Thay SGK lớp 1: Nỗ lực đổi thay của trường học vùng cao

GD&TĐ - Yên Bái là tỉnh miền núi, địa lý khí hậu khắc nghiệt là những rào cản phát triển giáo dục. Đặc biệt, thay SGK lớp 1 ở vùng dân tộc khó khăn gấp nhiều lần dưới xuôi, nhưng các thẩy cô đã nỗ lực tạo sự đổi thay.

Học sinh khối 1 Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang, hào hứng với SGK mới.
Học sinh khối 1 Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang, hào hứng với SGK mới.

Cùng nhau vượt khó

Đầu năm học 2020 những giờ học lớp 1 với SGK mới HS còn bỡ ngỡ thì đến nay đã trôi chảy, học sinh đã hứng thú với môn học. Nhìn những nụ cười tươi, những ánh mắt rạng ngời bên trang sách, các thầy cô đều cảm nhận được niềm vui đó.

Những ngày đầu làm quen với sách của các HS dân tộc H"Mông
Những ngày đầu làm quen với sách của các HS dân tộc H"Mông 

Hồng Ca là một xã vùng cao của huyện Trấn Yên (Yên Bái). Cô Trần Thị Hoa, giáo viên Trường TH&THCS số 2 Hồng Ca cho biết: Trường đa số học sinh người dân tộc H’Mông, các em học hết mầm non nhưng nhiều em chưa biết hết chữ cái nên để theo kịp chương trình rất khó khăn. Như môn Tiếng Việt, có thời lượng học trong 2 tiết mà phải thực hiện đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là quá ít. GV chúng tôi đã phải xoay ra mà làm, đến từng bàn, ghé vào từng học sinh để chỉ bài.

Cảm nhận chung của GV là lượng kiến thức đối với học sinh DTTS vùng cao khá nặng so với mặt bằng chung, vì nhận thức của các em không đồng đều. Tuy nhiên các thầy cô nơi đây đã nỗ lực vượt khó. Cô giáo Hoàng Thị Hoa Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 A1, Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: "Thầy cô vất vả hơn nhưng lại mang hiệu quả rất lớn, HS được trải nghiệm nhiều hơn, các em được phát huy năng lực cá nhân và đây là điều tôi cho rằng hết sức tích cực". 

Ghé đến nhà từng học sinh để dạy viết chữ
Ghé đến nhà từng học sinh để dạy viết chữ

Nhà giáo Vũ Quốc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên, tâm sự: "Có thể nói các thấy cô giáo thực hiện chương trình thay sách lớp 1 đang làm việc gấp hai ba lần. Tuy nhiên cảm nhận chung là các thầy cô giáo hết sức trách nhiệm, hơn ai hết họ hiểu mình là người đầu tiên tiếp cận với sách và truyền thụ kiến thức trong sách giáo khoa đến với học sinh sao cho hiệu quả nhất. Khó khăn nhiều, GV của tôi thay bằng kêu ca thì họ cùng bàn cách tháo gỡ".

Nỗ lực đổi thay

Nỗ lực đầu tiên của huyện vùng cao Mù Cang Chải là lo đủ sách giáo khoa lớp 1 cho học sinh. Ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: Phòng giáo dục đã phải đứng ra bảo lãnh để các trường mua sách giáo khoa cho học sinh bảo đảm các em có đủ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới. 

Năm học 2020 - 2021, Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang có 852 học sinh, trong đó có 167 học sinh lớp 1. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song nhà trường đã nỗ lực khắc phục, bố trí 5 phòng học kiên cố cho 5 lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Cô giáo Phạm Thị Minh Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo chương trình mới cho lớp 1, Trường đã phải bố trí thêm 3 phòng học, trong đó 1 phòng học nhờ tại nhà cộng đồng của xã, còn lại là tận dụng 1 phòng hội đồng và 1 phòng ở bán trú. Cô trò cố gắng, các bác ở xã tạo điều kiện nên đến nay mọi việc đều tốt đẹp.

Các em đã có niềm vui với những trang sách mới
Các em đã có niềm vui với những trang sách mới

Không khó khăn về cơ sở vật chất như Trường PTDTBT TH&THCS Khao Mang, Trường TH&THCS thị trấn Mù Cang Chải lại chung cái khó về giải thích cho phụ huynh hiểu sự cần thiết phải thay sách. Cô giáo Hoàng Thị Thương - giáo viên lớp 1, Trường TH&THCS thị trấn chia sẻ: Ban đầu, phụ huynh cũng có những băn khoăn, song được tuyên truyền vận động, đến nay hầu hết phụ huynh đều tin tưởng vào sự thay đổi này. Thực hiện chương trình GDPT mới, dù có nhiều bỡ ngỡ ban đầu, song cán bộ giáo viên trong nhà trường đều chủ động để thực hiện tốt. Chương trình mới có vất vả hơn, song các thầy, cô và học sinh đều thấy rất hứng thú. 

Có thể nói, năm học 2020 - 2021, triển khai chương trình GDPT mới ở tỉnh Yên Bái, cho dù có những khó khăn đặc trưng của địa phương, song các cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ ngành GD. Đặc biệt nhờ sự nỗ lực của các thầy cô giáo đến thời điểm này đã kết thúc học kỳ I, những khó khăn đã từng bước được khắc phục. Bước đầu việc dạy – học đã cho thấy đem lại hiệu quả, tạo nên sự thay đổi lớn cho giáo dục vùng cao Yên Bái. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ