Trải nghiệm đi tàu cao tốc trên sông Sài Gòn khơi cảm hứng văn chương

GD&TĐ - Sáng 7/1, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thi "Văn hay Chữ tốt" lần thứ 21 năm học 2020-2021 với sự tham gia của 162 học sinh đến từ 24 quận, huyện.

Học sinh tham gia hội thi Văn hay Chữ tốt bằng trải nghiệm đặc biệt trên tàu cao tốc
Học sinh tham gia hội thi Văn hay Chữ tốt bằng trải nghiệm đặc biệt trên tàu cao tốc

Với mục đích nhằm tạo môi trường học tập và giao lưu cho học sinh THCS, đồng thời phát huy tinh thần say mê sáng tạo văn chương, yêu thích nghệ thuật viết chữ, qua 21 lần tổ chức, hội thi đã trở thành sân chơi bổ ích, qua đó hình thành năng lực văn chương và một số phẩm chất tốt đẹp cho học sinh, như: biết trân trọng cái đẹp, có đời sống tinh thần phong phú, có tâm hồn và lối sống nhân ái, vị tha, có tính kiên trì, nhẫn nại...

Học sinh có mặt từ sớm để lên tàu
Học sinh có mặt từ sớm để lên tàu 

Trước đó, học sinh các trường THCS đã trải qua vòng thi cấp quận, huyện do các phòng GD-ĐT tổ chức. Mỗi quận, huyện chọn ra 6 học sinh xuất sắc nhất ở khối 6-7 và 8-9 để tranh tài tại vòng thi cấp Thành phố.

Năm nay, ngoài thí sinh đến từ các trường THCS, vòng thi cấp TP còn có sự tham gia của học sinh 3 trường THPT gồm THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lương Thế Vinh, Trung học Thực hành (Trường Đại học Sài Gòn).

Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được sự đồng hành của một số đơn vị và tổ chức cho học sinh trải nghiệm trên sông Sài Gòn bằng tàu cao tốc.

Các em rất thích thú và dành nhiều lời khen cho chuyến trải nghiệm đặc biệt này
Các em rất thích thú và dành nhiều lời khen cho chuyến trải nghiệm đặc biệt này

Từ trên tàu, các em ngắm nhìn thành phố trong buổi bình minh tươi sáng. Hành trình trải nghiệm nhằm mục đích khơi lên cảm xúc, suy nghĩ của các em về thành phố.

Thông qua việc quan sát và lắng nghe thiên nhiên, cảnh vật, con người thành phố các em có được nguồn cảm hứng và ngữ liệu để sáng tạo văn chương.

Với hành trình trải nghiệm rộng (từ góc nhìn hẹp của bến tàu mở ra theo chiều dài sông và từ mặt sông lên bầu trời) và dài (dọc theo chiều dài sông, dọc theo chiều thời gian từ sáng sớm đến khi nắng lên), hành trình trải nghiệm đã tạo điều kiện cho học sinh có những góc nhìn khác nhau về thành phố.

Đặc biệt là góc nhìn cảnh vật trong sự vận động và thay đổi. Từ các góc nhìn đặc biệt đó, học sinh có được cảm hứng sáng tạo văn chương.

Chăm chú ghi chép
Chăm chú ghi chép

Với hình thức trải nghiệm cuộc sống  – sáng tạo văn chương, hội thi đã nối kết môn Ngữ văn trong nhà trường với cuộc sống muôn màu, nối kết trang sách với cuộc đời. Từ đó, hội thi cũng đã có những tác động tích cực đến việc dạy học văn trong nhà trường.

Theo đó, hành trình trải nghiệm bằng tàu cao tốc đã đưa các em qua nhiều địa điểm nổi tiếng của thành phố như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng, Cảng Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, tòa nhà Landmark 81…

Theo thầy Võ Kim Bảo, giáo viên phụ trách đoàn học sinh của Quận 1 tham dự cuộc thi năm nay cho rằng, đây là một trải nghiệm rất thú vị, đặc biệt không chỉ với học sinh mà với cả những giáo viên được phân công phụ trách.

Ngồi trên tàu, học sinh được ngắm nhìn thành phố ở một góc nhìn khác, thấy được vẻ đẹp riêng của thành phố qua phương tiện đường thủy. Các em đã rèn kỹ năng quan sát, ghi nhớ, ghi chép… nhiều em đã liên tục đặt câu hỏi cho hướng dẫn viên, từ đó sẽ khơi gợi được nguồn cảm hứng để hoàn thành bài thi của mình.

Ngắm nhìn thành phố ở một góc rất khác
Ngắm nhìn thành phố ở một góc rất khác

Em Võ Ngọc Minh Châu, Trường THCS Qui Đức, huyện Bình Chánh chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được đi tàu cao tốc, thấy tàu rất rộng rãi, thoải mái, sạch sẽ. Ngồi trên tàu ngắm cảnh, biết được thêm vẻ đẹp của thành phố, những địa điểm mới, nên em rất hào hứng và sẽ cố gắng hoàn thành tốt bài thi của mình.

Kết thúc hành trình trải nghiệm trên tàu cao tốc, học sinh hai khối 6, 7 được yêu cầu chọn một từ để nói về suy nghĩ, cảm xúc của mình về Thành phố. Các em được cung cấp một tấm thiệp trắng để viết những từ ngữ đẹp ấy và lý giải ngắn gọn vì sao em chọn từ đó.

Cùng chia sẻ cảm xúc sau hành trình đặc biệt
Cùng chia sẻ cảm xúc sau hành trình đặc biệt

Sau đó, các thí sinh được yêu cầu sáng tác một bài thơ, kể một câu chuyện hoặc viết một bài văn biểu cảm về cuộc dạo chơi ngắm nhìn Thành phố với nhan đề “Hành trình trải nghiệm – Hành trình cảm xúc”.

Chăm chú cho bài thi của mình
Chăm chú cho bài thi của mình

Còn với học sinh hai khối 8, 9, bên cạnh việc chọn một từ để nói về suy nghĩ, cảm xúc của mình về Thành phố, các thí sinh được yêu cầu viết một bài văn với nhan đề “Một góc nhìn khác về Thành phố tôi yêu”. Các thí sinh sẽ thể hiện bài thi của mình trong vòng 100 phút.

Được biết, lễ trao giải hội thi dự kiến tổ chức vào ngày 15/1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.
U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.