Hành trình vượt núi trồng người của thầy cô giáo vùng biên

GD&TĐ - Con đường đèo vắt vẻo ngang lưng núi, dốc nối tiếp dốc, hành trình đi trồng người của thầy cô giáo vùng biên Nghệ An vẫn còn lắm gian nan.

Cô giáo Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) kiểm tra kỹ năng đọc chính tả Tiếng Việt của học sinh.
Cô giáo Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) kiểm tra kỹ năng đọc chính tả Tiếng Việt của học sinh.

Khi chạm đến cổng trời sương phủ, khi vạch sóng điện thoại chỉ còn một chấm nhỏ, rồi biến mất, cũng là lúc thầy cô đến điểm trường nơi mình cắm bản. Nhưng chỉ cần có học sinh, là bao nhiêu nhọc nhằn đã bỏ lại dưới chân dốc. Một năm mới học mới bắt đầu!

Trên đỉnh Pha Cà Tún 

Năm học 2020 – 2021, thầy trò điểm bản Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An) đón nhận nhiều cái đầu tiên. Đây năm hoàn thành sáp nhập học sinh của 2 bản Huồi Mới 1 – Huồi Mới 2 làm một, với 86 học sinh (HS) từ lớp 1 - 5.

Và sau hàng chục năm thầy trò dạy học trong lớp tạm bằng gỗ, hoặc lắp ghép thì giờ đây,điểm trường Huồi Mới đã được xây dựng và đưa vào sử dụng 5 phòng học và nhà đa chức năng bằng bê tông kiên cố. Đây cũng là lần đầu tiên, ngày khai giảng được tổ chức ở điểm trường lẻ này. Những đứa trẻ và thầy giáo đã chính thức có ngày lễ của riêng mình để bước vào năm học mới.

Các đại biểu, thầy trò điểm trường lẻ Huồi Mới hát Quốc ca trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021.
Các đại biểu, thầy trò điểm trường lẻ Huồi Mới hát Quốc ca trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021.

Bản Huồi Mới (xã Tri Lễ) ở trên đỉnh Pha Cà Tún – cao hơn 1.500m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của bà con người Mông. Ở đây, trẻ con sinh ra, lớn lên theo từng mùa rẫy. Cuộc sống biệt lập, chỉ giao tiếp trong bản. Vậy nên thế giới nhỏ của các em chỉ có người thân thuộc và các thầy giáo.

Xồng Y Nu năm nay học lớp 4, từ nhà của em có thể nhìn thấy trường học, chỉ cách hai con dốc nhỏ. Ngày hè, Nu và các bạn vẫn chạy lên trường chơi. Thỉnh thoảng, cô bé nhìn lên con đường mòn ngang lưng núi, chờ bóng hình quen thuộc. Khi nào có những tiếng xe máy leo qua dốc hướng về cổng trường, là các thầy đã quay lại, là năm học mới đến rồi! 

Cô bé người Mông đôi mắt sáng, vẫn rụt rè, ngại ngùng khi thấy người lạ. Thầy Lỳ Bá Cự cho biết, Nu là một học sinh thông minh, học khá, 4 năm liền đều là lớp trưởng. Em đi học rất chuyên cần, và cũng giúp thầy nắm tình hình của các bạn trong lớp, như lý do vắng học, đi muộn, gia đình có việc đột xuất… Xồng Bá Dinh – anh trai của Nu thay mặt bố mẹ tiếp khách.

“Em là trưởng nam đó. Nhưng học hết cấp 2 thì thấy khó quá, nên nghỉ. Đợt này đang mùa thu hoạch lúa nên không có ai ở nhà cả, chỉ có Nu và một em trai đang học lớp 11 ở dưới huyện là về để đến trường. Chút nữa em cũng đi giúp làm vía trong bản, rồi lên rẫy. Mình là anh nên phải giúp bố mẹ, phấn đấu cho các em đi học” - trưởng nam mới 17 tuổi chững chạc nói. 

Thầy Thò Bá Sinh – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4, chia sẻ: Năm học này, điểm Huồi Mới có 86 học sinh, từ lớp 1 - 5. Sau lễ khai giảng, có 3 em học sinh vắng học vì theo bố mẹ đi rẫy xa, không có sóng liên lạc.

Nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm vận động để phụ huynh đưa con về để đến trường. Nhưng với một điểm trường lẻ, đầu năm học mới, các em đi học gần như đầy đủ thế này đã rất mừng. Những năm gần đây, cũng không còn tình trạng học sinh bỏ học ở Huồi Mới. 

Huồi Mới là 1 trong 4 điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4, với 100% học sinh là người Mông. Suốt 40 năm qua, đến nay trường vẫn chỉ toàn là thầy giáo cắm bản. Nhưng ở nơi “cùng trời cuối đất”, việc dạy học ở các điểm bản này luôn được thực hiện quy củ, nghiêm túc.

Trường học nhiều “không” nhất xứ Nghệ: Không điện, không đường, không chợ, không sóng liên lạc và không cô giáo lại là điểm sáng giáo dục của cả huyện Quế Phong.

Háo hức trang sách mới

Học sinh lớp 1 (Trường Tiểu học Nậm Cắn 1) háo hức với sách giáo khoa mới.
Học sinh lớp 1 (Trường Tiểu học Nậm Cắn 1) háo hức với sách giáo khoa mới.

Năm nay, Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có hơn 400 học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái. Năm học mới vừa bắt đầu, nhưng trước đó, từ cuối tháng 8, tất cả giáo viên của trường đã trả phép.

Trong số 40 cán bộ, giáo viên, chỉ có 10 người bản địa, hoặc sinh sống gần Nậm Cắn. Còn lại đều là giáo viên ở các huyện miền xuôi lên công tác. Năm học này, trường Tiểu học Nậm Cắn 1 cũng đón hơn 100 học sinh lớp 1. Trước ngày khai giảng năm học mới, nhà trường đã chủ động đặt đủ sách giáo khoa cho tất cả học sinh. 

Cô Đặng Thị Hải Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 thông tin: Trước đây, trường chúng tôi thí điểm chương trình VNEN, vì vậy sách giáo khoa của học sinh được cấp miễn phí. Sau kết thúc thí điểm, nhà trường tận dụng sách giáo khoa cũ, ngoài ra kêu gọi các tổ chức tặng sách cho học sinh.

Tuy nhiên, năm nay chương trình mới, phụ huynh phải tự mua sách giáo khoa. Hiện tại, sách giáo khoa đã về đủ cho toàn bộ học sinh lớp 1, nhưng việc thu tiền sách thì vẫn còn khó khăn. Nhà trường sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ sách cho những học sinh thuộc diện hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. 

Cô Nguyễn Thị Nguyệt từ xuôi lên xã biên giới Nậm Cắn công tác đã 28 năm. Dù không phải là người bản địa, nhưng đến nay, cô có thể giao tiếp bằng cả tiếng Kinh lẫn tiếng bản địa với học sinh cả 3 hệ dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Cũng vì vậy, cô Nguyệt là một trong số giáo viên được nhà trường giao phụ trách lớp 1 – năm đầu tiên triển khai dạy sách giáo khoa mới.

“Khi được phát sách mới, các con mừng lắm. Nhìn thấy ánh mắt sáng lên, háo hức lật từng trang, tò mò ngạc nhiên với các hình vẽ, là cô giáo tôi cũng vui lây”, cô Nguyệt chia sẻ.
“Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới có nhiều hình ảnh bắt mắt, minh họa dễ hiểu nên thu hút học sinh.

Bên cạnh đó, phương pháp dạy học, các tổ chức lớp học, cho học sinh trao đổi, thảo luận theo tinh thần của chương trình phổ thông 2018 cũng có nhiều nét tương đồng với Mô hình VNEN. Vì vậy, giáo viên chúng tôi cũng hứng thú và không quá áp lực. Các tiết học đầu tiên của cô và trò diễn ra thuận lợi, sôi nổi”, cô Nguyệt cho biết.

Dù đóng tại xã biên giới, nhưng Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Tập thể giáo viên nơi đây vẫn luôn cố gắng, quyết tâm để giữ chuẩn, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh khi cho con đến trường. 

Những người chọn  gắn bó với rẻo cao

Năm học này, cô giáo Bùi Thị Thúy đem con trai Nguyễn Tiến Minh từ Diễn Châu lên học tại Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Đây là một quyết định không hề dễ dàng của người mẹ. Nếu so sánh về mọi điều kiện học tập, giao tiếp, sinh hoạt thì quê nhà của cô hơn hẳn ngôi trường vùng cao biên giới này.

Trong khi đó, lên Nậm Cắn, con trai cô sẽ phải hòa nhập lại từ đầu, sẽ là thiểu số giữa đa số các bạn là người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Nhưng gia đình cô sẽ được ở gần chăm sóc cho nhau. “Nếu con có thiếu hụt kiến thức một chút, thì mẹ sẽ cố gắng dạy thêm”. 

Những ngày đầu lên huyện miền núi xa nhất Nghệ An công tác, cô chỉ mong rằng mình có sức trẻ, có kiến thức thì cống hiến. Những nẻo đường lạ thành quen, những điểm trường lẻ xa xôi trở nên thân thuộc, và cô cũng nên duyên chồng vợ với anh bộ đội biên phòng ở Nậm Cắn này.

Giờ đây, cô đã chọn ở lại nơi rẻo cao quanh năm sương phủ, chọn biên giới là quê hương thứ 2, chọn trở thành một người dân bản địa. Để tiếp tục sự nghiệp trồng người và gắn bó với trẻ vùng cao. 

Cánh cổng trường của những điểm lẻ vùng sâu, vùng xa, biên giới Nghệ An nơi nào cũng giống nhau. Chỉ đơn sơ với 2 thân cây dựng 2 bên, phía trên treo tấm biển bằng gỗ ghi tên trường, tên bản. Hơn 30 năm trước, điểm trường lẻ thành lập ở Huồi Mới chỉ có 3 lớp từ lớp 1 đến lớp 3, thầy giáo người xuôi vượt núi lên dạy chữ. Học sinh mới được huy động đến lớp, học chữ.

Trong số đó có cậu bé Thò Bá Sinh, lên 10 tuổi thì bước vào lớp 1. Nhưng học càng lên cao, bạn bè trong lớp cậu bé người Mông “rơi rụng” dần. Sau này, chỉ còn mỗi Thò Bá Sinh quyết tâm ra huyện lỵ theo học 2 năm bổ túc cấp 2 tại Trường Phổ thông Lao động huyện.

Sau khi hoàn thành chương trình THCS, Sinh được huyện Quế Phong cử đi học sư phạm để quay về trở thành thầy giáo bản địa đầu tiên của ngôi Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Từ đó, bàn chân thầy đã đi khắp từng nhà dân bản, lên từng vạt rẫy đưa học sinh về đi học. 

Thầy Thò Bá Sinh không dừng lại ở những kiến thức chuyên môn “sơ cấp” đó, mà luôn vươn lên phấn đấu, không ngừng học tập. Từ năm 1995 đến nay, thầy đã nỗ lực hoàn thành chương trình THPT, rồi tốt nghiệp đại học tại chức.

Năm 2002, thầy Sinh được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Năm học 2020 – 2021 này, là tròn 30 năm thầy Thò Bá Sinh gắn bó với nghề giáo. Tóc có sợi bạc, dáng đi in hằn vất vả nhưng vẫn gương mặt hiền từ, vẫn là nụ cười và lời nói nhẹ nhàng, vỗ về các em nhỏ. 

Thầy chính là tấm gương suốt cả cuộc đời phấn đấu vì sự học, vượt mọi khó khăn, mặc cảm để có tri thức, có cuộc sống ấm no và trở thành người có uy tín của không chỉ bản Huồi Mới và cả xã biên giời Tri Lễ (Quế Phong). Khắp mọi bản làng từ tột cùng Nậm Tột, xa xôi Huồi Xái, vất vả Huồi Mới… đều có học trò thầy Sinh. Rất nhiều người đã trở thành bố mẹ của những đứa trẻ, lại được đem đến trường, yên tâm gửi cho người thầy đáng kính ấy. Đặc biệt, trong 5 người con của thầy Sinh, con trai thứ Thò Bá Chờ cũng nối nghiệp bố, trở thành giáo viên cắm bản, tiếp tục vận động con em người Mông đến trường.

Trời đang nắng thì thoáng bóng mây kéo đến, chúng tôi vội vã chào các thầy ở Huồi Mới xuống núi. Đi được vài kilomet, cơn mưa rừng đã ào xuống. Con đường mòn phút chốc cũng trơn trượt như đổ dầu, nước mưa chảy xói theo khe rãnh, đỏ quạch. Không còn cách nào khác, phải đi bộ, mà vẫn ngã lên xuống vì không thể phanh nổi chân mình. Chúng tôi biết, phía sau lưng mình, mùa nắng hay mưa, vẫn luôn có những thầy giáo, cô giáo nối tiếp ở lại với rẻo cao, nơi biên cương tây Nghệ. Có người được đặt thành địa danh tên cho cây cầu mới dựng, hay con dốc khó vượt qua nhất… Cũng có người chỉ mới bắt đầu trải nghiệm, cống hiến tuổi trẻ, tâm huyết cho những đứa trẻ vùng cao. Cứ thế, mỗi năm học đến, cánh cổng điểm trường lẻ được mở đón học trò. Và những đứa trẻ từ trên nương rẫy trở về, ríu rít gọi nhau đến lớp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.