Khi Lịch sử không chỉ nằm trong trang sách

GD&TĐ - Với quan niệm Lịch sử là một câu chuyện và câu chuyện ấy chỉ trở nên hấp dẫn khi HS nhận biết được quá khứ đang tồn tại trong hiện tại và còn hiện diện ở tương lai, nhiều trường học, từ BGH cho đến giáo viên (GV) bộ môn Sử, đã có nhiều động thái để nâng cao chất lượng dạy - học môn Sử.

Khi Lịch sử không chỉ nằm trong trang sách

Như những trang sách mở

Giữa sân trường Trường Tiểu học Hướng Phùng (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) có một mô hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ các quần đảo, cạnh đó là bức tranh Thánh Gióng và nhà sàn Bác Hồ, tất cả đều được ghép bằng đá cuội.

Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Đối với HS tiểu học, ngoài kiến thức từ sách vở thì những hình ảnh trực quan sinh động sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục”. Để hoàn thành các mô hình trên, từ giữa năm 2014, cứ vào ngày nghỉ, thầy trò Trường Tiểu học Hướng Phùng lại cùng nhau ra con suối gần trường, nhặt nhạnh từng hòn đá cuội.

Có được mô hình chuẩn, thầy trò lại tỉ mỉ với công việc gắn đá cuội, chăm chút từng khóm cây xanh tạo nên bản đồ Tổ quốc mến yêu đầy sinh động ngay giữa sân trường. Sau bản đồ Tổ quốc, nhà sàn Bác Hồ và tượng Thánh Gióng, nhà trường tiếp tục hoàn thiện mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa xây dựng bằng nhựa mica ngay trước lối chính của dãy trường học.

Giải thích về những nỗ lực của tập thể GV nhà trường, thầy Nguyễn Mai Trọng tâm sự: “Tôi muốn bồi đắp cho HS tình yêu Tổ quốc, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho HS bằng những bài học lịch sử, địa lý trực quan sinh động. HS của chúng tôi hứng thú hơn khi học những bài học lịch sử của dân tộc mình, về truyền thống lịch sử của cha ông.

Nếu mình cứ dạy học trò trên sách vở mà không tạo điều kiện cho các em hình dung về thực tế thì những bài học dù căn bản đến đâu cũng khó đọng lại trong trí nhớ các em. Tình yêu Tổ quốc phải bắt nguồn từ sự tường tận về lịch sử của quê hương, đất nước”.

Có lẽ vì vậy mà trong khuôn viên Trường Tiểu học Hướng Phùng còn có một ngôi nhà sàn theo đúng truyền thống của đồng bào vùng cao, như là một nỗ lực lưu giữ lại những nét văn hóa riêng biệt đang dần bị mai một.

Thầy Trọng chia sẻ: “Khoảng thời gian công tác hơn 20 năm ở vùng cao Quảng Trị, từ xã Thanh, A Xing ở vùng Lìa rồi đến Hướng Phùng, tôi đã chứng kiến nhiều sự đổi thay, đời sống kinh tế của đồng bào ngày càng được cải thiện, thế nhưng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc thì dần mai một với thời gian. Và tôi ấp ủ việc phục dựng ngôi nhà sàn theo đúng nguyên mẫu nhà sàn truyền thống của đồng bào cũng như sưu tập, trưng bày những hiện vật gắn với nếp sinh hoạt, văn hóa, để vừa là lưu giữ nhưng cũng góp phần giới thiệu cho HS hiểu hơn về văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình.

Muốn gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Bru – Vân Kiều thì phải làm sao để nó bám rễ sâu vào chính mỗi thành viên trong cộng đồng, nhất là những người trẻ, như cây rừng bám rễ sâu vào đất rừng thì mới tạo nên màu xanh của đại ngàn”.

Những nỗ lực, tâm huyết của thầy Trọng cùng đồng nghiệp đã được đồng bào ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Ngày làm lễ khánh thành nhà sàn, rất đông bà con Bru - Vân Kiều có mặt từ sớm để tham dự. Nhiều người mang theo cả các hiện vật đến tặng.

Như chiếc tẩu thuốc bằng đất sét được già làng AChoãiq P-Rỉa, ở thôn Xa Ry lưu giữ hơn 40 năm, xem như là kỷ vật của gia đình cũng được tặng lại cho nhà trường: “Nhiều người còn đòi đổi cả con lợn nửa tạ nhưng già không đổi. Nay già tặng lại cho trường để giữ gìn và giới thiệu đến các cháu HS”. Hơn 40 hiện vật như gùi, a chói, khèn, tẩu thuốc, áo thổ cẩm… giúp HS hiểu hơn những đặc trưng văn hóa, nếp sinh hoạt của chính đồng bào mình.

Làm mới những bài học lịch sử

Dạy về lịch sử hình thành các cộng đồng kinh tế ở châu Âu (Lịch sử lớp 9), khi nói về thị trường chung châu Âu, cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh (Trường THCS Trần Quý Cáp, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi với học trò: Việc nước Anh rút khỏi EU là có nên không, với cả hai phía nhân dân Anh và chính phủ Anh? Và tác dụng lớn nhất của Liên minh châu Âu với kinh tế thế giới thể hiện ở những mặt nào?

Thật bất ngờ là những em học trò lớp 9 trả lời rất đúng ý, tất nhiên là chưa đầy đủ như câu trả lời của các chuyên gia. Nhưng để trả lời được câu hỏi của cô giáo, các em buộc phải đọc báo, xem tivi, phải biết diễn biến tình hình kinh tế - xã hội hiện nay như thế nào… Chưa hết, từ EU, cô Minh lái sang mái nhà chung ASEAN, để xem những điểm tương đồng, những khác biệt mà Việt Nam là một chủ thể trong đó.

Theo cô Kim Minh, môn Lịch sử không có gì gò bó, HS học với cô được thảo luận thoải mái và không cần nói như trong sách. Cô quan điểm lịch sử là một câu chuyện nên mọi vấn đề cô đưa ra là vấn đề mở, để các em suy nghĩ và đưa ra quan điểm về vấn đề đó.

Trong một nỗ lực khác, ngành GD&ĐT Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng từ 3 năm nay đã phối hợp triển khai Chương trình “Giờ học ngoại khóa” với nhiều chủ đề cho các trường học lựa chọn phù hợp với từng bậc học. Thông qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày, HS sẽ có những giờ học sinh động và hấp dẫn.

Từ 10 chủ đề của năm học 2014 – 2015, năm học này, Bảo tàng Đà Nẵng tăng lên 12 chủ đề liên quan đến các nội dung trưng bày của Bảo tàng và chuyên đề về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dành cho đối tượng HS các cấp trên địa bàn thành phố. Từ tháng 9 - 10/2016 đã có 8 trường, 881 HS tham gia 19 buổi học ngoại khóa ở đây.

Thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho rằng, việc ngành Giáo dục Đà Nẵng đưa phần giáo dục lịch sử Đà Nẵng vào chương trình chính khóa dành cho HS, muốn giúp các em hiểu kỹ hơn về mảnh đất quê hương nơi mình đang sống. Hiểu và yêu quê hương, mới mong các thế hệ tương lai hiểu và yêu đất nước. Nhờ đó, những chủ đề tại các buổi học ngoại khóa mà Bảo tàng Đà Nẵng mới đưa vào sẽ là bài học để các em nắm và muốn có cơ hội tìm hiểu về quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ