Khẳng định Giáo dục Thể chất không phải là "môn phụ"

GD&TĐ - Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam sẽ có sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất. Đây là điều cần thiết giúp nâng cao chất lượng môn học này, xóa quan niệm Giáo dục thể chất chỉ là một môn học phụ.

Khẳng định Giáo dục Thể chất không phải là "môn phụ"

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Đã là môn học bắt buộc trong chương trình thì cần phải có sách giáo khoa.

Theo TS Đặng Ngọc Quang - Chủ biên chương trình môn giáo dục thể chất, việc có sách giáo khoa cho môn học này là điều đương nhiên. Chương trình môn học là chương trình khung nên không thể cụ thể tới nội dung chi tiết, do vậy tất cả các môn phải có sách giao khoa để cụ thể hóa chương trình đó và làm tài liệu học tập cho học sinh.

Giáo dục thể chất lâu nay đã đưa vào môn học chính khóa, bắt buộc, nhưng chưa được coi trọng đúng mức, chỉ có sách giáo viên. Lần đổi mới này đã xác định lại tầm quan trọng của môn học nên buộc học sinh phải có tài liệu để nghiên cứu.

Lý giải về sự ra đời của sách giáo khoa Giáo dục thể chất, GSTS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng: Hiện nay Giáo dục thể chất chưa được chú trọng trong các nhà trường và thường bị xem là môn phụ.

Đây là môn học trong bốn lĩnh vực cốt yếu đức, trí, thể, mỹ nhưng trong các nhà trường lại chỉ là môn rất phụ, với những bài học thể dục như nhau được áp dụng cho mọi học sinh. Vì thế, môn Giáo dục thể chất đa phần được gọi với tên môn Thể dục. Đây cũng là môn duy nhất không có sách giáo khoa.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc có sách giáo khoa sẽ giúp môn học có sự công bằng hơn với các môn học khác. Đặc biệt, Giáo dục thể chất trong chương trình mới có nhiều sự thay đổi.

Không chỉ dừng lại ở tập các động tác thể dục nhưng trước đây, học sinh được học cách chăm sóc sức khỏe, nề nếp sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức khỏe.

Các em học sinh cũng lựa chọn các môn học phù hợp với sức khỏe. Vì vậy, việc có sách giáo khoa là cần thiết để chuyển tải các nội dung chương trình đến học sinh.

Từ góc độ thực tế giảng dạy, thầy Dương Minh Dũng- giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) nhận định: Việc có sách giáo khoa sẽ tốt hơn cho giáo viên và học sinh.

Học sinh sẽ hiểu hơn môn Giáo dục thể chất tốt cho các em như thế nào. Bên cạnh đó, nhiều nội dung nếu có phần lý thuyết sẽ tốt hơn là không có như hiện nay.

Còn thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nhiều người đã có quan niệm sai lầm khi xem nhẹ môn học Giáo dục thể chất trong khi đáng ra phải là môn học quan trọng vì góp phần tạo nên sức khỏe, thể lực cho học sinh, có sức khỏe tốt mới có thể học tập tốt.

Nếu nói thể dục là môn học không cần sách là không đúng. Thầy cô nói trên lớp các em sẽ mau quên. Có sách, các em sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn.

Do đó, sách Giáo dục Thể chất là cần thiết. Vấn đề là cách viết như thế nào để ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu giúp học sinh nắm bắt tốt hơn kỹ thuật các động tác để đạt hiệu quả khi vận động thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.