Hải Phòng: Dừng nhận xét, đánh giá học sinh bằng phiếu

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hải Phòng đã thông báo tới các phòng GD&ĐT, các trường THPT về việc dừng nhận xét, đánh giá học sinh bằng phiếu.

 Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo dừng viết phiếu nhận xét học sinh
Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo dừng viết phiếu nhận xét học sinh

Cụ thể, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, các trường THPT khẩn trương chỉ đạo giáo viên dừng phát phiếu cũng như dừng việc đánh giá, nhận xét học sinh theo nội dung công văn từ Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chuyển về.

Công văn từ Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) gửi tới các Sở GD&ĐT ngày 14/5 cho thấy, vừa qua xuất hiện một số thông tin giáo viên phải nhận xét học bạ học sinh và viết phiếu nhận xét cho học sinh đối với tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp bằng điểm số - gây quá tải cho giáo viên.

Việc triển khai này không đúng với Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh. Để chấn chỉnh tình trạng này, Vụ Giáo dục Trung học đề nghị các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể cho các trường nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng tại khoản 9 điều 1 Thông tư 26 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 điều 19 - quy định trách nhiệm của giáo viên bộ môn).

Thông tư 26 nêu rõ, giáo viên các môn thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra, đánh giá định kỳ theo phân công của hiệu trưởng; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Đối với hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hỏi - đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp; nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.

Việc tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kỳ, cả năm học và trực tiếp vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ.

Bộ GD&ĐT khẳng định, Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh.

Việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học, hoạt động giáo dục theo quy định được giáo viên bộ môn thực hiện trong quá trình dạy học và ghi vào sổ theo dõi đánh giá học sinh (sổ cá nhân của giáo viên).

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị liên quan và giáo viên hiện đúng quy định tại Thông tư 26; đặc biệt lưu ý giữ nguyên các mẫu sổ điểm và học bạ theo quy định hiện hành, không phát sinh thêm hồ sơ, sổ sách không thiết thực, gây quá tải cho giáo viên.

Trước đó, tại Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo từ Sở GD&ĐT, năm học 2020-2021 các trường từ THCS đến THPT đều phải thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh bằng phiếu vào cuối kỳ học (1 năm 2 học kỳ). 

Việc triển khai này khiến nhiều trường học, giáo viên cho rằng đây là việc làm mang tính hình thức, trong khi đã có học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử. Nhận xét học sinh bằng phiếu không những không hiệu quả trong việc đánh giá năng lực học sinh mà còn tăng việc cho giáo viên trong khi công việc cuối năm dồn dập.

Hoạt động dạy học trực tuyến, theo quy định trong Thông tư của Bộ GD&ĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.

Hoạt động này có thể hỗ trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó. Dạy học trực tuyến cũng có thể thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề theo CTGDPT để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề này.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

Tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên thực hiện các hoạt động chính như: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Học sinh học tập trực tuyến thực hiện các hoạt động chính như: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ