Những nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong năm học 2019 - 2020

GD&TĐ - Trong năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành thực hiện khối lượng công việc to lớn, thúc đẩy lộ trình áp dụng Chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 vào giảng dạy theo đúng tiến độ. 

Các giảng viên chủ chốt tham gia đợt tập huấn của Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT - RGEP
Các giảng viên chủ chốt tham gia đợt tập huấn của Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT - RGEP

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông - RGEP (Bộ GD&ĐT) - đã đánh giá những công tác đã thực hiện và những nhiệm vụ trọng tâm các địa phương cần ưu tiên thực hiện trong năm học bản lề 2019 - 2020 để đưa CT, sách giáo khoa (SGK) mới vào giảng dạy từ năm 2020 - 2021.

- Ông có thể đánh giá lại khối lượng công việc đã hoàn thành tính đến nay, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, để đưa CTGDPT 2018 vào giảng dạy từ năm 2020 - 2021 đối với lớp 1?

Tính đến hết năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai thực hiện nhiều công tác, đặc biệt là biên soạn CTGDPT mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh (gồm CT tổng thể và các CT môn học). CTGDPT đã được Bộ GD&ĐT ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT. Đây là lần đầu tiên CTGDPT được xây dựng một cách đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp, lớp học; Nội dung giáo dục thiết thực, tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục tích cực, chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống, bảo đảm mục tiêu hài hoà “dạy chữ” và “dạy người”. CTGDPT mới mang tính mở, có thời lượng dành cho nội dung giáo dục địa phương, giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Song song với quá trình xây dựng CTGDPT mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về công tác biên soạn, thẩm định SGK tại Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT. Vì vậy, ngay từ khi dự thảo CTGDPT được đăng tải trên mạng để xin ý kiến rộng rãi từ tháng 1/2018, đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia góp ý, đồng thời tiến hành biên soạn SGK theo CT mới. Tính đến tháng 6/2019, Bộ GD&ĐT đã nhận được các bản mẫu SGK lớp 1 do các NXB được cấp phép gửi để thẩm định. Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và đang tổ chức thẩm định các SGK lớp 1 đã gửi về Bộ theo đúng quy trình quy định tại Thông tư 33.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông
  • PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông

Đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của CTGDPT mới. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tập huấn cho 4 đối tượng: (1) Giáo viên - Những người trực tiếp tổ chức giảng dạy; (2) CBQL cấp trường: Hiệu trưởng - Người tổ chức các hoạt động quản lý, hoạt động chuyên môn triển khai CT, SGKGDPT mới; (3) CBQL sở/phòng GD&ĐT gồm lãnh đạo sở GD&ĐT và trưởng các phòng tiểu học, trung học trực thuộc Sở, các trưởng phòng GD&ĐT cấp quận, huyện; (4) Giảng viên sư phạm - Những người tham gia đào tạo và biên soạn tài liệu hướng dẫn giáo viên.

Quá trình bồi dưỡng bắt đầu triển khai từ các giảng viên sư phạm là báo cáo viên nguồn, sau đó mở rộng tới giảng viên sư phạm chủ chốt và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt. Những người này vừa trực tiếp tham gia vào quá trình biên soạn, thẩm định tài liệu bồi dưỡng, vừa trực tiếp làm báo cáo viên tập huấn cho các đối tượng là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp sở, phòng GD&ĐT. Tiếp theo đó, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ cho hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán. Với đội ngũ giáo viên, CBQL được bồi dưỡng ở cấp T.Ư, các địa phương tiếp tục mở rộng bồi dưỡng tại địa phương mình, thông qua bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng trực tuyến.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

- Ông có đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các địa phương và tiến độ chuẩn bị các điều kiện đưa CT, SGKGDPT mới vào giảng dạy?

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc do Bộ trưởng chủ trì để quán triệt công tác này. Sau hội nghị, các tỉnh bắt tay vào triển khai công tác chuẩn bị theo các công văn hướng dẫn của Bộ. Đến nay, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các tỉnh đều đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai CTGDPT mới và báo cáo tiến độ thực hiện về Bộ.

Theo lộ trình đưa SGK mới vào giảng dạy ở lớp 1 cấp tiểu học trong năm học 2020 - 2021, cùng với những công việc chuẩn bị ở trên, giáo viên, CBQL cấp trường, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT đã được tập huấn, triển khai CTGDPT hiện hành theo định hướng CTGDPT mới để chuẩn bị tâm thế và các điều kiện khác theo yêu cầu của Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện CTGDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh từ năm học 2017 - 2018 mà Bộ ban hành. Đây là bước đi quan trọng để từng bước chuẩn bị một cách bài bản về đội ngũ giáo viên từ nhiều năm trước khi đưa CT, SGKGDPT mới vào giảng dạy.

- Năm học mới 2019 - 2020 sẽ là năm cuối cùng hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để đưa SGK lớp 1 vào giảng dạy từ năm 2020 - 2021, vậy theo ông, các địa phương sẽ phải ưu tiên chuẩn bị những mặt công tác nào?

Năm học 2019 - 2020 là năm học bản lề, hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho việc đưa CT, SGKGDPT mới vào giảng dạy trong năm sau ở lớp 1 cấp tiểu học. Trong năm học tới, ngoài việc tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện những nội dung theo công văn 4612 của Bộ, sở GD&ĐT các địa phương cần ưu tiên tập trung lựa chọn để tập huấn cho giáo viên dạy lớp 1.

Những công việc cần ưu tiên chuẩn bị trong năm học tới để đưa CT, SGKGDPT mới vào giảng dạy là hoàn thành thẩm định SGK lớp 1 đảm bảo thời gian in ấn, phát hành kịp năm học 2020 - 2021; lựa chọn và tập huấn giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà. Giáo viên dạy lớp 1 sẽ phải hoàn thành tập huấn trong năm 2019 để các thầy cô có thể nghiên cứu kỹ CTGDPT 2018. Các công việc này sẽ được thực hiện đồng bộ, đồng tốc đảm bảo tiến độ thực hiện đưa CT, SGKGDPT mới vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1 cấp tiểu học.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ