Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đảm bảo cho Kỳ thi khách quan, công bằng

GD&TĐ - Ngày 6/7, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra buổi gặp mặt và giao nhiệm vụ cho các Đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại các địa phương.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi giao nhiệm vụ cho các Đoàn công tác.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi giao nhiệm vụ cho các Đoàn công tác.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu. Cùng dự có đại diện, cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC) của 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Đảm bảo về số và chất lượng

Báo cáo với tình hình các đoàn kiểm tra, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết: Tổng số CB, CC, VC huy động tập huấn là 271 người, trong đó 100 CB, giảng viên của 50 cơ sở giáo dục ĐH, 171 người là CB, CC thuộc các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng và Ban quản lý các dự án. Tổng số người kiểm tra đạt yêu cầu 261, kiểm tra lại và bổ sung 3 đồng chí.

Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành Quyết định số 2202/QĐ-BGDĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi, mỗi đoàn 3 người (riêng đoàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh 4 người). Tổng số huy động là 191 người, trong đó có 69 CB, VC của các trường ĐH; 122 CB, CC thuộc các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng và Ban quản lý các dự án.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (trái) và Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với các đoàn thanh tra. Ảnh: Thế Đại
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (trái) và Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với các đoàn thanh tra. Ảnh: Thế Đại

Theo Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này cơ bản 191 CB, CC đã được tiêm vacxin (trừ một số do cơ địa không thể tiêm); Thanh tra đã có phương án test cho các CB, CC trước khi lên đường.

Đoàn kiểm tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có thời gian kiểm tra từ 9/7 đến khi Sở GD&ĐT chấm thi xong (chậm nhất ngày 24/7). Thời gian thanh tra trực tiếp của các đoàn theo QĐ từ 9/7, nhưng tùy kế hoạch chấm của các địa phương, các đoàn xây dụng kế hoạch phù hợp. Có thể kết thúc sớm hơn tùy theo khối lượng bài chấm, tiến độ chấm và nhập điểm của địa phương…

Đề cao nghiêm túc quá trình làm nhiệm vụ

Phát biểu động viên và giao nhiệm vụ cho các đoàn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ vui mừng vì các đoàn có mặt đông đủ bởi điều đó thể hiện tinh thần quyết tâm, trách nhiệm… vì nhiệm vụ chung.

Thứ trưởng đã ghi nhận biểu dương và cảm ơn CB, CC, VC đã nhận nhiệm vụ và sẵn sàng lên đường đồng thời lưu ý từ nay tới ngày làm nhiệm vụ sẽ giữ gìn sức khỏe, hạn chế gặp gỡ để không trở thành F. Lãnh đạo Bộ mong gặp lại tất cả CB, CC hoàn thành nhiệm vụ an lành trở về.

63 đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra công tác chấm thi làm việc trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Thế Đại
63 đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra công tác chấm thi làm việc trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Thế Đại

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là Kỳ thi quốc gia như trước đây nhưng quy mô vẫn toàn quốc với số thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi cơ bản như vậy. Tính chất cũng hết sức nhạy cảm, nghiêm túc bởi trên 50% các trường ĐH lấy kết quả này để xét tuyển.

Do đó, Bộ GD&ĐT từ sớm đã tích cực chuẩn bị Kỳ thi và đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT; UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ ngành liên quan khác.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, cần lưu ý Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Kỳ thi với 5 từ khóa hết sức quan trọng: An toàn, nghiêm túc; khách quan, chất lượng; tạo mọi điều kiện cho thí sinh.

Để thực hiện tốt điều này, thời gian qua không chỉ 191 CB, CC chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ mà nhiều đơn vị, cá nhân của Bộ và ngoài Bộ đã miệt mài chuẩn bị…

Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo thi, Ban chỉ đạo thi thành lập 6 đoàn Kiểm tra trong đó 5 thứ trưởng là 5 trưởng đoàn, 1 đoàn Cục trưởng đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các tỉnh thành phố... Sự vào cuộc của tất cả các CB, CC của Bộ, các cơ sở giáo dục ĐH, các địa phương… hết sức quyết liệt, sâu sắc.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đoàn kiểm tra công tác chấm thi một số vấn đề trong quá trình làm nhiệm vụ:

Trước hết, Đoàn thanh tra khi về làm việc tại địa phương cần thực hiện nghiêm túc giờ giấc thanh tra, kỷ luật làm việc. Không chủ quan và cần dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng quy chế, quy trình, các quy định. Làm đúng vai tròn vai, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương

Các đoàn cần làm việc với tinh thần hợp tác với Đoàn thanh tra của Tỉnh, Sở. Mục tiêu chung nhất trong công việc là đảm bảo cho Kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng…

Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu thấy bất cập đoàn có thể yêu cầu Trưởng, Phó điểm thi, Tổ trưởng chấm thi… thực hiện đúng quy trình, quy định. Nếu chưa đúng có thể tư vấn để thực hiện cho đúng. Đặc biệt, trong quá trình làm, thấy còn bất cập trong quy chế chấm thi, quy định công tác kiểm tra thi tổng hợp lại để kiến nghị và đề xuất Bộ xử lý.  

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao quà động viên các đoàn công tác. Ảnh: Thế Đại
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao quà động viên các đoàn công tác. Ảnh: Thế Đại

Thứ trưởng lưu ý các đoàn cần tuân thủ nghiêm về kỷ luật phát ngôn, về chế độ thông tin báo cáo trong quá trình làm nhiệm vụ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, các Đoàn cần chủ động trong công tác phòng chống dịch. Mỗi CB, CC là một “chiến sĩ” phòng chống dịch. Tuy nhiên tinh thần chống dịch không hoang mang bởi trong vùng dịch dù “nóng” thì cũng không phải toàn dân bị nhiễm Covid-19...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, dù trong điều kiện dịch bệnh thì nơi nào tổ chức thi sẽ có mặt các đoàn thanh tra của Bộ. Đồng thời nhấn mạnh, trong công tác làm thi, CB, CC, GV… cần sẵn sàng với tinh thần 5K: Không chủ quan; Không bị động; Kế hoạch tốt; Kiểm tra thường xuyên; Khắc phục khó khăn…

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường thay mặt cho 191 CB, CC của 63 đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cảm ơn Thứ  trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có những chỉ đạo, chia sẻ động viên. Đồng thời hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ