Hướng nghiệp không chỉ là tư vấn

GD&TĐ - Hướng nghiệp sau THPT là vấn đề mà không chỉ các nhà trường, thầy cô giáo mà các chuyên gia GD luôn quan tâm đặc biệt. Hướng nghiệp cho HS theo sở thích của các em hay hướng đến nghề nghiệp lâu dài, hướng nghiệp sao cho đạt hiệu quả cao, tránh việc học không đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng nghiệp không chỉ là tư vấn

Hướng nghiệp cần có tính liên tục

PGS.TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Viện ĐH Mở Hà Nội, cho rằng: “Tâm lý chung của người Việt Nam là ham học, nên việc cố gắng theo học lên ĐH là khá phổ biến. Tuy nhiên, theo học ĐH theo sở thích của mình, nên học lên ĐH hay học nghề, chắc chắn nhiều HS còn phân vân sau 12 năm đèn sách.

Thực tế cho thấy, không dễ gì thay đổi tâm lý chung là lựa chọn học ĐH luôn là mục tiêu hàng đầu, sau đó mới là CĐ hay học nghề. Thứ đến nữa là nên chọn ngành nghề theo sở thích hay cơ hội nghề nghiệp lâu dài. Với các bạn trẻ, trả lời câu hỏi này không phải dễ dàng. Hiểu điều đó, Viện ĐH Mở chúng tôi ngay khi nhập học cho sinh viên vẫn tiếp tục tư vấn, hướng các em tìm hiểu đầy đủ hơn về ngành học mình chọn, để các em có sự yêu thích và phấn đấu học tập tốt”.

Đúng là có một thực tế đang diễn ra, nhiều bạn trẻ vào giảng đường ĐH với sở thích hoặc những tính toán nghề nghiệp sau này cho mình. Tuy nhiên, nhiều người đã có thay đổi sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp, kể cả HS ra trường rẽ ngoặt theo nghề khác ngành học. Điều đó dẫn đến thực thế có cả những người không hề sử dụng đến bằng ĐH trong quá trình làm việc về sau.

Lý giải của PGS.TS Nguyễn Mai Hương nói lên một điều, có thể sở thích và định hướng nghề nghiệp thay đổi, nhưng về phía nhà trường, việc tiếp tục tư vấn, hướng nghiệp để sinh viên thêm hiểu và có niềm yêu thích với ngành nghề mình lựa chọn cần có tính liên tục, chứ không chỉ là những năm phổ thông. “Sở thích ngành nghề có thể thay đổi, nhưng nghề nghiệp lâu dài thì cần được định hướng vì nếu định hướng tốt gắn với sở thích sẽ giúp sinh viên yêu thích và nỗ lực học tập, đây sẽ là nền tảng để các bạn tiếp thu kiến thức đáp ứng tốt công việc sau này.

Phụ huynh và HS cũng cần chủ động

Gây áp lực cho con để hướng con cái học các trường, ngành nghề theo ý mình là việc làm cần tuyệt đối tránh đối với các bậc phụ huynh. Theo các nhà giáo dục, đôi khi phụ huynh nghĩ rằng, trẻ chưa có hiểu biết đầy đủ, nhiều khi cần phải áp đặt để cho con có động lực thì mới đạt được kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, thực tế là kết quả tốt đẹp đâu không thấy mà chỉ là ám ảnh nỗi lo “học cho bố mẹ” chứ không phải học cho chính mình. Và đây chính là gánh nặng cha mẹ đè lên vai khiến nhiều bạn trẻ mất kiểm soát, không còn khả năng tập trung, chắc chắn là việc học của các em sẽ không hiệu quả, chưa nói đến việc có em còn rơi vào trạng thái lo âu trầm cảm.

Tâm sự của nhiều bạn trẻ mới bước chân vào giảng đường ĐH năm nay cũng như các SV đã tốt nghiệp ĐH và có việc làm đều cho rằng, nghe lời khuyên của bố mẹ và các thầy cô giáo là việc cần thiết. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này các em cũng không còn quá nhỏ để nhận thấy những yêu cầu của bố mẹ quá sức mình. Mỗi người cần phải nhận thức việc định hướng ngành nghề là phải xuất phát từ bên trong bản thân, gắn với sở thích là một chuyện nhưng phải là nghề nghiệp ổn định lâu dài sau này. Mọi ý kiến bên ngoài chỉ là tham khảo, tránh bị dẫn dắt rồi đi đến quyết định sau này lại phải thay đổi. Thêm nữa, nhiều em cũng cho rằng, những sở thích đam mê một ngành học nào đó nhiều khi chỉ là nông nổi của tuổi trẻ, cứ nỗ lực học tập thật tốt, ra trường cơ hội việc làm thuận lợi sẽ là đích đến lâu dài của mỗi người.

Lo lắng sẽ theo học ngành nào, việc làm có dễ kiếm không là điều dễ cảm thông với các em HS cuối cấp. Hơn ai hết, các thầy cô giáo hiểu rõ điều đó và thực tế là công tác hướng nghiệp cho HS ở các trường THPT thời gian qua hoạt động rất hiệu quả. Những lý lẽ và bằng chứng thuyết phục khiến HS yên tâm, phấn đấu học tập đạt kết quả cao trúng tuyển vào các trường ĐH theo sở thích và nguyện vọng.

Những lựa chọn sáng suốt từ tư vấn của các thầy cô giúp các em yêu thích và say mê với ngành nghề mình lựa chọn, nỗ lực học tập, tốt nghiệp trở thành những kỹ sư, cử nhân giỏi đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Đây là lời giải cho câu hỏi ngày một nhiều doanh nghiệp tham gia các hội chợ việc làm tuyển dụng trực tiếp sinh viên, đã đánh giá cao khả năng đáp ứng của các sinh viên và gửi yêu cầu tuyển dụng trực tiếp với các trường.

Hướng nghiệp cho HS phổ thông để giúp HS có cơ hội nghe sự hướng dẫn từ các chuyên gia và quyết định hướng đi cho tương lai là việc làm được Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định luôn coi trọng. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng: Xác định đây là việc làm cần thiết, trong cả năm học chúng tôi luôn yêu cầu các trường THPT tổ chức chương trình tư vấn, tham quan, tìm hiểu trường, giúp các em HS tiếp cận và khám phá bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Các thầy cô giáo phải là người bạn, sẻ chia tâm sự với HS để khuyên giải cho các em thích hoặc không hợp với ngành nghề nào, để em đó cân nhắc có nên chọn hay không. Nếu gia đình khó khăn, các em hãy tạm gác sở thích nào đó học tiếp để kiếm sống rồi khi đã ổn định sẽ tìm đến đam mê sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.
AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.