Trường mầm non ở khu chế xuất: Cần cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm mô hình cơ sở GDMN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)” và có buổi thực tế, tìm hiểu mô hình hoạt động tại Trường Mầm non Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Đây là một trong những mô hình trường mầm non công lập giữ trẻ là con công nhân đang làm việc tại KCX ở TPHCM.

Giờ tập tô màu của học sinh - Trường Mầm non KCX Tân Thuận - quận 7, TPHCM
Giờ tập tô màu của học sinh - Trường Mầm non KCX Tân Thuận - quận 7, TPHCM

Cơ sở GD Mầm non ở các KCN-KCX còn nhiều khó khăn

Vụ GDMN cho biết: Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2017, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với trên 3,2 triệu lao động, trong đó có trên 2 triệu lao động nữ (chiếm 63,1%).

Hiện có 17 tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KCX và tập trung trên 50.000 lao động.

Qua khảo sát và nắm tình hình thực tế tại một số địa phương, đã có nhiều mô hình cơ sở Giáo dục Mầm non ở khu vực có KCN, KCX được đầu tư xây dựng và hoạt động phù hợp với điều kiện đặc thù của công nhân làm việc tại các KCN, KCX, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế tại các cơ sở GD mầm non này.

Mạng lưới trường MN công lập ở khu vực KCN, KCX chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân: Nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, việc phát triển mạng lưới trường lớp không đáp ứng đủ nhu cầu. Trường mầm non công lập quá tải, ít nhận trẻ nhà trẻ (dưới 3 tuổi), đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng do yêu cầu cao về điều kiện cơ sở vật chất và định biên giáo viên/lớp để đảm bảo an toàn đối với độ tuổi này. Thời gian nhận trẻ của trường MN công lập không phù hợp với lịch làm việc theo ca kíp của công nhân.

Việc phát triển trường MN tư thục phục vụ con công nhân ở khu vực KCN, KCX gặp nhiều khó khăn: Mức thu nhập bình quân của công nhân còn hạn chế, vì vậy con công nhân ít được học trong các trường MN tư thục do mức học phí cao. Mức học phí giữa trường MN công lập và tư thục có sự chênh lệch rất lớn (Hà Nội học phí trường ngoài công lập cao gấp 7 - 11 lần, TPHCM cao gấp 5 - 9 lần).

Mô hình trường MN do doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của doanh nghiệp mình là lý tưởng, đáp ứng nhu cầu của công nhân. Tuy nhiên, theo thống kê, mới chỉ có 6/17 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp trong KCN đầu tư xây dựng trường MN phục vụ cho người lao động, trong đó có 23 trường do doanh nghiệp sử dụng lao động trong KCN (TPHCM: 8 trường; Bình Dương: 6 trường; Đồng Nai: 3 trường; Long An: 3 trường...) và 5 trường do chủ đầu tư hạ tầng KCN.

Nhà trẻ, lớp MG độc lập tư thục, với mô hình hoạt động linh hoạt phù hợp với công nhân là lựa chọn của hầu hết công nhân ở khu vực này. Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc, GD trẻ còn nhiều hạn chế, thiếu trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, các điều kiện về an toàn cho trẻ (nhà bếp, nhà vệ sinh...), giáo viên thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.

Một lớp học dành cho con công nhân tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh minh họa/ Internet
 Một lớp học dành cho con công nhân tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh minh họa/ Internet

Cần cơ chế đặc thù

Bà Trần Thị Tú Trinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non KCX Tân Thuận, TPHCM cho biết, trường được xây dựng từ nguồn vốn vay kích cầu của TPHCM, đang thí điểm tổ chức giữ trẻ ngoài giờ với mức thu học phí ngoài giờ gồm 50% ngân sách chi trả, 50% phụ huynh đóng góp.

Ban đầu, đơn vị được giao chỉ tiêu tuyển sinh là 425 trẻ nhưng nhận thấy, nhu cầu gửi con của công nhân quá lớn, trường đã làm đơn kiến nghị Phòng GD&ĐT trình UBND quận 7 phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 530 trẻ.

Tuy nhiên, nỗ lực này mới đáp ứng được 30% tổng nhu cầu gửi con của công nhân trên địa bàn. Nhiều gia đình phải chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ độc lập, tư thục với học phí rẻ hơn nhưng chất lượng không đảm bảo.

Bà Trần Bích Ngọc - Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT quận 7, TPHCM cho biết: Ngành GD quận 7 có 179 cơ sở GDMN trong đó có 17 trường MNMG công lập và 57 cơ sở MNMG tư thục, còn lại là 105 nhóm lớp. KCX Tân Thuận với hơn 147 doanh nghiệp, với số công nhân khoảng 65.000 công nhân lao động, trong đó lao động nữ dao động từ 53.000 đến 55.000 tùy từng thời điểm. Hiện nay, quận 7 có 1.716 trẻ là con các công nhân trong KCX Tân Thuận đang học ở 48 cơ sở GDMN phục vụ con em công nhân KCX Tân Thuận.

Hiện Trường Mầm non KCX Tân Thuận có số trẻ đã vượt quá quy định của trường MN (từ 25 đến 35 trẻ /lớp tùy theo độ tuổi) với quy mô tuyển sinh là 425 trẻ. Nhưng do nhu cầu gửi trẻ con công nhân đông, nhà trường phải nhận thêm các em dôi dư, Phòng đã phải xin ý kiến UBND quận 7 được nhận các em và bố trí vào các lớp có diện tích sinh hoạt đảm bảo, và sĩ số đã tăng lên 530 trẻ. Với quy mô của trường hiện nay chỉ giải quyết được 30,71% tổng nhu cầu gửi con của công nhân trên địa bàn.

Hiện nay, Phòng GD&ĐT quận 7 tiếp tục có văn bản kiến nghị với UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo và đề nghị Ban quản lý KCX Tân Thuận quy hoạch tiếp quỹ đất để giao lại đất cho quận, nhằm phục vụ xây dựng trường cho con em công nhân, lao động. Với thực tế các trường MN công lập trên địa bàn đều quá tải về sĩ số quy định (từ 25 đến 35 trẻ/lớp tùy theo độ tuổi) có lớp đã vượt quá quy định 10 đến 15 trẻ, ngành Giáo dục phải xin ý kiến chỉ đạo của UBND quận 7 để thu nhận các trẻ dôi dư đó. Cùng với mật độ dân cư đông và đô thị hóa nhanh tại KCX Tân Thuận và khu Phú Mỹ Hưng, ngành GD quận 7 tiếp tục tham mưu để mở rộng các điểm trường trên địa bàn quận, đặc biệt là KCX để phục vụ nhu cầu gửi con của các công nhân, lao động trong thời gian tới.

Trước thực tế này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, TPHCM đang triển khai 18 dự án xây trường mầm non cho con công nhân, trong đó 9 dự án do ngân sách TP đầu tư, 9 dự án nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp. Để giải bài toán chỗ học cho con em công nhân, thời gian tới, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ tham mưu UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị về cơ chế đặc thù cho trường mầm non ở KCN, KCX.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ