Tài liệu bổ trợ bán kèm sách giáo khoa: Phụ huynh có quyền từ chối

GD&TĐ - Dù Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở GD để xảy ra tình trạng bán tài liệu bổ trợ kèm sách giáo khoa (SGK), tuy nhiên, tình trạng bán sách kiểu “combo” vẫn diễn ra. Theo các chuyên gia, nhà trường cần rạch ròi, minh bạch không bán sách kiểu “nhập nhèm”; phụ huynh cần tỉnh táo khi lựa chọn.

Phụ huynh có quyền lựa chọn sách và nơi bán sách cho con. Ảnh minh họa
Phụ huynh có quyền lựa chọn sách và nơi bán sách cho con. Ảnh minh họa

Chỉ cần mua SGK

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, phụ huynh nên mua đúng bộ sách được nhà trường lựa chọn sử dụng trong năm học này.

Đối với các nhà xuất bản, họ có quyền xuất bản các sách bài tập, sách bổ trợ, tham khảo. Tuy nhiên, khi đơn vị phát hành giới thiệu đến nhà trường cần có sự thống nhất chung: Đâu là SGK, đâu là sách bổ trợ, tham khảo; đồng thời tư vấn, hướng dẫn phụ huynh lựa chọn đăng ký mua.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, không phải có sách tham khảo, sách bổ trợ, học sinh học tốt hơn. Nếu muốn bổ trợ kiến thức cho học sinh, giáo viên có nhiều cách để hỗ trợ học trò của mình, không nhất thiết hoặc không bắt buộc phải mua những quyển sách này. Vì thế, các đơn vị phát hành sách và các nhà trường cần rạch ròi giữa SGK và sách bổ trợ, tham khảo.

“SGK và sách tham khảo là hai mục riêng biệt và phải bán riêng; không được đánh đồng khái niệm và càng không được ép buộc dưới mọi hình thức. Thậm chí, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT nên có chỉ đạo: Nhà trường chỉ nên bán SGK, không bán các loại sách khác và các thiết bị, đồ dùng học tập” – TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, sở GD&ĐT địa phương cần vào cuộc không để tình trạng bán sách kèm tài liệu bổ trợ tái diễn, gây khó khăn cho phụ huynh.

 GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm: Với lớp 1 chỉ cần mua những cuốn SGK như Bộ GD&ĐT đã công bố, chưa cần thiết mua sách tham khảo, hay sách bổ trợ. Phụ huynh cần mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong việc lựa chọn sách cho con, chỗ nào chưa rõ thì hỏi và có quyền từ chối.

Bộ sách chính đủ dung lượng kiến thức cho học sinh. Ảnh minh họa
Bộ sách chính đủ dung lượng kiến thức cho học sinh. Ảnh minh họa

Bị ép buộc, phụ huynh có quyền tố cáo

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm lớp 1 – trao đổi: Việc viết SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới. Việc đầu tư vào cuốn sách (giấy tốt hơn, màu sắc rõ nét hơn) cũng tốn kém hơn trước. Điều này khiến cho giá thành 1 quyển sách sẽ cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, giá sách vẫn nằm trong phạm vi mà Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã phê duyệt.

Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, trước đây, học sinh có thể tương tác vào SGK. Sau khi có khuyến cáo không được viết vào SGK; khi viết sách các tác giả thường có kèm theo vở bài tập, ngay như môn Hoạt động trải nghiệm cũng có quyển này. Mục đích là để học sinh thực hiện các nhiệm vụ của bài học tốt hơn, thao tác nhanh hơn và dễ hiểu nội dung bài học hơn.

“Tuy nhiên, mỗi môn học có bao nhiêu cuốn bổ trợ thì tôi không biết. Nhưng với hoạt động trải nghiệm có một quyển vở bài tập đi kèm. Nếu như được tương tác vào SGK, không cần thêm quyển vở bài tập này” - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định, đồng thời cho rằng: Kể cả SGK cũng không thể bắt buộc phụ huynh phải mua. Vì thế, càng không thể bắt phụ huynh mua quyển bổ trợ này, sách tham khảo kia. Tương tự như vậy, cuốn vở bài tập cũng không thể bắt buộc; có chăng chỉ là khuyên họ nên mua để hỗ trợ các con trong quá trình học tập. Còn mua hay không tùy thuộc vào nhu cầu và quyết định của phụ huynh.

Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, có rất nhiều cuốn sách mang tính đặc thù, giá thành cao, thậm chí lên đến vài trăm nghìn/cuốn, chẳng hạn như sách tiếng Anh. Vì thế, nếu nhà trường và các đơn vị phát hành tách riêng theo từng mục dễ được xã hội chấp nhận hơn.

“Nếu nhặt những cuốn sách thiết thực cho việc học của học sinh hết khoảng 300 – 400 nghìn. Việc đưa “combo” SGK kèm tài liệu bổ trợ đẩy giá thành lên cao là việc khác, không thể đổ lỗi hoặc đánh đồng SGK đắt hoặc tăng giá. Như thế là không công bằng” - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định.

Cũng theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, các trường và đơn vị phát hành cần minh bạch, rạch ròi theo từng hạng mục: SGK; sách bổ trợ, tham khảo; thiết bị đồ dùng dạy học… để phụ huynh dễ theo dõi. Không nên gửi cho phụ huynh theo kiểu “combo” trọn gói. “Thuận mua, vừa bán”, nên phụ huynh có quyền chọn mua sách này và không mua sách kia. Nếu nhà trường ngăn cản hoặc làm khó, phụ huynh có thể phản hồi đến các cấp có thẩm quyền.

Cha mẹ học sinh nếu thấy khúc mắc, thông tin chưa rõ ràng, minh bạch cần có ý kiến, thậm chí có quyền tố cáo nếu bị nhà trường ép buộc mua trọn gói “combo”. Muốn vậy, các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT cần thiết lập đường dây nóng để phụ huynh có thể phản ánh kịp thời. - TS Nguyễn Tùng Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ