Mở cổng trường trong... hè

GD&TĐ - Tổ chức hoạt động hè ngay tại trường học, là một ý tưởng được nhiều phụ huynh ủng hộ với những lợi thế về cơ sở vật chất, giáo viên; qua đó giúp phụ huynh an tâm vào kỳ nghỉ hè của con em mình. Chưa kể thông qua hoạt động này, trường học đã thực sự trở thành một sân chơi bổ ích cho HS, giúp các em có không gian vừa chơi vừa học thông qua các hoạt động tập thể thiết thực, bổ ích…

Mở cổng trường trong... hè

Trại hè “Siêu nhân xanh lá”

Dù chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng trại hè “Siêu nhân xanh lá” do Green Hero - một tổ chức phi lợi nhuận tại Đà Nẵng tổ chức tại Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) thực sự là câu chuyện mùa hè do chính các em HS tiểu học viết nên với những hoạt động bổ ích và đầy ý nghĩa.

Thông qua các trò chơi qua từng chặng, HS được xây dựng ý thức ban đầu về tác hại của rác thải nhựa với đời sống, môi trường và những cách giảm thiểu, hạn chế rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng tổ chức các hội trại trong mỗi mùa hè, như một món quà chào mùa hè thật đặc biệt dành tặng cho HS của trường, với nhiều trò chơi hấp dẫn, thu hút các em HS như: Đổ nước vào chai, tiểu đội chung sức, truy tìm báu vật, chuyền bóng, hóa trang, văn nghệ, phát thanh viên, truyền tin nhanh…

Trước khi bàn giao HS về sinh hoạt hè tại địa phương, các trường học trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), thông qua hệ thống sổ liên lạc điện tử, đã thông báo lịch sinh hoạt hè cho phụ huynh HS được biết. Ngay sau Ngày hội vào hè, đều đặn vào 2 giờ chiều Chủ nhật hàng tuần, sân Trường Tiểu học Núi Thành luôn đông vui, rộn tiếng cười bởi các nội dung sinh hoạt hè theo cụm đầy thú vị do các anh chị đoàn viên phường Hòa Cường Bắc đảm trách.

HS các Trường Tiểu học Núi Thành, THCS Tây Sơn, THPT Nguyễn Hiền trên địa bàn phường được hướng dẫn các kỹ năng Đội, trò chơi lớn, trò chơi nhỏ, trang bị cho HS các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự ứng phó, phòng vệ cho bản thân.

Không những thế, các em còn được học làm diều, chơi thả diều, múa dân vũ, chơi trò giải mật thư đầy háo hức và say mê… Những HS ở độ tuổi THPT, THCS có thể tham gia đội múa dân vũ, múa flashmob, các đội kỹ năng sống… cũng do Đoàn phường đảm trách.

Cân bằng tâm lý cho HS

Cùng với việc cho HS nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, Đà Nẵng đã thực hiện mở cổng trường trong dịp hè từ 3 năm nay, khuyến khích các trường mở các CLB như võ thuật, âm nhạc, cầu lông, bóng bàn để thu hút HS tham gia rèn luyện văn thể mỹ; mở rộng các thiết chế văn hóa trong trường học được xem là hướng mở trong điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng mang tính tập thể cao dành cho HS trong dịp hè đang thiếu trầm trọng như hiện nay.

Ngành GD-ĐT cũng khuyến khích các trường có điều kiện tổ chức các lớp ôn tập văn hóa tại trường theo đúng quy định của UBND TP Đà Nẵng.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, nhiều phụ huynh thành phố cho biết cũng rất mong muốn con được học hè theo kiểu vừa học vừa chơi, nếu có thể thì kết hợp thêm các môn năng khiếu, rèn luyện thể thao hoặc các lớp kỹ năng sống trong một môi trường thật sự an toàn, lành mạnh và học phí phải ở mức hợp lý.

Bà Lữ Thị Kim Hoa - Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) - cho biết, để HS có một kỳ nghỉ hè bổ ích, thú vị, giúp các em được tự chơi, tự học và trưởng thành qua việc chơi và giao lưu, tự xử lý các tình huống với bạn bè, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS đến vui chơi, học tập.

Tùy theo điều kiện của mình, các trường có thể tổ chức cho các em tham gia các môn năng khiếu, bơi lội, thể dục – thể thao, các trò chơi dân gian… Ở những trường chưa trang bị được bể bơi, Phòng GD&ĐT khuyến khích ban giám hiệu nhà trường kêu gọi xã hội hóa các bể bơi di động để trang bị kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho HS.

Nói về chủ trương mở cổng trường hè, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - chia sẻ: “Chúng tôi không yêu cầu HS phải đến trường trong dịp hè, mà chỉ muốn chỉ ra rằng dịp hè, các em có thể đến trường vui chơi và xem đó như là một sân chơi của mình. Trường học không phải chỉ là nơi đầy áp lực học hành, thi cử. Đó cũng là sân chơi cho mọi người dân có nhu cầu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ