Học logistics tại BVU: Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

GD&TĐ - Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU) là một trong những trường có ngành đào tạo về logistics đầu tiên của Việt Nam. Với lợi thế về cảng biển và nhiều doanh nghiệp logistics tại địa phương, ngành đang thu hút nhiều sinh viên.

GS.TS Nguyễn Lộc (bên phải) và ông Dương Thanh Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.
GS.TS Nguyễn Lộc (bên phải) và ông Dương Thanh Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.

Ngành logistics: Đầu tàu phát triển

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng biển BR-VT là cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Năng lực thông qua hàng hóa dự kiến vào năm 2020 khoảng 109 triệu tấn/năm, năm 2025 khoảng 149 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 195 triệu tấn/năm.

Trong đó, riêng container dự kiến năm 2020 khoảng 4,17 triệu TEU/năm, năm 2025 khoảng 6,8 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng 9,42 triệu TEU/năm. Vì vậy nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, miền Đông Nam Bộ và cả nước đang rất thiếu hụt.

Cả nước hiện có khoảng 23.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, trong đó tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 1.000 doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê mới nhất, từ nay đến năm 2020, cả nước cần khoảng 36 ngàn lao động cho ngành này.  Đây là cơ hội việc làm rộng mở cho SV ngành Logistics tại BVU.

BVU là trường đại học thứ 3 khu vực phía Nam được phép đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, đây là niềm tự hào đối với giảng viên và sinh viên của BVU. BVU cũng vinh dự được TS Mai Xuân Thiệu, Nguyên Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, chuyên gia hàng đầu về Logistics tại Việt Nam đặt nền móng xây dựng ngành.

TS. Mai Xuân Thiệu trực tiếp giảng dạy, đồng thời là người kết nối hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo cùng nhiều doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước giúp sinh viên BVU có chương trình phù hợp với thực tế doanh nghiệp.

Với uy tín và kinh nghiệm của mình, TS. Mai Xuân Thiệu cùng các cộng sự của mình đã xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực Logistics hiện nay.

TS Mai Xuân Thiệu (bên trái) – Nguyên Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỹ thuật – Kinh tế biển, BVU tại ngày hội Tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên
 TS Mai Xuân Thiệu (bên trái) – Nguyên Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỹ thuật – Kinh tế biển, BVU tại ngày hội Tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên

Chương trình đào tạo gắn với thực tế doanh nghiệp

Chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng theo hướng doanh nghiệp hóa và quốc tế hóa; cập nhật và linh hoạt theo xu hướng phát triển của xã hội; tiếp cận chương trình của Hiệp hội Logistics quốc tế FIATA, AFFA, IATA, Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA).

Mục tiêu chương trình đào tạo cử nhân ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao ở trình độ đại học, ngoại ngữ và thông thạo về công nghệ thông tin; những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về logistics và chuỗi cung ứng; có khả năng tham gia hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch và tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ logistics và vận tải.

Người học ngành này có khả năng làm việc độc lập, tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo, có sức khỏe, kỹ năng giao tiếp tốt và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các tổ chức tiếp nhận.

Khi hoàn tất chương trình đào tạo dù ở cương vị nhân viên hay quản lý, sinh viên cũng sẽ đảm bảo am hiểu và thành thạo những thao tác nghiệp vụ chuyên môn từ cơ bản đến nâng cao trong kinh doanh dịch vụ logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với các doanh nghiệp logistics trong khu vực Đông Nam bộ: Hợp tác nghiên cứu khoa học; Hợp tác trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác trong tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học và cung cấp, trao đổi thông tin khoa học và công nghệ… để giảng viên và sinh viên nhà trường kịp thời được cập nhật thông tin từ thực tế doanh nghiệp. Điều này góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường gắn với thực tế doanh nghiệp.

Sinh viên ngành Logistics, BVU tham quan thực tế tại Công Ty Cổ Phần Otran Logistics (thị xã Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu)

Sinh viên ngành Logistics, BVU tham quan thực tế tại Công Ty Cổ Phần Otran Logistics (thị xã Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu)

Tiến trình hội nhập quốc tế

Hiện nay BVU đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 40 doanh nghiệp phối hợp đưa sinh viên thực tế, thực tập ngay từ năm thứ 1 như: Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Thị Vải, Cảng biển quốc tế Bông Sen(Lotous), Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), Công ty Liên doanh Dịch vụ Container Quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA (SSIT), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cụm cảng Cái Mép, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cụm cảng Cát Lái TPHCM, Nhà Máy Đạm Phú Mỹ… Theo đó, các doanh nghiệp đảm bảo có nơi thực tập và việc làm cho sinh viên.

Với đặc điểm của ngành Logistics là năng động trong học tập, thích ứng trong môi trường thực tiễn, hội nhập quốc tế, chính vì vậy, nhà trường đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng chất lượng với trình độ ngoại ngữ cao, thành thạo các nghiệp vụ và kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Theo CTV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ