Tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp là kênh rất tốt giúp thí sinh chọn ngành, chọn trường

GD&TĐ - Công bố tỉ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp là vấn đề mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2018, theo nhiều chuyên gia thì đây là kênh thông tin quan trọng giúp người học chọn ngành, chọn trường phù hợp. 

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

Để giúp thí sinh hiểu rõ hơn tiêu chí tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp đóng vai trò thế nào trong chọn ngành, chọn trường, Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao  đổi với PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM về vấn đề này.

PV: Điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2018 có đề cập đến việc các trường phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn: Theo tôi, số liệu này là số liệu rất quan trọng đối với người học trong quá trình lựa chọn trường để xét tuyển trong năm 2018. Trong các năm qua thì các trường cũng đã công bố thông tin này trong các báo cáo chất lượng đào tạo, đặc biệt là các trường được kiểm định chất lượng thì số liệu này là bắt buộc và là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng trường.

Năm nay, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công bố thông tin này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Bởi nó không chỉ phản ánh chất lượng đào tạo của từng trường, mà quan trọng hơn nó cho thấy được công tác đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của xã hội.  

PV: Việc chọn trường, chọn ngành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố khả năng của bản thân là quan trọng, vậy theo ông nếu chọn ngành, chọn trường theo số liệu này thì liệu có ổn?

PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn: Theo tôi, phụ huynh và thí sinh cần lưu ý một số vấn đề khi tham khảo thông tin này. Đây là kênh quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo ngành của trường đại học đó khi so sánh với các trường đại học khác chứ không phải là thông tin quan trọng để chọn ngành.

Do đó, nếu thí sinh chỉ tham khảo thông tin này ở một trường để xem xu hướng ngành thì có thể sẽ sai do ở trường đó tuy tỉ lệ có việc làm là thấp, nhưng kỳ thực ngành đó có thể có nhu cầu cao trong tương lai. Chính vì thế, trong quá trình chọn ngành học sinh cần lưu ý là mình đang chọn ngành học chứ không phải là chọn vị trí việc làm. Bởi một ngành đào tạo có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau chứ không chỉ là một vị trí việc làm.

Tôi ví dụ, vị trí việc làm công nhân may sẽ có nguy cơ mất việc lớn trong tương lai nhưng không có nghĩa là ngành công nghệ may không có tương lai, vì ngành này không phải đào tạo kỹ năng may của một công nhân mà còn nhiều kiến thức về vật liệu, thiết kế, thiết bị, quản trị, kinh doanh, ....và thực sự nhu cầu này là rất lớn trong tương lai khi công nghệ phát triển.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

PV: Ông có thể cho biết thống kê tỉ lệ có việc làm của sinh viên mới tốt nghiệp năm 2017 của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM?

PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn: Theo thống kê từ bộ phận đảm bảo chất lượng của trường thì số liệu khá khả quan. Khảo sát của chúng tôi ngay sau khi các em nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp thì số liệu các ngành như sau: Công nghệ thực phẩm (86,9%), Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm (85,6%), Công nghệ hóa học (92,5%), Kế toán (84,8%), Tài chính ngân hàng (85,5%), Quản trị kinh doanh (87,3%), Điện tử (88,8%), Công nghệ chế biến thủy sản (86,3%), Công nghệ thông tin (82,7%), Công nghệ kỹ thuật môi trường (82,1%),….

Đây chỉ là những số liệu ngay sau khi các em ra trường, và số liệu này chắc chắn sẽ tăng trong đợt khảo sát việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng sắp tới. 

PV: Với kết quả tỉ lệ việc làm khá cao ở các ngành mà trường đang có trong thời gian sắp tới trường có giải pháp gì khác để duy trì và gia tăng hơn nữa tỉ lệ này ?

PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn:  Trường chúng tôi luôn xác định vấn đề đào tạo để đáp ứng ngay yêu cầu của doanh nghiệp là điều cốt yếu của một trường đại học theo định hướng ứng dụng.

Vì thế, trong thời gian sắp tới chúng tôi tiếp tục mở rộng quan hệ doanh nghiệp, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai học kỳ doanh nghiệp và chủ trương của trường sẽ là quy trách nhiệm cho trưởng các khoa nếu không giải quyết vấn đề việc làm cho các em sau tốt nghiệp.

Giải pháp thứ hai là chúng tôi tăng cường chương trình hợp tác Việc làm Nhật Bản cho các em sinh viên hệ cao đẳng, các em được đào tạo chuyên ngành kết hợp với tiếng Nhật, kỹ năng làm việc và văn hóa Nhật Bản để tham gia thị trường làm việc bên Nhật Bản.

Thực tế, thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu nhân lực rất lớn(mà trường lại có nhiều ngành đào tạo mà Nhật đang cần) nên chúng tôi sẽ hướng đến việc cho các em sinh viên tham gia chương trình thực tập một năm bên Nhật Bản.

Các em không chỉ được trải nghiệm, rèn luyện chuẩn kỹ năng, nghề nghiệp của ngành mà mình đang theo học, mà còn được nhận lương. Khá nhiều sinh viên của trường đang theo chương trình thực tập dạng này, và phần lớn sau một năm các em có thể tích lũy được gần 200 triệu. Nhiều em sau khi tốt nghiệp đã ở lại và làm việc tại Nhật Bản với thu nhập từ 25 triệu đến 30 triệu/tháng.

Giải pháp thứ ba là tăng cường các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên, tăng cường kiến thức và kỹ năng đổi mới và chủ động cho sinh viên, chúng tôi quan điểm sinh viên tốt nghiệp với kiến thức, kỹ năng và tinh thần của một doanh nhân khởi nghiệp sẽ là điểm cộng để các em ứng tuyển cũng như phục vụ cho việc khởi nghiệp sau này.

Với các giải pháp trên chúng tôi tin tưởng giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên không phải là bài toán khó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ