Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam

GD&TĐ - Đây là chủ đề Hội thảo do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với ĐHQG TPHCM tổ chức ngày 8/6. 

Ban Chủ tịch đoàn tại Hội thảo hội nhập quốc tế troong quá trình đổi mới GDĐH Việt Nam
Ban Chủ tịch đoàn tại Hội thảo hội nhập quốc tế troong quá trình đổi mới GDĐH Việt Nam

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, lãnh đạo ĐHQG TP HCM, các nhà khoa học từ các trường đại học lớn trong và ngoài nước.

Hội nhập thành công, phải tháo cơ chế tài chính

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội thảo

Trong quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay, vấn đề hội nhập quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhất là khi thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sắp đến gần. 

Trong những năm qua, giáo dục Việt Nam đã có những bước chuyển mình, ra đời Luật GDĐH với tư tưởng xuyên suốt là tự chủ đại học, luật hóa việc phân tầng xếp hạng đại học, quy định về đại học vì lợi nhuận và phi lợi nhuận…

Chính phủ chuẩn y nhiều dự án như xây dựng các trường đại học xuất sắc, đề án đào tạo cán bộ nước ngoài bằng Ngân sách Nhà nước, đề án giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiều chương trình liên kết giữa đại học Việt Nam và nước ngoài được thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài đã được phép hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, GD ĐH Việt Nam còn chưa hội nhập sâu và rộng vào nền giáo dục thế giới, điều này gây khó khăn cho sinh viên và người lao động khi làm việc và học tập ở nước ngoài. Sinh viên Việt Nam khi ra trường kém thua so với sinh viên các nước trong khu vực về sự nhạy bén, tính thích nghi. 

Nguyên nhân được phân tích là từ chi phí đào tạo thấp dẫn đến nhiều hệ lụy trong đào tạo toàn diện, nâng cao năng lực thực hành và phát huy năng lực sáng tạo của sinh viên. Chi phí đào tạo mỗi sinh viên mỗi năm bình quân chưa tới 500 đô la Mỹ, quá khiêm tốn so với các nước phát triển thậm chí là với các nước đang phát triển trong khu vực.

Theo GS Lâm Quang Thiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, mục tiêu chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8, khóa 11 ĐCSVN về giáo dục đã lưu ý “tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại”. 

Chính vì thế, trong tình trạng hiện nay của GDĐH nước ta, GS Thiệp cho rằng ý tưởng tạo dựng cho mình một hệ thống đẳng cấp thế giới về GDĐH là rất đúng đắn. 

Tuy nhiên, hệ thống GDĐH cần học tập hai ý tưởng quan trọng từ nền GDĐH Hoa Kỳ đó là phân tầng hệ thống GDĐH và quản lý đầu tư nghiên cứu để công tác hội nhập được nhanh hơn. Ngoài việc xây dựng một vài trường ĐH đẳng cấp thế giới, nước ta cần chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng một hệ thống đẳng cấp thế giới về GDĐH, hiểu theo nghĩa là một hệ thống GDĐH mạnh, có nhiều tầng bậc, mỗi tầng bậc làm tốt sứ mạng và chức năng của mình. 

Đứng ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng để hội nhập nhanh và thành công, hệ thống GDĐH cần phải tháo được “nút thắt cổ chai” trong việc đổi mới chính sách, cơ chế tài chính. Hiện ngân sách nhà nước cấp và mức thu học phí không tạo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập với các nước trong khu vực.

"Do đó, giải quyết được bài toán về tài chính là một trong các giải pháp quan trọng để đổi mới GDĐH. Đồng thời, việc giao quyền tự chủ nhiều hơn, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, đẩy mạnh phân cấp, phân tầng giữa các cơ sở đào tạo, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng nhằm tạo động lực và tính chủ động cho việc hội nhập” - PGS.TS Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS Phạm Phụ - ĐH Bách Khoa TPHCM cho rằng: Để giái quyết tốt vấn đề hội nhập GDĐH Việt Nam cần phải giải quyết tốt 3 vấn đề: Chi phí đơn vị hợp lý (mức đầu tư cho SV), chia sẻ chi phí (các nguồn tài chính cho GDĐH) và công bằng xã hội (cơ hội học tập giữa các SV). 

Để có nguồn nhân lực trình độ cao có chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, có lẽ không thể không có cải cách tài chính trong GDĐH.

Hội nhập quốc tế không thể… đại trà

Các đại biểu tại hội thảo về đổi mới và hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam
 Các đại biểu tại hội thảo về đổi mới và hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Đổi mới GDĐH, nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế hay bất cứ vấn đề gì, điều cốt lõi nhất, trọng yếu nhất chính là phải đổi mới được tư duy. Trong đó, tư duy hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục dịch chuyển từ chỗ dàn hàng ngang, e ngại sự chênh lệch lớn, công bằng giản đơn ít hiệu quả sang tư duy chọn trọng tâm, trọng điểm, chấp nhận bước tiến so le, coi trọng hiệu quả trong so sánh quốc tế là quan trọng nhất. 

Đặc biệt, việc chuyển dịch từ tư duy xem xét thành tựu trong sự hạn hẹp đối chiếu với quá khứ của riêng mình sang tư duy so sánh chất lượng với trình độ, chuẩn mực quốc tế là chìa khóa để xóa bỏ sự tồn tại tư duy trọng hình thức, trọng số lượng, nhẹ thực chất, lấn át hiệu quả - chất lượng trong hội nhập, hợp tác quốc tế.

Theo PGS.TS Trần Chí Đáo, hội nhập quốc tế không chỉ hội nhập về khoa học giáo dục đào tạo, về phương pháp đào tạo, về tổ chức nhà trường, tổ chức quá trình đào tạo. Mà còn xem đầu tư và chi tiêu, cơ chế quả lý nhà trường, mối quan hệ quản lý giữa nhà nước và trường ĐH. Cùng đó, cũng cần có chọn lọc khi hội nhập quốc tế. 

TS Trần Đình Châu - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng HĐQGGD cho rằng: Để hội nhập thành công, tạo nên một hệ thống GDĐH chất lượng, đẳng cấp, các trường nên chủ động trong khai thác phong cách học tập của mỗi sinh viên. 

"Không có cỡ áo nào vừa cho tất cả mọi người, mỗi người có cách học như dấu vân tay nên giảng viên cần lưu ý đến điều này để phát huy cao độ trí tuệ. Chú ý tổ chức hoạt động huấn luyện “thầy giảng ít đi để sinh viên học nhiều hơn” và phải tạo ra khoảng trống để SV tư duy, sáng tạo và hội nhập quốc tế…Có như thế, việc xây dựng một ĐH chất lượng, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí đầu ra, kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế mới đạt hiệu quả cao - TS Châu phát biểu.

GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TPHCM - nhận định: Khu vực hóa và toàn cầu hóa trong giáo dục là xu thế không thể đào ngược. Nhưng sự thành công của mỗi nền giáo dục trong quá trình này không đồng đều, mà phụ thuộc nhiều vào năng lực nội tại của các quốc gia để có thể hội nhập một cách chủ động. 

Không thể phủ nhận sự cố gắng vận động của cả hệ thống GDĐH Việt Nam trong việc hội nhập thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn và thực tế việc hội nhập vẫn còn khá cào bằng, mạnh trường nào trường ấy làm. Do đó, việc cần làm và điều chỉnh ngay chính là củng cố hoạt động chuyên môn và cơ chế quản lý tại các trường và toàn hệ thống.

Để đẩy nhanh hội nhập quốc tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐTB&XH khẩn trương xây dựng Khung trình độ quốc gia, hoàn thiện Nghị định phân tầng xếp hạng các trường ĐH, điều chỉnh lại cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp tương thích với các nước trên thế giới, xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 73 để khuyến khích các trường đại học nước ngoài, các tổ chức quốc tế có uy tín đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ chế chính sách thu hút các nhà khoa học, giảng viên nước ngoài về Việt Nam. 

Bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách của nhà nước khuyến khích phát triển hợp tác quốc tế, các trường ĐH cần chủ động tạo mọi điều kiện cần thiết để mở rộg giao lưu, tra đổi SV, GV với các đối tác nước ngoài; tăng cường hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường ĐH có uy tín của các nước trong khu vực, đẩy mạnh việc thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế…

Hy vọng qua hội thảo các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế sẽ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nhằm phát huy thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức giúp cho quá trình hội nhập quốc tế của nền GDĐH Việt Nam được hiệu quả, thiết thực.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ