Học trực tuyến cũng phải an toàn

GD&TĐ - Bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tuyến tại nhà được các nhà trường, ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm; đặc biệt sau sự việc một học sinh tiểu học ở Hà Nội tử vong khi học trực tuyến.

Các thiết bị phục vụ việc học của trẻ cần được phụ huynh quan tâm kiểm tra. Ảnh minh họa
Các thiết bị phục vụ việc học của trẻ cần được phụ huynh quan tâm kiểm tra. Ảnh minh họa

Không thể thiếu vai trò của gia đình

Bên cạnh hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên của giáo viên, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi học trực tuyến tại nhà. Liên quan đến nội dung này, ngày 13/9, Hệ thống Giáo dục Vinschool gửi đến phụ huynh 9 lưu ý để bảo đảm an toàn thể chất cho học sinh trong quá trình học online.

Theo đó, lưu ý đầu tiên là học sinh nên ngồi học ở chỗ có ánh sáng tốt, yên tĩnh để bảo đảm tập trung. Khi học, không nên đặt laptop lên bụng; không nên nằm khi học bằng điện thoại. Nhà trường lưu ý cha mẹ nên chọn bàn ghế phù hợp với chiều cao để học sinh ngồi học được thoải mái, tránh những bệnh về cột sống.

Nên đặt thiết bị điện tử ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt để giúp giảm áp lực cho đôi mắt; đồng thời luôn giữ thiết bị cách mắt tối thiểu 50cm. Học sinh cần nhờ người lớn cắm sạc máy tính; không tự cắm sạc vào ổ điện khi không có người lớn trợ giúp và tuyệt đối không cắm các vật lạ vào ổ điện.

Cha mẹ nên đậy nắp các ổ điện, hoặc dán lời cảnh báo để các con chú ý. Không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin. Học sinh nên nghỉ giải lao giữa các tiết học để thư giãn mắt, kết hợp với động tác thể dục nhẹ nhàng để cơ thể không bị mỏi.

Tại Bắc Ninh, thông tin từ ông Phí Hữu Quynh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT, từ ngày 15/9 địa phương sẽ có một số khối lớp đi học trở lại, một số khối lớp vẫn học trực tuyến. Riêng với dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả, chất lượng và an toàn; đảm bảo linh hoạt, vừa sức và phù hợp với tâm sinh lý học sinh.

Theo đó, dạy không quá 1 tiết/ngày đối với học sinh lớp 1; không quá 2 tiết/ngày đối với học sinh lớp 2 và không quá 3 tiết/ngày đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Lựa chọn môn học, nội dung dạy học cốt lõi, căn bản; xây dựng thời khóa biểu, thời gian, thời điểm dạy học trực tuyến phù hợp với thực tế nhà trường và điều kiện của cha mẹ học sinh từng lớp.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT lưu ý giáo viên, nhà trường thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh trong tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó chú ý hướng dẫn và quản lý học sinh sử dụng thiết bị an toàn và hiệu quả; có các biện pháp hỗ trợ đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi học trực tuyến.

Tại Thừa Thiên - Huế, chia sẻ của Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, Sở GD&ĐT đã tổ chức họp trực tuyến toàn ngành với 3 nội dung chính: Rà soát việc tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, đánh giá sau 1 tuần triển khai dạy học qua các hình thức này. Tiếp đó hướng dẫn an toàn trong dạy học khi học sinh học tại nhà, đặc biệt an toàn điện, an toàn an ninh mạng và bảo mật thông tin. Thứ ba, triển khai cuộc vận động “Sóng và máy tính cho em”, trên cơ sở một số nội dung đã triển khai trước đó.

Bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tại nhà.
Bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tại nhà.

Học sinh cần được hướng dẫn, dặn dò kỹ

Vì học trực tuyến có sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ nên cần phải có những lưu ý khi sử dụng. Học sinh phải được tập huấn dặn dò kỹ, nhất là đối với tiểu học. Nhấn mạnh điều này, TS Tôn Quang Cường, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Bảo đảm an toàn trước hết từ khâu lắp đặt, kết nối thiết bị học tập ở nhà. Việc này phải do cha mẹ học sinh thực hiện để đúng cách, an toàn, phù hợp và thuận lợi cho học sinh.

Đối với các thiết bị mới mua về sử dụng, bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện của nhà sản xuất. Ngoài ra, phải lưu ý kết nối thiết bị với hệ thống điện lưới bảo đảm an toàn, chống điện giật, cháy nổ; bố trí góc học tập an toàn trong nhà, đường dây điện, ổ cắm điện phải an toàn; tránh xa các nguồn ánh sáng quá mạnh, nguồn nhiệt cao…

Một loạt từ “không” được TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh: Không để điện thoại hay laptop gần cửa sổ khi trời quá nắng, hay gần khu bếp…; không cắm nguồn sạc pin điện thoại hay laptop cùng lúc với nhiều thiết bị khác trong cùng ổ điện; tuyệt đối không dùng thiết bị di động có kết nối khi đang có sấm sét; không sử dụng điện thoại thông minh để học tập liên tục trong lúc cắm nguồn sạc pin; không nên dùng laptop vừa sạc vừa học (trong trường hợp pin bị chai thì phải có giám sát của cha mẹ học sinh hoặc người lớn, bảo đảm kết nối đường điện an toàn…).

“Đầu mỗi buổi học, giáo viên nên có hoạt động kiểm tra nhắc nhở, tạo thói quen tốt cho học sinh. Cần thực hiện các thao tác đóng/mở, bật/tắt thiết bị đúng cách, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa giữ tuổi thọ cho thiết bị. Khi thấy thiết bị nóng bất thường phải tắt ngay để kiểm tra hoặc cho thiết bị dừng hoạt động để hạ nhiệt.

Cùng với đó, cần lưu ý sử dụng thiết bị kết hợp với tư thế ngồi phù hợp: Tránh các bệnh liên quan đến thị giác (cận thị, mệt mỏi khi nhìn màn hình quá lâu gây buồn nôn, chóng mặt), gây đau cột sống cổ và các khớp ngón tay, cổ tay. Tuyệt đối không để thiết bị trên đệm gây bí tỏa nhiệt, dẫn đến nóng mặt phía dưới; không để thiết bị trên các bộ phận cơ thể (như bụng, đùi, chân tay…). Không sử dụng thiết bị để vừa học vừa làm việc khác: Việc mất chú ý, tập trung có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc ngoài ý muốn” – TS Tôn Quang Cường lưu ý.

“Sở GD&ĐT đặc biệt chú trọng và quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát tổ chức dạy học online, trên truyền hình. Việc kiểm tra tại lớp, tại nhà và công tác quản lý của phòng, trường, xem việc tổ chức dạy học đã đạt yêu cầu chưa để sớm có chỉ đạo” - ông Nguyễn Tân cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ