Niềm vui trong những ngôi trường khang trang

GD&TĐ - Để chuẩn bị cho gần hai triệu học sinh bước vào năm học mới 2018 - 2019, thành phố Hà Nội đã ưu tiên các nguồn lực để mở rộng, xây mới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Lễ khởi công công trình xây dựng Trường Tiểu học và THCS Tứ Liên
Lễ khởi công công trình xây dựng Trường Tiểu học và THCS Tứ Liên

Xóa cảnh trường lớp học nhờ đình làng

Với người dân phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), một trong những nhu cầu thiết yếu là có được ngôi trường khang trang độc lập cho con em trong khu vực. Tuy nhiên, mong ước này đã kéo dài hơn 25 năm nay khi kể từ khi thành lập Trường Tiểu học Tứ Liên vào năm 1992 và trước đó, thành lập từ năm 1959, Trường THCS Tứ Liên vẫn phải học nhờ vào khuôn viên đình Nội Châu.

Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết: Cơ sở vật chất chật chội, không có cảnh quan sư phạm, không có sân chơi... cho nên có năm học, hai trường này chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu học sinh. Cùng với đó là sự thua thiệt trong các hoạt động giáo dục so với các trường bạn dù thầy và trò nhà trường đều rất nỗ lực.

Năm học 2018 - 2019, tin vui đến với thầy và trò Trường Tiểu học, Trường THCS Tứ Liên. Ngày 17/8 vừa qua, hai ngôi trường này chính thức được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 90 tỷ đồng, không kể chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Sau khi hoàn thành, hai trường học sẽ đáp ứng chỗ học của 1.700 học sinh.

Được biết, để thực hiện được mục tiêu này, UBND quận Tây Hồ đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch, cống hóa mương nước, nhất là giải phóng mặt bằng với số lượng hộ dân rất lớn. Với việc xây mới hai ngôi trường này, quận Tây Hồ đã hoàn thành xong việc xóa phòng học tạm trên địa bàn.

Niềm vui có trường mới không chỉ đến với học sinh hai trường học ở Tứ Liên mà còn cả các học sinh các trường học khác trên địa bàn quận. Rất nhiều trường học trong quận đang được sửa chữa, xây mới, biến Tây Hồ trở thành một “đại công trường” xây trường học.

Theo ông Phạm Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, mặc dù 100% các phường có đủ trường công lập ở cả ba cấp học, nhưng với sự gia tăng dân số nhanh, vẫn dẫn tới tình trạng hầu hết các lớp học đều vượt quá sĩ số tiêu chuẩn. Để đáp ứng tiêu chí 100% HS học 2 buổi ngày với sĩ số 40 học sinh/lớp, quận vẫn cần phải xây mới nhiều phòng học.

Trong các năm tới, ngoài các khu dân cư đã ổn định, quận Tây Hồ sẽ có thêm 2 khu đô thị mới, khu đô thị Tây Hồ Tây thuộc địa bàn phường Xuân La, khu đô thị Nam Thăng Long thuộc địa bàn phường Phú Thượng. Theo quy hoạch các khu đô thị đều đã dành quỹ đất cho việc xây dựng mạng lưới các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc cả công lập và ngoài công lập.

Quận đang tiếp tục rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường học, gắn kết giữa các trường sẽ được xây dựng tại các khu đô thị trong tương lai với mạng lưới các trường được mở rộng, xây mới trên địa bàn các phường, để mạng lưới trường học trên địa bàn quận Tây Hồ phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Mở trường tại các quận ven đô

Trong những năm qua, áp lực lớn về tăng dân số cơ học trên địa bàn thành phố đã dẫn đến tình trạng quá tải các trường học, nhất là khu vực các quận ven đô có tốc độ đô thị hóa cao. Dù không ngừng mở rộng, xây mới trường lớp nhưng các quận “đang phát triển” của Hà Nội như Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn

Tại quận Hà Đông, nơi tập trung rất nhiều khu đô thị mới, năm nay số học sinh của quận lên tới 88.000 em, tăng hơn 7.000 em so với năm trước. Trong những năm gần đây, quận luôn dành nguồn đầu tư lớn cho việc xây dựng trường học.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Năm 2018, quận thành lập mới 17 trường, trong đó có năm trường công lập. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu bởi tốc độ tăng dân số qua nhanh, một số trường học phải đối mặt với tình trạng sĩ số học sinh lên tới 60 em/lớp, dẫn đến tình trạng không đủ phòng học, học sinh phải nghỉ học luân phiên.

Tình trạng tương tự diễn ra tại quận Hoàng Mai. Với mức tăng bình quân mỗi năm từ 6.000 đến 8.000 học sinh, trong khi việc xây dựng các dự án khu đô thị nơi đây chưa đồng bộ với việc xây dựng trường học công lập, khiến cho việc tìm nơi học tập cho học sinh khá chật vật, nhất là tại các phường: Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công...

Trường THPT Xuân Phương sẵn sàng đón hơn 600 học sinh khóa I năm học 2018 - 2019

Trường THPT Xuân Phương sẵn sàng đón hơn 600 học sinh khóa I năm học 2018 - 2019

Để tạo điều kiện cho ngành tổ chức tốt nhiệm vụ dạy và học, UBND quận Hoàng Mai đã không ngừng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Trong năm học 2017 - 2018, quận đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất 26 dự án trường học, đồng thời xây dựng các trường chuẩn quốc gia.

Năm 2018, quận đã điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030. Trong giai đoạn 2018 - 2020, quận sẽ xây mới thêm 13 trường cho các cấp học. Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND quận giao chỉ tiêu tuyển sinh tăng so với điều lệ nhà trường, nhưng vẫn bảo đảm số mét vuông/học sinh và số giáo viên/lớp.

Còn tại quận Nam Từ Liêm, quy mô mạng lưới trường, lớp tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, được trải đều khắp quận với 91 trường tiểu học và THCS (tăng 9 trường); 12 trường THPT; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và 10 trung tâm học tập cộng đồng với các loại hình công lập, ngoài công lập.

Trong năm học này, quận Nam Từ Liêm đã khánh thành nhiều trường học với cơ sở vật chất hiện đại như Trường Mầm non Mỹ Đình 2, Tiểu học Xuân Phương, THCS Xuân Phương, THCS Nguyễn Du, THCS Cầu Diễn, THCS Nguyễn Quý Đức…

Là trường THPT mới nhất của thành phố Hà Nội, nằm trên địa bàn khu đô thị mới Xuân Phương, sau 4 tháng kiện toàn tổ chức, đội ngũ giáo viên Trường THPT Xuân Phương đã sẵn sàng đón năm học mới, đón hơn 600 học sinh trúng tuyển học trong 15 lớp học khối 10. Vui mừng bước vào năm học mới với một cơ sở vật chất hiện đại, thầy Trần Trọng Hà - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng định hướng cốt lõi cho nhà trường ngay trong năm học này và nhiều năm sau đó, là kỷ cương khai phóng và hội nhập”.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, trước năm học mới 2018 - 2019, Hà Nội đã xây mới được 74 trường học (trong đó có 29 trường được thành lập mới), bổ sung thêm 1.579 phòng học.

Thành phố cũng đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học (trong đó, mầm non 141 trường, tiểu học 140 trường, THCS 106 trường). Khối trực thuộc năm 2018 xây dựng chống xuống cấp cho 40 trường, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới. Thành phố cũng đã cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ