Hào hứng với hình thức kiểm tra giữa kỳ ứng dụng công nghệ

GD&TĐ - Mới đây, tại TPHCM, Trường THPT Trần Hữu Trang (Quận 5), THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I trực tuyến cho toàn bộ học sinh.

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, Quận 5 kiểm tra giữa kỳ I năm học 2020 - 2021 với hình thức trực tuyến. Ảnh: D.Phú
Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, Quận 5 kiểm tra giữa kỳ I năm học 2020 - 2021 với hình thức trực tuyến. Ảnh: D.Phú

Các em làm bài trên thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, iPad… kết nối mạng thay vì bằng giấy bút như trước đây.

Nhiều tiện ích

Năm học 2020 - 2021 là năm thứ hai Trường THPT Trần Hữu Trang thực hiện kiểm tra giữa kỳ trực tuyến cho HS. Thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học trước, nhà trường có những bước chuẩn bị như tập huấn cho GV về hình thức khảo thí qua ứng dụng công nghệ. Đặc biệt qua khảo sát, đa số HS của trường đều sử dụng điện thoại thông minh, hoặc máy tính bảng… là điều kiện quan trọng để tiến hành việc kiểm tra giữa kỳ trực tuyến.

Theo thầy Võ Thiện Cang, tổ chức thi theo hình thức trực tuyến là một trong những giải pháp của nhà trường trong quá trình đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, vừa phát huy tính năng động, sáng tạo của người học vừa tiết kiệm thời gian cho GV. Đây cũng là chuyển động để bắt kịp xu thế hiện nay cũng như từng bước chuẩn bị cho lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT hướng đến trong giai đoạn tiếp theo.

Với hình thức kiểm tra này, điểm kiểm tra sẽ có sau khi các em làm bài, kết quả này sẽ được chuyển thẳng đến BGH nhà trường. Ngay sau bài thi của môn cuối cùng kết thúc, đáp án sẽ được công bố trên ứng dụng hoặc chuyển cho GV bộ môn để HS tham khảo.

Về đề thi, ngoài ngân hàng câu hỏi gợi ý của ứng dụng, GV từng bộ môn đã xây dựng ngân hàng câu hỏi và biên soạn thành các mã đề căn cứ từ ma trận với cấu trúc đã được tổ bộ môn và BGH thông qua.

Cũng theo thầy Cang, sau đợt kiểm tra, nhà trường sẽ sơ kết lại và cân nhắc việc thực hiện kiểm tra cuối học kỳ, tiến tới có thể định kỳ một năm 4 lần kiểm tra cho HS bằng hình thức trực tuyến.

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên Trường THPT Tây Thạnh tổ chức kiểm tra giữa kỳ trực tuyến cho HS khối 12 với các môn Toán, Lý, Hóa. Cô Nguyễn Thị Phương Mai – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh chia sẻ: Áp dụng hình thức kiểm tra mới này đã giải phóng nhiều sức lao động cho GV. Cụ thể, hệ thống chấm điểm và vào sổ điểm tự động, tiết kiệm 100% thời gian so với phương pháp truyền thống; tiết kiệm thời gian trộn đề thành nhiều mã chỉ với một nút bấm, bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong một kỳ thi. Chi phí in ấn, photo tài liệu, đề thi cũng không cần nữa. Song song với kiểm tra đánh giá, qua ứng dụng các em còn được giao bài tập, tự học trực tuyến rất hiệu quả. 

Học sinh Trường THPT Tây Thạnh có kết quả kiểm tra giữa kỳ ngay sau khi bài thi kết thúc. Ảnh: D.Phú
Học sinh Trường THPT Tây Thạnh có kết quả kiểm tra giữa kỳ ngay sau khi bài thi kết thúc. Ảnh: D.Phú 

Học sinh hào hứng đón nhận

Tham gia kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ I năm học 2020 - 2021, em Lê Ngọc Yến Vy, lớp 12A1 Trường THPT Tây Thạnh cho biết: Đây là lần đầu chúng em được mang điện thoại, sử dụng thiết bị thông minh trong giờ kiểm tra, nên rất thú vị. Theo đó, Yến Vy và các bạn thực hiện bài kiểm tra trực tuyến gồm môn Toán, Lý, Hóa, riêng môn Ngữ văn và Tiếng Anh làm bài trên giấy.

“Khi hoàn thành bài kiểm tra chúng em có điểm ngay, biết mình sai bao nhiêu câu một cách nhanh chóng, chính xác. Các bạn rất vui vẻ, thoải mái”, Yến Vy nói. Em cũng mong muốn ở những kỳ kiểm tra tiếp theo, nhà trường tiếp tục sử dụng hình thức này.

Tương tự, em Trần Phương Anh, lớp 10A6, Trường THPT Trần Hữu Trang bày tỏ: Việc kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến với các em rất mới mẻ, thú vị, khi hoàn thành bài sẽ cho kết quả lập tức, nhanh gọn. Với hình thức kiểm tra này, ngoài việc nắm chắc bài học, hiểu kiến thức, HS phải có kỹ năng về sử dụng các thiết bị công nghệ. “Chúng em rất thích thú với hình thức kiểm tra mới này và hi vọng trường sẽ tiếp tục duy trì”, Phương Anh nói.

Theo các nhà quản lý, việc thay đổi hình thức kiểm tra truyền thống sang áp dụng công nghệ đòi hỏi quá trình “đả thông tư tưởng” từ lãnh đạo nhà trường, tới các GV, HS. Ngoài điều kiện về mặt kỹ thuật như đường truyền, máy tính hoặc thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng phải bảo đảm, các thầy cô cũng cần thay đổi tiếp cận với việc khảo thí bằng công nghệ. Đặc biệt trước khi triển khai, nhà trường, GV phải ổn định tâm lý cho HS, giải thích rõ để các em yên tâm thực hiện, không bị áp lực, căng thẳng khi bước vào kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.