GD truyền thống cách mạng cho HS trên quê hương Vừ A Dính: Cho măng non mọc thẳng

GD&TĐ - Những ngày tháng 7, dưới chân núi Đề Chia, tiếng khèn, tiếng sáo lại vang khắp núi rừng.

Một buổi dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính do Trường Tiểu học Pú Nhung tổ chức.
Một buổi dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính do Trường Tiểu học Pú Nhung tổ chức.

Lời bài hát “Vừ A Dính bất tử” ngân lên qua loa truyền thanh xã như nhắc nhở thế hệ trẻ noi gương chàng trai năm xưa: “Chính nơi đây anh đã hy sinh, anh đã hy sinh bảo vệ cán bộ/Quân thù, chúng đã giết anh, chúng đã giết anh/Nhưng tên anh còn vang mãi trong trái tim mọi người….”.

Gương sáng

Dưới chân núi Đề Chia (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, Điện Biên), từng tốp, từng tốp học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông lại tụ tập rèn hát, luyện múa. Các em trong đội văn nghệ của bản và trường. Nền nhạc hùng hồn, khỏe khoắn của bài hát “Vừ A Dính bất tử” cứ ngân vang mãi khắp núi đồi.

Một số tài liệu còn ghi lại, Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính sinh ngày 12/9/1934 tại bản Đề Chia, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước. Chưa đầy 13 tuổi, Vừ A Dính đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo.

Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, Vừ A Dính đã bị quân giặc phát hiện rồi bắt giữ. Bị tra tấn dã man, tàn bạo song Dính quyết không khai nơi bộ đội đóng quân. Quân Pháp xả cả một băng đạn vào ngực Vừ A Dính. Hôm ấy là chiều tối 15/6/1949. Vừ A Dính đã anh dũng hy sinh bên gốc cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn, khi chưa tròn 15 tuổi.

Ươm mầm măng non

Từ tấm gương hi sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính, mấy chục năm qua, các trường học trên địa bàn xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo không ngừng đẩy mạnh giáo dục truyền thống thông qua các giờ học lịch sử địa phương. Ngày càng nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm di tích, địa danh lịch sử được nhà trường tổ chức.

Trường THCS Vừ A Dính từ khi thành lập đến nay, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng luôn được nhà trường triển khai bằng hình thức đa dạng, phong phú.

Cô Phạm Thị Luyến - Hiệu trưởng Trường THCS Vừ A Dính cho biết: Để học sinh nắm được lịch sử nơi mình sinh sống, nhà trường đã lồng ghép những câu chuyện lịch sử của địa phương một cách thích hợp vào bài giảng ở tất cả môn học. Đặc biệt là môn Lịch sử và Giáo dục công dân, làm sao cho mỗi tiết học là một hành trình khám phá thú vị của các em. Qua đó, giúp học sinh thêm yêu thích môn học, hiểu thêm truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.

Tiết học ngoại khóa của Trường THCS Vừ A Dính, giới thiệu về tấm gương hi sinh của Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính.
Tiết học ngoại khóa của Trường THCS Vừ A Dính, giới thiệu về tấm gương hi sinh của Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính.

Để học sinh hiểu rõ hơn giá trị văn hoá lịch sử của địa phương, Trường THCS Vừ A Dính còn nhận vệ sinh, chăm sóc 2 công trình là nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính và bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Pú Nhung. Ngoài ra, trường còn tổ chức thăm hỏi và tặng quà các gia đình có công với cách mạng trên địa bàn.

Tại Trường Tiểu học Pú Nhung, Ban giám hiệu luôn quan tâm đến hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh. Với hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhà trường thường phối hợp với các tổ chức đoàn thể giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc.

Một trong những hoạt động nổi bật là giáo dục tinh thần yêu nước, đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc thông qua hình ảnh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên quê hương Điện Biên như: Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Sùng Phái Sinh, Vừ A Dính… Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi như tìm hiểu về các làng nghề dân tộc; hát dân ca, khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc đến trường, tổ chức  trò chơi dân gian… giáo dục học sinh ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc.

Cô Trần Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Pú Nhung chia sẻ: Đối với học sinh cấp 1, đây là lứa tuổi ham mê tìm tòi khám phá, việc đưa chương trình giáo dục truyền thống vào đan xem với giảng dạy, tổ chức những buổi ngoại khóa là phương pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy sự hào hứng học tập. Học sinh sẽ không cảm thấy nhàm chán, nắm bắt nội dung nhanh hơn.

Để giáo dục gắn liền thực tế, nhà trường đã nhận chăm sóc gia đình có công với cách mạng ở địa phương. Những ngày lễ, Tết, ngày Thương binh liệt sỹ… giáo viên tổ chức cho học sinh thăm hỏi, động viên các gia đình có công với cách mạng, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

***

Một buổi sáng thứ 6, trong khuôn viên nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính, hàng chục đoàn viên, đội viên các trường tiểu học, THCS trong xã mải mê quét dọn, nhổ cỏ, chăm cây. Trên khuôn mặt em nào cũng lấm tấm mồ hôi, nhưng nụ cười luôn ánh lên trên từng khuôn mặt, khóe mắt.

Thành tâm thắp nén nhang tại nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính, chúng tôi vô cùng xúc động khi lắng nghe những câu chuyện kể về tấm gương quả cảm của người thiếu niên dân tộc Mông, đã cống hiến tuổi xuân cho cách mạng.

“Em xúc động mỗi khi nghe kể về tấm gương hi sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính. Sau khi được thầy cô giảng dạy, kể chuyện về lịch sử dân tộc trong các chuyến đi tham quan, em cảm thấy tự hào hơn về quê hương của mình! Chúng em luôn bảo nhau hãy cố gắng học thật tốt để xứng đáng với những gì cha ông đã hi sinh cho cuộc sống hôm nay”, em Vàng Hà Ngọc Diệp, học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Pú Nhung chia sẻ.

Những trải nghiệm thực tế do các trường tổ chức sẽ là bài học sinh động, giúp học sinh có cái nhìn chân thực về lịch sử, tích lũy kiến thức không dễ có được khi chỉ đọc trên sách. Cùng đó, việc đẩy mạnh giáo dục truyền thống sẽ góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, trách nhiệm của bản thân trong việc tiếp nối những truyền thống vẻ vang của cha ông. Giáo dục học sinh biết trân trọng, tri ân những người đã ngã xuống để đem lại hòa bình cho dân tộc, đồng thời sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ