Lấp lánh màu huy chương

GD&TĐ - Trong tháng 7, liên tiếp các tin vui được báo về từ nhiều đoàn HS thi Olympic quốc tế. Đáng chú ý là thành tích rất đặc biệt của một số HS trên bảng vàng huy chương, đánh dấu những lần đầu tiên quý giá trong lịch sử tranh tài tại sân chơi trí tuệ thế giới của HS Việt Nam.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mới đây, tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 51 tổ chức tại Cộng hòa Pháp, đội tuyển Việt Nam có 4/4 thí sinh dự thi đoạt huy chương với 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Thành tích này đưa đội tuyển Việt Nam đứng thứ 5/80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự cuộc thi, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.

Đặc biệt, lần đầu tiên thí sinh Việt Nam đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, đó là HS Nguyễn Văn Chí Nguyên (lớp 12, Trường THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đạt 90,71/100 điểm, giành Huy chương Vàng. Kỳ thi cũng ghi dấu lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có HS tham gia đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Hóa học quốc tế, xuất sắc giành được Huy chương Bạc.

Còn các thí sinh Việt Nam dự thi Olympic Vật lí quốc tế cũng vừa trở về nước với thành tích tốt nhất trong lịch sử: 3 HCV, 2 HCB. Đội tuyển Việt Nam được xếp hạng 4/78 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng tổng sắp. Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam đạt thứ hạng cao như vậy trong 36 lần tham dự Olympic Vật lí quốc tế. Nữ sinh Thanh Hóa - Nguyễn Khánh Linh đoạt thành tích kép: Huy chương Vàng và giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic.

Phân tích của Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) về thành tích của đội tuyển tham gia Olympic Hóa học quốc tế 2019, kết quả đã thể hiện sự tiến bộ, trong đó có thực hành, thí nghiệm vốn chưa phải là thế mạnh của nước ta so với các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là sự chuyển biến tích cực hiệu quả của công tác đào tạo các môn thực nghiệm nói chung, môn Hóa học nói riêng trong những năm gần đây.

Tại cuộc thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) tổ chức tại Vương quốc Anh, cả 6 HS Việt Nam dự thi đều đoạt giải cao với 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, đưa đội tuyển Việt Nam tiến 13 bậc so với IMO năm 2018, lọt vào top 10 đội mạnh nhất thế giới. 4 HS dự thi Olympic Sinh học quốc tế 2019 cũng đều đoạt giải, với 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Các em đã tiếp tục duy trì được thành tích cao của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu này.

Còn nhiều nữa những thành tích của HS Việt Nam trên các đấu trường trí tuệ thế giới. Những lần đầu tiên của các em tại kỳ thi này cho thấy chất lượng HS tham dự đội tuyển ngày càng được nâng cao. 

Thành tích đáng nể của HS Thanh Hóa, Yên Bái, Nghệ An, Phú Thọ... cho thấy nỗ lực vượt bậc của các HS, đồng thời chứng tỏ sự đầu tư bài bản, có chiều sâu của các tỉnh, thành cho giáo dục mũi nhọn bậc phổ thông. Không chỉ là công sức phát hiện, lên kế hoạch đào tạo từ hệ thống các trường năng khiếu, trường chuyên, mà còn là sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất của các chính quyền địa phương để HS có cơ hội thực hành, thí nghiệm... không bỡ ngỡ khi “chinh chiến” tại các giải đấu Olympic quốc tế. Gia đình của mỗi HS cũng có đóng góp đặc biệt khi luôn động viên, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu, giúp các em đến đích thành công.

Trên tất cả, kết quả đáng tự hào của HS Việt Nam trong các cuộc thi Olympic quốc tế 2019 cho thấy hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hạn của ngành GD-ĐT. Việc kiên trì đổi mới GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, duy trì chất lượng GD đại trà đã tạo cơ sở vững chắc cho nâng cao chất lượng GD mũi nhọn, giúp chọn ra được những HS xuất sắc. Những viên ngọc thô này được nâng niu, mài giũa trong nhà trường đã tỏa sáng lấp lánh màu huy chương, ghi dấu ấn sức trẻ tài năng Việt Nam trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.