Nâng cao hiệu quả dạy học cho HS lớp 1: Gỡ khó cùng thầy cô

GD&TĐ - Sau phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh về việc gặp khó khăn trong quá trình dạy và học Chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp l,  Bộ GD&ĐT đã có công văn về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Các địa phương, nhà trường đã nhanh chóng nắm bắt và có sự điều chỉnh.

HS lớp 1 đang ở thời gian đầu học đọc và viết. Ảnh: NTCC
HS lớp 1 đang ở thời gian đầu học đọc và viết. Ảnh: NTCC

Ngày đầu chưa quen, đường cày không thể thẳng

Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh -  Ninh Bình) chia sẻ: Trong một lớp học sẽ có HS học nhanh, chậm. Về phía GV cũng chưa thể quen ngay với Chương trình, SGK mới, đâu đó vẫn còn những ảnh hưởng của nề nếp dạy học cũ… Do đó, để thực hiện Chương trình và SGK lớp 1 mới, bản thân GV cần thay đổi về tư tưởng, không nên quá cầu toàn khi HS mới bước vào tháng đầu tiên học tập, không nhất thiết yêu cầu các em phải hoàn thành những nội dung theo kế hoạch từng tuần. Đặc biệt, phụ huynh HS cần kiên nhẫn với sự tiến bộ của con, không thúc ép con học ở nhà một cách thái quá... Cha mẹ phải là những người đồng hành với con một cách khoa học, hiểu biết.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Yên Bái cũng bày tỏ: Chúng tôi chưa tiếp nhận ý kiến về Chương trình và SGK lớp 1 từ phía các bậc phụ huynh. Đối với một số GV có khúc mắc trong giảng dạy môn Tiếng Việt 1, ngành Giáo dục đã có giải đáp chu đáo, hướng dẫn tận tình. Chính vì vậy, cơ bản đội ngũ đã thông suốt trong giảng dạy.

Bà Hằng cũng cho rằng: “Thời gian đầu không thể đòi hỏi HS học tới đâu biết tới đó, GV cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tốt hơn. Về phía phụ huynh, nếu chưa hiểu hết về Chương trình, SGK, những yêu cầu đối với HS lớp 1 đừng vội vàng kết luận, phán xét. Thay vào đó hãy tìm hiểu, nắm bắt yêu cầu… từ đó đồng hành với con hiệu quả, phù hợp. Tránh mang đến áp lực cho trẻ và bản thân…”.

Ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình bày tỏ: Việc phụ huynh kêu quá tải, khó, áp lực… có lẽ do chưa hiểu hết khung Chương trình và SGK lớp 1. Trên thực tế, SGK là tài liệu thực hiện, GV có thể linh hoạt trong dạy học, nâng lên hạ xuống phù hợp chứ không phải dạy y như SGK.

Về phía GV, thời gian đầu triển khai có thể chưa định lượng được đúng mức những yêu cầu HS cần đạt được và GV cần dạy nên cảm thấy lo lắng, áp lực, mất bình tĩnh trong quá trình giảng dạy.

Giờ học của cô và trò lớp 1C Trường Tiểu học Pom Hán (thành phố Lào Cai – Lào Cai). Ảnh: NTCC
Giờ học của cô và trò lớp 1C Trường Tiểu học Pom Hán (thành phố Lào Cai – Lào Cai). Ảnh: NTCC

Điều chỉnh để đạt hiệu quả

Cô Trần Thị Hợi cho biết: Với những nội dung hướng dẫn dạy học cho HS lớp 1 của Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, nhà trường đã triển khai đầy đủ từ đầu năm học và không gặp khúc mắc, khó khăn nào từ phía GV hay phụ huynh. Nhà trường nhìn nhận đây là việc làm cần thiết và hoàn toàn nhất trí với hướng dẫn này.

Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B cho rằng: Phụ huynh HS cần hiểu đầy đủ, về việc “Không giao bài tập về nhà đối với HS lớp 1”. Với HS tiểu học đã thực hiện học 2 buổi/ngày, Bộ đã quán triệt việc không giao bài tập về nhà từ lâu, bản thân các nhà trường cũng chỉ đạo GV không giao bài tập về nhà cho HS.

Tuy nhiên, với 1 số kiến thức HS đã học trên lớp nhưng chưa nắm chắc, cần củng cố thêm, GV vẫn có thể trao đổi và hướng dẫn cha mẹ kèm con ôn lại tại nhà giúp các em thêm vững vàng. Nội dung ôn lại ở nhà tùy theo khả năng nắm kiến thức trên lớp ra sao, cần ôn lại nội dung gì... Hơn thế, việc ôn lại bài cũ ở nhà trong khoảng thời gian phù hợp cũng giúp trẻ hình thành ý thức tự học từ nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng bày tỏ: “Không phải vì cô không giao bài tập ở nhà mà gia đình phó mặc hết việc học tập cho nhà trường. Bố mẹ cần quan tâm, đồng hành đúng cách và tuyệt đối không tạo áp lực cho con. Có thể giúp con ôn lại kiến thức cũ thông qua những hỏi đáp, đố vui, trò chơi…, không nhất thiết phải ngồi vào bàn, ép HS học những nội dung và thời gian không phù hợp”.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, sau khi có hướng dẫn tăng cường của Bộ GD&ĐT, ngành GD-ĐT Yên Bái xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho GV lớp 1. Theo đó, sẽ tổ chức hội thảo với tất cả phòng GD&ĐT, lắng nghe, trao đổi với cán bộ quản lý, GV lớp 1 về kết quả dạy học, những khó khăn trong triển khai…, từ đó nắm bắt và cùng tháo gỡ vướng mắc.

Mặt khác, sở sẽ yêu cầu các trường, phòng GD&ĐT xây dựng 1 chuyên đề với lớp 1. Sau đó, tổ cốt cán chuyên môn cấp tỉnh và huyện sẽ hỗ trợ thực hiện các chuyên đề đó. Đặc biệt, sở GD&ĐT sẽ tăng cường dự giờ thăm lớp để tư vấn hỗ trợ kịp thời, giúp GV và nhà trường thực hiện tốt hơn.

Ông Đỗ Văn Thông thông tin: Sở luôn quán triệt GV, nhà trường cần bình tĩnh, xác định đúng khung chương trình, thời điểm cần đạt được. Không lo lắng sốt ruột và gây áp lực lên HS, phụ huynh HS, GV. Sở tăng cường dự giờ trao đổi đối với GV và HS lớp 1 để ghi nhận, cùng tháo gỡ, trao đổi và khuyến khích sự sáng tạo của GV trong quá trình giảng dạy thời gian tiếp theo... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.