Ngôi trường “miền Trà Lân” mừng đón thầy trò đạt giải Nhì KHKT quốc gia trở về

GD&TĐ - Ngày 13/3, hai em Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang cùng thầy giáo hướng dẫn Phan Sỹ Việt đã từ Hà Nội trở về Trường THCS Trà Lân, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An mang theo giải Nhì KHKT quốc gia.

Lần đâu tiên ngôi trường miền núi nhận giải Nhì KHKT cấp quốc gia
Lần đâu tiên ngôi trường miền núi nhận giải Nhì KHKT cấp quốc gia

Ba thầy trò được sự chào đón tưng bừng của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện, các giáo viên và đông đảo học sinh nhà trường.

Niềm vui đầu tiên của ngôi trường vùng cao

Trước đó, Dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng” của Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang, là dự án duy nhất ở bậc THCS được trao giải nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh Nghệ An. Đồng thời, là 1 trong 9 dự án của Nghệ An dự thi KHKT quốc gia từ 9 – 12/3 vừa qua tại Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Bích Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THCS Trà Lân (Con Cuông, Nghệ An) phấn khởi nói: “Đây là lần đầu tiên Trường THCS Trà Lân và huyện Con Cuông có dự án tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia và giành được giải Nhì. Là một ngôi trường miền núi cao, vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đặc biệt là đầu tư cho học sinh nghiên cứu ứng dụng KHKT. Trong khi đó, ở cuộc thi KHKT quốc gia hội tụ rất nhiều dự án đến từ những trường chuyên, ở các thành phố lớn… nên có được thành tích này là niềm vui, tự hào lớn của nhà trường”.

Chờ đón 3 thầy trò đem giải thưởng từ Hà Nội trở về
 Chờ đón 3 thầy trò đem giải thưởng từ Hà Nội trở về

Hai em Văn An và Quỳnh Trang cho biết: Ý tưởng cải tiến xe lăn cũng nảy ra rất bất ngờ trong lần 2 bạn thay mặt lớp đến thăm thầy giáo Phan Sỹ Việt (giáo viên Vật lý) bị ốm.

Đến nhà thầy, cả 2 mới biết mẹ thầy phải ngồi xe lăn do di chứng tai biến mạch máu não. Khi được thầy nhờ lấy gối lót tựa lưng cho bà đỡ mỏi, An buột miệng: Xe lăn này sao họ không thiết kế gập – ngả ra cho bệnh nhân tựa lưng nhỉ?

Từ đó, ba thầy trò bắt tay vào thử làm một chiếc xe lăn chuyên dụng dành cho người bị tai biến. Ngoài chức năng linh động gập – ngả, chiếc xe cũng được cải tiến để hỗ trợ người bệnh vận động, phục hồi chức năng. Và người đầu tiên thử nghiệm xe lăn này chính cũng chính là mẹ thầy Việt.

Ông Lê Thanh An - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông trao thưởng cho 2 học sinh giành giải Nhì cuộc thi KHKT quốc gia
 Ông Lê Thanh An - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông trao thưởng cho 2 học sinh giành giải Nhì cuộc thi KHKT quốc gia

Nói về thành tích đạt được từ sân chơi quốc gia, thầy Phan Sỹ Việt chia sẻ: “Cả 3 thầy trò đều có niềm tin sẽ giành được giải, bởi đây là dự án có tính khả thi cao. Bởi thầy trò nghiên cứu, sáng tạo xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống của mình.

Khi tham dự cuộc thi cấp tỉnh, ban giám khảo có góp ý một số nhược điểm như: Poster trình bày chưa được rõ ràng, học sinh thuyết trình còn nhỏ. Sau đó, chúng tôi đã khắc phục được. Tôi cũng nghĩ đến các tình huống, các câu hỏi mà ban giám khảo có thể đưa ra và cho 2 em tập thuyết trình, trả lời. Vì vậy, đến hôm thi, các em đã rất mạnh dạn, tự tin giới thiệu về dự án của mình”.

Muốn đưa vào sản xuất hàng loạt

Tâm sự thêm về 2 học trò, thầy Việt cho hay: Trang và An rất thông minh, chịu khó, ham học hỏi. Trong đó, Trương Văn An có hoàn cảnh đặc biệt. Bố An vốn dạy Toán – Lý nhưng chẳng may mất vì tai biến sau tai nai nạn giao thông khi An mới 8 tuổi. Từ đó, An luôn ấp ủ làm được điều gì đó giúp các nạn nhân tai biến hoặc bị di chứng sau TNGT tập luyện phục hồi chức năng.

Mong muốn của thầy trò sau cuộc thi là dự án cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng được doanh nghiệp tiếp nhận, đưa vào sản xuất đem ra tiêu thụ ở thị trường và giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân.

Chiếc xe lăn được cải tiến nhằm phục hồi chức năng vận động được ứng dụng với ngay mẹ của thầy Phan Sỹ Việt
 Chiếc xe lăn được cải tiến nhằm phục hồi chức năng vận động được ứng dụng với ngay mẹ của thầy Phan Sỹ Việt

Cũng theo thầy Việt, làm khoa học nên trải qua thực tế mới sát được. Với sản phẩm “xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng” của em Trang và An, có một ưu điểm lớn so với các sản phẩm khác trên thị trường đó là tiện dụng cho người bệnh.

Các xe lăn khác hiện nay chủ yếu mang tính năng giúp bệnh nhân di chuyển, chứ chưa nghĩ tới các tình huống trong cuộc sống cho bệnh nhân. Còn sản phẩm của 2 em có thể giúp nâng người, tay, chân để các cơ được vận động. Điều này rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân bị tai biến, bại liệt. Ngoài ra, giúp người nhà vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân thuận lợi hơn.

“Thực hiện dự án, điều quan trọng nhất là tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Một điều quan trọng nữa nữa khi các em thực hiện ý tưởng này chính là giáo dục sự hiểu biết, quan tâm đến người lớn, ý thức chăm sóc giúp đỡ ông bà, người thân trong gia đình”.

Hai em Văn An và Quỳnh Trang cùng các thầy cô giáo của Trường THCS Trà Lân
Hai em Văn An và Quỳnh Trang cùng các thầy cô giáo của Trường THCS Trà Lân 

Cô Nguyễn Thị Bích Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THCS Trà Lân (huyện Con Cuông) cũng khẳng định: Qua thành tích đạt giải KHKT quốc gia này, đã ghi nhận sáng tạo của học sinh, và tâm huyết của giáo viên. Qua đó, ttạo sức lan tỏa rất lớn trong nhà trường, để các em học sinh khác say mê khám phá hơn.

Những năm qua, nhà trường cũng rất chú trong công tác học đi đôi với hành, hoạt động trải nghiệm ứng dụng vào cuộc sống. Không chỉ phát động trong nhà trường, chúng tôi còn “khơi gợi chất xám của phụ huynh” bằng cách gợi ý học sinh có thể tham khảo ý tưởng của bố mẹ, anh chị hoặc bất cứ ai trong làng, bản. Về phía nhà trường luôn ủng hộ, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, nguyên vật liệu để giúp học sinh, giáo viên phát triển ý tưởng của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ