Nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học: Tìm hướng đi phù hợp

GD&TĐ - Việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường ĐH chính là một trong những giải pháp quan trọng, then chốt góp phần thiết thực triển khai đổi mới giáo dục ĐH một cách căn bản và toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế.

Sinh viên hào hứng trong giờ thực hành.	 Ảnh: ITN
Sinh viên hào hứng trong giờ thực hành. Ảnh: ITN

Giải pháp then chốt

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho rằng: Trong giáo dục ĐH, nghiên cứu khoa học luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của tri thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao. Sự hình thành các nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường ĐH như một lẽ tự nhiên và tất yếu.

Chính vì vậy, danh tiếng của các trường ĐH lớn trên thế giới thường gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn. Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng được trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò, tức là phải xây dựng được NNC. Ngược lại NNC là môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng nhau tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới của khoa học, và thường thông qua các hoạt động của nhóm như seminar khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh...

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng mang tính tập thể và liên ngành. Hình thái tổ chức NNC ngày càng chiếm ưu thế. Các thống kê cho thấy “NNC thường thông minh hơn cả một nhà khoa học tài ba”, đặc biệt trong bối cảnh khoa học phát triển như hiện nay, nhiều vấn đề nghiên cứu mang tính liên ngành và xuyên ngành mà nếu chỉ một nhà nghiên cứu đơn độc thì không thể giải quyết được.

Đặc biệt, trong cơ sở giáo dục ĐH, NNC còn là môi trường và mô hình để gắn kết đào tạo với nghiên cứu. Thông qua NNC tăng cường công bố quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ. Các NNC làm nên những trường phái khoa học của các trường ĐH. Việc xây dựng và phát triển các NNC trong trường ĐH vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của các trường ĐH trên thế giới.

“Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy: NNC có vai trò cực kỳ quan trọng trong các trường ĐH, từ triển khai nghiên cứu đến đào tạo, cho đến chế thử, kết nối với Nhà nước, doanh nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới trong trường ĐH.

Vì vậy, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, cũng như nâng cao xếp hạng của trường ĐH là phải xây dựng và phát triển được các NNC mạnh, đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học tốt, có tâm huyết và kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo. Có thể nói, việc xây dựng các NNC mạnh trong các trường ĐH chính là một trong những giải pháp quan trọng, then chốt góp phần thiết thực triển khai đổi mới giáo dục ĐH một cách căn bản và toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế” - GS Nguyễn Đình Đức cho hay.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cần chính sách thỏa đáng

Hiệu quả hoạt động của NNC chịu tác động nhiều nhất từ chính sách hỗ trợ của đơn vị đào tạo; sau đó là định hướng nghiên cứu và hợp tác của nhóm và cuối cùng là nhân tố con người. Do đó các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của NNC cũng cần ưu tiên thực hiện theo thứ tự này. Trên quan điểm đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và cộng sự đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của NNC trong các trường ĐH ở Việt Nam như sau:

Cần có chính sách thỏa đáng đầu tư cho NNC về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, đẩy mạnh hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và thông tin khoa học cho các nhà khoa học; tạo cơ chế đặt hàng nghiên cứu và có nguồn kinh phí thường xuyên đảm bảo hoạt động đối với các NNC.

Quan tâm bồi dưỡng bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đến công tác đào tạo, phát triển các nhà khoa học trẻ làm đội ngũ kế cận trong tương lai, thu hút được những nhà khoa học có năng lực nghiên cứu tốt, thu hút được NCS tham gia vào các nhóm nghiên cứu, gắn kết NCKH với đào tạo tiến sĩ qua các NNC, có chính sách khen thưởng, tạo động lực cho các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc.

NNC phải xây dựng được định hướng khoa học đúng đắn, phù hợp với xu hướng quốc tế và phục vụ thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời phải tăng cường hoạt động chuyển giao tri thức với các doanh nghiệp và địa phương, hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế.

NNC phải có người đứng đầu, có uy tín, trình độ khoa học, năng lực tổ chức và nhiệt huyết với khoa học. Ngoài ra phải là người hoạch định được chiến lược lâu dài và định hướng nghiên cứu cho sự phát triển của nhóm. Bên cạnh đó, NNC phải tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học có nhiệt huyết và hoài bão khoa học, nhất là các cán bộ khoa học trẻ; đồng thời xây dựng và phát huy năng lực của tập thể, tạo sự đoàn kết gắn bó trong mọi hoạt động nghiên cứu của nhóm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ