Nỗ lực chuẩn bị dạy học Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình mới

GD&TĐ - Từ năm học 2022-2023, Tin học, Ngoại ngữ sẽ là môn bắt buộc từ lớp 3. Dù còn khó khăn nhưng các nhà trường, địa phương đều cố gắng tìm giải pháp để chuẩn bị tốt nhất điều kiện cho 2 môn học này trước năm học mới.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Nền tảng triển khai dạy học Tiếng Anh

Dù ở vùng nông thôn nhưng Trường tiểu học Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, Thái Bình) khá thuận lợi khi triển khai dạy học Tiếng Anh bắt buộc với học sinh lớp 3 từ năm học 2022-2023. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh cho biết: Hiện nhà trường có đủ biên chế giáo viên tiếng Anh và có 1 giáo viên hợp đồng môn Tin học. Do đã triển khai dạy Tiếng Anh, Tin học từ năm học 2002-2003 nên trường có khá nhiều kinh nghiệm chỉ đạo trong dạy học; thầy cô cũng có kinh nghiệm trong giảng dạy; học sinh đã được tiếp cận, học tập các chương trình học Tiếng Anh và Tin học.

“Đặc biệt, cha mẹ học sinh đã nắm bắt được chương trình và rất đồng tình mong muốn cho con em được học các môn học này. Về cơ sở vật chất, trong những năm qua, nhà trường đã chủ động mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học Tiếng Anh, Tin học, như máy tính, tivi, đài catset... Đây là những thuận lợi cơ bản cho việc triển khai Chương trình mới với Trường tiểu học Thụy Sơn năm học tới đây” - thầy Nguyễn Văn Chanh cho hay.

Tương tự, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Thái Thụy đều có nền tảng khá tốt để triển khai dạy học Tiếng Anh bắt buộc từ năm học 2022-2023. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Thái Thụy (Thái Bình) thông tin: Thái Bình đã tuyển dụng biên chế giáo viên ngoại ngữ cho các trường tiểu học từ những năm trước đây nên rất thuận lợi trong bố trí giáo viên. Tuy nhiên, khó khăn của các trường là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Một số lớp, một số trường mới có tivi màn hình LED để phục vụ cho sử dụng sách mềm dạy tiếng Anh; số trường có phòng lab còn ít.

Ở huyện EaKar (Đắk Lắk), 100% trường tiểu đã thực hiện dạy học môn Tin học, Tiếng Anh từ lớp 3 từ khá lâu. Cô Lương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi, buôn M" Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar cho biết, có được điều này là từ sự quan tâm của Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Một số trường tiểu học trên địa bàn thậm chí đã xã hội hóa cho học sinh học tiếng Anh từ lớp 1.

“Như Trường tiểu học Lê Lợi, tuy là trường vùng khó nhưng phụ huynh rất ủng hộ việc này. Vì vậy, việc đưa Tin học, Tiếng Anh thành môn học bắt buộc từ lớp 3 năm học 2022- 2023 chỉ là tiếp tục thực hiện.

Hiện nhà trường bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng theo quy định chuẩn giáo viên tiểu học. Trong đó, trường có 2 giáo viên Tiếng Anh biên chế dạy lớp 3, 4, 5 (mỗi lớp học 4 tiết/tuần  - thực hiện đề án 1400); 1 giáo viên Tin học (dạy mỗi lớp 2 tiết/tuần).

Về cơ sở vật chất, hiện tại nhà trường có 1 phòng Tin học với 15 máy tính, chưa có phòng dạy tiếng Anh riêng.

Tuy nhiên, khó khăn của trường là còn thiếu máy tính cho học sinh; số máy tính để đáp ứng cho 1 học sinh/máy là chưa đủ; phòng học dành riêng để dạy tiếng Anh cũng còn thiếu” - cô Lương Thị Hồng cho hay.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Dạy Tin học: Còn khó khăn

Dù khá tự tin với môn Tiếng Anh, nhưng Trường tiểu học Thụy Sơn lại gặp khó khăn khi triển khai môn Tin học. Theo thầy Nguyễn Văn Chanh, giáo viên dạy Tin học của trường chưa được vào biên chế nên còn bấp bênh. Trường hợp được tuyển dụng giáo viên Tin học thì nhiều khả năng gặp khó về nguồn tuyển. Về cơ sở vật chất, tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng nhà trường vẫn chưa đủ đáp ứng phục vụ học tập. Bàn ghế phòng tin học, tivi, nhất là máy tính bị hư hỏng, chưa đủ theo đầu học sinh. Hằng năm, chi phí cho sửa chữa máy vi tính, đường mạng tốn một khoản chi phí không nhỏ.

Đây cũng là tình hình chung của các trường tiểu học trên địa bàn huyện Thái Thụy. Chia sẻ của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Đỗ Trường Sơn, địa phương chưa có biên chế giáo viên Tin học ở tiểu học; chưa có hướng dẫn định mức biên chế giáo viên Tin học. Về điều kiện cơ sở vật chất, tất cả các trường đều có phòng máy tính, song số lượng máy tính còn ít, khó bảo đảm dạy theo từng lớp, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc bố trí ca kíp để bảo đảm 100% học sinh được Tin học. Cùng với đó là khi chia ca kíp thì cường độ làm việc (số tiết tin học/lớp/trường) sẽ tăng theo, dẫn đến khó khăn phát sinh.

Năm học 2022-2023, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 3, thành phố Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung đã chỉ đạo thực hiện dạy học Tiếng Anh 100% cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Giáo viên được tập huấn bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng theo chuyên đề của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh thuận lợi này, bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng Giáo dục Thuận An (Bình Dương) cũng chia sẻ khó khăn khi triển khai dạy học Tin học. Theo đó, vì trước đây là môn tự chọn nên Tin học chỉ dạy một số ít cho học sinh lớp 3, 4, 5. Hiện cá trường đang gặp khó khăn về phòng máy để đáp ứng việc dạy Tin học cho học sinh Tiểu học. Ngoài ra, địa phương cũng thiếu biên chế giáo viên giảng dạy Tin học.

“Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An để đầu tư phòng máy cho các trường. Trước mắt trường nào chưa đủ điều kiện thì ưu tiên cho học sinh lớp 3. Ngoài ra, địa phương sẽ hợp đồng ngoài biên chế giáo viên Tin học để đáp ứng nhu cầu giảng dạy; chi viện tăng cường giáo viên từ các trường tiểu học, trung học cơ sở cho các trường đang thiếu giáo viên” - bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân nêu giải pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ