Triển khai dạy SGK lớp 1 mới: Vượt "chướng ngại vật" thành công

GD&TĐ - Nhiều nhà trường, giáo viên tại Hà Nội có chung nhận định, thời gian đầu mới triển khai chương trình, SGK lớp 1 mới là giai đoạn vượt chướng ngại vật.

Giờ dạy của cô giáo Phạm Thị Thu Hiền- Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
Giờ dạy của cô giáo Phạm Thị Thu Hiền- Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Nhiều vất vả nhưng vượt qua rồi mới thấy rõ những khác biệt tích cực. Tín hiệu vui này tạo đà cho thầy, trò các nhà trường hoàn thành chương trình lớp 1 năm học 2020-2021 và đón nhận chương trình lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học tới.

Từ chủ động chọn sách giáo khoa

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) Nguyễn Điệp Anh cho biết: Thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, nhà trường đã tổ chức cho các tổ chuyên môn đọc và nghiên cứu sách giáo khoa thuộc các danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Sau khi có sự thống nhất cao, trường công bố danh mục sách được chọn trong toàn thể CBGV-NV và thông báo tới phụ huynh toàn trường. Hà Nội hiện có 786 trường tiểu học với hơn 780 nghìn học sinh, hơn 38 nghìn giáo viên.

Với mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho học sinh, khi triển khai chọn sách giáo khoa lớp 1, Hà Nội lấy việc tạo điều kiện cho học sinh học tích cực và hiệu quả là tiêu chí số một. Theo đó, trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa, ngoài các yêu cầu chung, các nhà trường đã quan tâm xem xét nội dung sách, chú trọng việc rèn cho học sinh khả năng tự học, tự bồi dưỡng phẩm chất và vận dụng kiến thức đã học cho học sinh ở mức độ nào…

Phó Trưởng phòng phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Thị Minh Hương chia sẻ: Đến thời điểm này, có thể nói Hà Nội đã thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1. Bắt đầu từ việc chọn sách giáo khoa đảm bảo minh bạch, khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường đến tập huấn đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất cho trường, lớp học…

“Trong quá trình triển khai, Sở yêu cầu các đơn vị, nhà trường hướng dẫn giáo viên tham gia tổ, nhóm chuyên môn cùng xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện khó khăn và đề xuất những biện pháp tháo gỡ về chuyên môn, nghiệp vụ khi tiếp cận sách giáo khoa mới…” - bà Hương cho biết thêm.

Đến linh hoạt, sáng tạo trong chuyên môn

Cô Phạm Thị Thu Hiền- Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) nhận định: Sau hơn 1 học kỳ dạy học theo chương trình GDPT 2018, học sinh đã biết đọc nhanh hơn, các em có thể viết thạo ngay sau học kỳ 1, đồng thời kỹ năng giao tiếp, hợp tác cũng tốt hơn…

Sách mới có nhiều chủ đề nên học sinh có thêm nhiều hiểu biết, nhờ đó khả năng diễn đạt thành câu trọn vẹn ý, đầy đủ nghĩa của các em tiến bộ nhanh hơn so với học chương trình cũ…

Theo cô Hiền, dạy theo sách mới, giáo viên được linh hoạt, chủ động tổ chức giờ học sao cho đạt hiệu quả nhất. Bản thân cô Hiền đã cố gắng đưa ra các câu hỏi gợi ý gần gũi, tạo cơ hội cho học sinh thể hiện suy nghĩ, lời nói của mình; cô còn tổ chức cho học sinh được điều hành các hoạt động phù hợp như thảo luận nhóm, chơi trò chơi, tranh luận ý kiến, giao nhiệm vụ cho học sinh sưu tầm tư liệu chuẩn bị cho bài học, qua đó giúp học sinh chủ động trong tìm hiểu kiến thức và nắm bài nhanh hơn.

Giáo viên chủ động giúp học sinh tìm hiểu kiến thức.

Giáo viên chủ động giúp học sinh tìm hiểu kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) chia sẻ, dù giai đoạn đầu thầy và trò khá vất vả khi triển khai chương trình mới trong bối cảnh học sinh trước đó phải nghỉ học dài nên việc làm quen mặt chữ ở bậc mầm non bị hạn chế, vào lớp 1 lại không có tuần để làm quen nền nếp… Tuy nhiên, với những ưu điểm của chương trình và sự nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo của giáo viên, đến cuối học kì 1 kết quả học tập của học sinh có sự tiến bộ rõ rệt.

“Các em học rất nhanh, hơn hẳn học sinh lớp 1 các năm trước về khả năng hiểu biết, năng lực đọc viết, tư duy toán tốt, năng động, tự tin…”- cô Vân Anh bày tỏ.

Cũng như vậy, cô Nguyễn Thị Thu Hà- Hiệu trưởng trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) cho hay, nhà trường thấy vững tâm và phấn khởi trước kết quả học tập của học sinh sau một học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Phụ huynh học sinh cũng yên tâm với công tác dạy, học của nhà trường qua quá trình đồng hành cùng sự phát triển của con và sự đổi mới của ngành Giáo dục...

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu Nguyễn Điệp Anh cho biết: Những thành công bước đầu của triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 là do sự hướng dẫn kịp thời của các cấp, từ đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể; chọn cử đội ngũ giáo viên cốt cán đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên.

Giáo viên được lựa chọn đứng lớp là người có năng lực chuyên môn, trách nhiệm, tích cực đổi mới sáng tạo. Nhà trường cũng đã kịp thời bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bố trí phòng học đảm bảo tiêu chuẩn, thuận lợi cho dạy học 2 buổi/ngày…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ