Tâm và tài của người làm khuyến học

Tâm và tài của người làm khuyến học

Ông Nguyễn Đình Bưu ở Thanh Hoá trong 9 năm làm khuyến học đã vận động được gần 18 tỉ cho Quỹ khuyến học của tỉnh hội. Do đó hàng ngàn HSSV được nhận học bổng, được khen thưởng, cả tỉnh hiện có 27 loại Quỹ khuyến học đang hoạt động, trong đó Hội khuyến học trực tiếp hoặc tham gia quản lý 14 loại. Làm được việc đó và nhiều việc khác của khuyến học là nhờ ông đã biết tận dụng kinh nghiệm nhiều năm công tác Đảng và chính quyền để soạn thảo những đề án, đề xuất các cơ chế chính sách, và quan trọng là với tâm huyết của mình, ông không quản khó khăn để đi đến tận cơ sở thăm hỏi, khích lệ, trao đổi và rút ra bài học từ thực tiễn rồi khẳng định phương hướng phát triển.

HS Bản Phố (Lào Cai)
HS Bản Phố (Lào Cai)

Ông Trương Sỹ Tiến, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị từ năm 2001 đến 2008 cũng là một cán bộ khuyến học đặc biệt. Ông dành trọn tâm và trí cho công tác khuyến học suốt 7 năm làm chủ tịch hội và sẽ “đến suốt cuộc đời” - như ông nói. Sự nghiệp khuyến học thành công trên mảnh đất lửa Quảng Trị không chỉ nhờ vào tấm gương trong từ chính ông, mà còn nhờ vào định hướng tập trung tạo ra nhận thức đúng và thống nhất về hoạt động khuyến học, về tổ chức khuyến học, và ngay cả đối với cán bộ khuyến học chuyên trách; nhờ vào việc biết huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển quỹ khuyến học; và nhờ nỗ lực suy nghĩ để chọn bước đi và nội dung hoạt động hợp lý. Không có tâm, không có tài, làm sao có được một “chiến lược” khuyến học như vậy ở Quảng Trị?

Cũng là người có chức sắc trong cộng đồng tôn giáo, linh mục Phêro Bùi Duy Tân ở giáo xứ Hải Hưng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bằng tâm và tài của mình để phát triển sự học trên vùng đất nghèo này thông qua việc phát triển Trung tâm học tập cộng đồng tại đây với nhiều thành quả rất đáng khích lệ, cải thiện được thực trạng chỉ có 40% thanh niên qua được cấp THPT và 5% em vào ĐH. Hoặc như Đại đức Thích Thiện Đức trụ trì chùa Vĩnh Quang đã vận động tăng ni Phật tử cùng làm khuyến học, giúp các em hoàn thành ước mơ trên con đường học hành dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu.

Ông Triệu Đức Thanh ở Hà Giang, ông Trịnh Văn Lâu ở Vĩnh Long, và nhiều cựu cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương sau khi nghỉ công tác về làm khuyến học đều là những người như vậy.

Bên cạnh đó, có những người không hề có “chức sắc” gì nhưng với cái tâm và cái tài của mình đã dốc lòng vì sự nghiệp khuyến học khuyến tài của con em trong dòng họ, địa phương mình. Như dòng họ Lý ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai), gia đình ông Phạm Dương ở Phù Lưu, Can Lộc (Hà Tĩnh), như đồng chí Đỗ Văn Lời, bộ đội biên phòng đồn 473 xã Xuân Nha, huyện Mộc châu (Sơn La), ông Đàm Văn Từng ở thị trấn Na Hang (Tuyên Quang)... Và rất nhiều những tấm gương khác ở mọi miền đất nước đang hàng ngày chẳng quản gian nan, in dấu chân trên mọi nẻo đường khuyến học để vì sự nghiệp lớn lao: xây dựng một xã hội học tập dân giàu nước mạnh. Những việc làm không màng danh lợi của họ đã được ghi nhận xứng đáng trong mỗi thành tích học hành của con em địa phương, của mỗi gia đình, của toàn xã hội. Xin được dẫn lời tâm sự của bà Lê Minh Ngọc – Phó chủ tịch kiêm giám đốc Quỹ khuyến học TP Hồ Chí Minh: “Còn gì hạnh phúc hơn đối với tôi, một người làm công tác khuyến học được các anh chị tặng cho cái tên “Miss khuyến học” và được Chủ tịch Hội khuyến học TP trao cho vương miện “Miss khuyến học” trong ngày sinh nhật lần thứ 65. Và có lẽ một phần thưởng vô giá mà tôi nhận được trong 13 năm hoạt động khuyến học là nhìn thấy sự trưởng thành, thành đạt của các SV nghèo hiếu học trong chương trình học bổng 1&1 và hạnh phúc được các cháu gọi bằng hai tiếng đầy ắp yêu thương: Má Ngọc”.

Nguyễn Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ