng học tập để tiếp bước truyền thống quê hương” - em Viên Tuấn Phương, học sinh Trường THCS Tân Trào bày tỏ. 

Từ nền tảng truyền thống của vùng quê cách mạng, mỗi ngôi trường, mỗi thầy cô và các em học sinh Tân Trào đang cùng nhau tạo nên sức bật mới, để đời sống giáo dục nơi đây ngày một thêm khởi sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ