Thái Nguyên: Dành nguồn lực chăm lo học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Với sự đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô hệ thống các trường dân tộc nội trú, công tác giáo dục, chăm sóc học sinh dân tộc thiểu số của Thái Nguyên đạt nhiều kết quả tích cực.

Khu nội trú trường PTDTNT THCS Đồng Hỷ.
Khu nội trú trường PTDTNT THCS Đồng Hỷ.

Nâng cấp các trường dân tộc nội trú

Vào năm học 2014 - 2015, với 1730 học sinh tại 5 trường THCS và 1  trường THPT hệ dân tộc nội trú, tỉ lệ huy động học sinh là người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của Thái Nguyên mới chỉ đạt 5,65%.

Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng quy mô các trường PTDTNT tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết, nhằm đáp ứng đáp nhu cầu được học tập của con em dân tộc, tăng tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường PTDTNT, hạn chế hiện tượng học sinh bỏ học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho đối tượng học sinh dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đề án nâng cấp, mở rộng quy mô các trường PTDTNT tỉnh Thái Nguyên hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống này theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo các điều kiện giáo dục đặc thù; nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo, phấn đấu trường PTDTNT trở thành trường hàng đầu về chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập của các em học sinh trường PTDTNT THCS Phú Lương luôn được đảm bảo
Điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập của các em học sinh trường PTDTNT THCS Phú Lương luôn được đảm bảo

Tổng mức đầu tư cho chương trình là hơn 200 tỷ đồng, với nhiều nội dung, hạng mục quan trọng: Xây mới, mở rộng quy mô trường PTDTNT Định Hóa; Đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình của 3 trường PTDTNT cấp THCS tại Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương.

Ngoài xây mới nhà lớp học bộ môn, nhà tập đa năng, nhà công vụ, chương trình còn mở rộng diện tích đất của mỗi trường thêm 1 hecta; xây dựng 22 phòng học, 85 phòng nội trú cho học sinh; mở rộng nhà bếp, nhà ăn; đầu tư thêm trang thiết bị nội thất phục vụ các hoạt động học tập và sinh hoạt.  

Chương trình cũng nâng quy mô của trường THPT DTNT tỉnh từ 360 học sinh lên 540 học sinh, quy mô các trường THCS từ 240 lên 360 học sinh mỗi trường; Bổ sung thêm biên chế giáo viên, nhân viên theo thực tiễn các nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học của các đơn vị.

Đảm bảo điều kiện giáo dục, chăm sóc

Đến năm học 2020 - 2021, tổng số học sinh nội trú của toàn tỉnh là 2.430 học sinh, nâng tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số được học tại các trường PTDTNT lên 8,16%. Đây là kết quả vượt bậc từ sự nỗ lực, chung tay của địa phương và cả hệ thống các cơ sở giáo dục.

Học sinh dân tộc nội trú không chỉ được hưởng học bổng theo quy định hiện hành, mà còn có các chế độ hỗ trợ khác như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền tàu xe, học phẩm, tiền điện, nước, bảo hiểm y tế... Các em được tổ chức sinh hoạt tập trung, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ kịp thời. Nhờ vậy, các em hoàn toàn yên tâm, tập trung cho việc học tập.      

“Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi là một nhiệm vụ mang ý nghĩa lớn, đặc biệt là trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để quay lại phục vụ, xây dựng, phát triển địa phương. Tại các trường dân tộc nội trú, các nhà trường có điều kiện quan tâm đến từng em, việc giáo dục, chăm sóc luôn tập trung cao độ và sát sao hằng ngày, cho nên chất lượng và hiệu quả rất tốt” - ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên nhấn mạnh.

Tiết học của các em học sinh trường PT DTNT tỉnh Thái Nguyên
Tiết học của các em học sinh trường PT DTNT tỉnh Thái Nguyên

Là một cơ sở được thụ hưởng chương trình, trường PTDTNT THCS Đồng Hỷ được xây mới 1 nhà lớp học 3 tầng, 1 nhà nội trú 24 phòng, nhà đa năng, bể bơi, xây thêm tầng 2 cho nhà ăn. Về quy mô, những năm trước đây nhà trường duy trì ở mức 8 lớp với khoảng 250 học sinh, đến năm học 2020 - 2021 đã tăng lên 11 lớp với 346 học sinh.

“Quy mô lớp học của nhà trường tăng lên, đồng nghĩa với việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào khu vực địa bàn các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình. Điều kiện cơ sở vật chất được nâng cấp, hoàn thiện, các hoạt động giáo dục, chăm sóc cho học sinh được triển khai một cách chủ động, đảm bảo hơn. Đồng thời, nhà trường cũng trở thành địa chỉ, cơ sở tổ chức các hoạt động của ngành giáo dục địa phương như các hội nghị, hội thi, chương trình tập huấn…” - thầy giáo Nguyễn Đức Lợi, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Đối với trường PTDTNT THCS Phú Lương, đơn vị được xây mới 1 nhà tổ hợp gồm lớp học, phòng chức năng bộ môn, nhà đa năng; 1 nhà ký túc xá 16 phòng với khả năng phục vụ cho khoảng 130 em. Quy mô học sinh nhà trường trước đây là 8 lớp/250 học sinh, năm học này tăng lên 11 lớp/323 học sinh.

“Huyện Phú Lương có nhiều học sinh là con em các dân tộc thiểu số mà điều kiện còn khó khăn, như Mông, Cao Lan, San Chí, Sán Dìu… Một môi trường học tập và sinh hoạt tập trung là vô cùng ý nghĩa và cần thiết cho các em. Đến nay, nhà trường đã đủ phòng để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, phụ đạo, tổ chức học 2 buổi thuận lợi hơn, đủ các điều kiện để đáp ứng tốt các hoạt động giáo dục” - cô giáo Phan Thị Phương Ly, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ