Để có những bài học môn Tiếng Việt lớp 2 bổ ích

GD&TĐ - Sáng 25/9, tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng đã diễn ra chuyên đề cấp thành phố “Dạy học Tiếng Việt lớp 2 theo Chương trình GDPT 2018”.

Giờ dạy của cô giáo Bùi Phương Thảo với học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.
Giờ dạy của cô giáo Bùi Phương Thảo với học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.

Chuyên đề được tổ chức trực tuyến tại 51 điểm cầu. Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng là điểm cầu trung tâm và 50 điểm cầu các quận, huyện.

Tại điểm cầu trung tâm có sự tham dự của ông Vũ Văn Trà-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, bà Trần Thu Hằng-Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, bà Nguyễn Thị Vân Anh-Trưởng phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng và cán bộ, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn. Hội nghị còn có sự tham gia trực tuyến của Tổng Chủ biên bộ sách Cánh Diều - GS Nguyễn Minh Thuyết và ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng Chủ biên bộ Kết nối tri thức với Cuộc sống.

Những tiết học sinh động

Bài dạy đầu tiên là giờ lên lớp đầy hứng thú của cô giáo Bùi Phương Thảo và học sinh lớp 2A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.  Cô Thảo lên lớp bài 7, phần “Nói và Nghe-Chú đỗ con”, sách Tiếng Việt lớp 2, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Bằng SGK, các phần mềm trình chiếu, video, đạo cụ đóng vai thể hiện nhân vật trong câu chuyện và sự dẫn dắt khéo léo, nhẹ nhàng, cô Thảo đã đưa đến cho học sinh một giờ học bổ ích. Các em được thảo luận nhóm, dưới sự gợi ý của giáo viên để bật lên được từng nhân vật, nội dung câu chuyện.

Đặc biệt, câu chuyện “Chú đỗ con” đã mang đến cho học sinh sự nhận biết về sự phát triển, trưởng thành của cây cối, vạn vật thiên nhiên, có được bài học về sự trưởng thành. Đặc biệt, các em được vận dụng và bật lên được ý nghĩa của sự trưởng thành bản thân.

Học sinh lớp 2A5 sôi nổi với câu chuyện "Chú đỗ con" sáng 25/9.
Học sinh lớp 2A5 sôi nổi với câu chuyện "Chú đỗ con" sáng 25/9.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Chi và học sinh lớp 2 Nhật, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng đã có một giờ học giàu năng lượng qua bài 8 “Hoạt động Đọc mở rộng”, môn Tiếng Việt lớp 2, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Bài hát “Con cào cào” khiến không khí lớp học sôi động, học sinh lớp 2 Nhật có phần khởi động hào hứng bước vào bài học.

Học sinh được hoạt động với những gợi ý trong SGK, sự dẫn dắt của cô giáo khi tìm hiểu về hoạt động thể thao. Các em quan sát, đọc hiểu, làm việc nhóm, hiểu được nôi dung bài học và kể lại trước lớp.

Phần luyện tập, học sinh được chơi trò chơi mảnh ghép kỳ diệu qua các câu hỏi gợi ý của giáo viên.

Học sinh được cô giáo giới thiệu về các hoạt động thể thao, hướng dẫn tìm đọc bản tin thể thao qua Website của nhà trường. Qua đó, học sinh kể về hoạt động mình từng tham gia, ý nghĩa, mong ước của bản thân.

Học sinh lớp 2 Nhật, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương trong giờ học "Hoạt động Đọc mở rộng".
Học sinh lớp 2 Nhật, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương trong giờ học "Hoạt động Đọc mở rộng".

Bài hát “Bé tập thể dục” kết thúc tiết học trong sự phấn khởi của học sinh. Bài học mang lại ý nghĩa về việc rèn luyện thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc, rèn luyện sức khỏe. Thể dục thể thao tốt tăng cường sức đề kháng, có một cơ thể khỏe mạnh phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cô giáo Phạm Thị Hảo và học sinh lớp 2E, Trường Tiểu học Đại Hợp, huyện Kiến Thụy với bài tập đọc: bài đọc 2, tiết 2: “Phần thưởng”, bộ sách Cánh Diều.

Học sinh được nghe các bạn đọc toàn câu chuyện, đọc thầm từng đoạn, thảo luận, nhận xét nội dung và nhân vật, đóng vai phóng viên phỏng vấn các bạn về nội dung chuyện, thảo luận nhóm đôi dưới sự định hướng của giáo viên. Qua gợi mở của cô, từng nhóm được trình bày trước lớp.

Hoạt động luyện tập, cô Hảo hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm, vào vai nhân vật để thể hiện từng yêu cầu trong SGK.

Qua câu chuyện, học sinh được thể hiện lời nói của mình trong từng tình huống cụ thể, biết quý trọng sự giúp đỡ của người khác, biết cảm ơn và nhận lời cảm ơn bằng thái độ chân thành, cởi mở, thân thiện.

Cô giáo Phạm Thị Hảo và học sinh lớp 2E, Trường Tiểu học Đại Hợp, huyện Kiến Thụy.
Cô giáo Phạm Thị Hảo và học sinh lớp 2E, Trường Tiểu học Đại Hợp, huyện Kiến Thụy.

Nhiều góp ý, băn khoăn

Cô giáo Phạm Thị Minh Hằng, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên bày tỏ, năm học này là năm đầu tiên thực hiện chương trình thay SGK với lớp 2. Giáo viên đã được tập huấn bồi dưỡng, nhưng còn nhiều trăn trở làm sao để thực hiện tốt chương trình.

Với các tiết dạy chuyên đề được các cô giáo thể hiện, giúp cho đội ngũ giáo viên hình dung cụ thể, rõ nét hơn về nội dung, hình thức tổ chức bài học với từng hoạt động cụ thể. Giáo viên linh hoạt khơi gợi được kỹ năng trình bày, cá nhân, làm việc nhóm khiến lớp học sôi nổi, tự nhiên. Việc chú trọng hoạt động, đưa ra các câu hỏi phát huy sở trường học sinh, giúp học sinh ghi nhớ tốt, hướng dẫn các em thể hiện ngữ điệu nhân vật khi phân vai khiến giờ học nhẹ nhàng, hiệu quả.

Ngoài việc nhận xét cụ thể về từng tiết dạy, giáo viên trao đổi nhiều băn khoăn, vướng mắc khi “chạy” chương trình. Cụ thể như, nguồn học liệu điện tử còn hạn chế, tiết dạy mẫu chưa nhiều, có những đơn vị kiến thức còn hơi nặng với học sinh lớp 2, nhất là năm lớp 1 các con nghỉ học nhiều do dịch bệnh nên bước vào lớp 2 nhiều em phải ôn lại kiến thức cũ…

Các điểm cầu trực tuyến.
Các điểm cầu trực tuyến.

Đánh giá về giờ dạy của cô Phạm Thị Hảo, Trường Tiểu học Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, GS Nguyễn Minh Thuyết ghi nhận đó là giờ dạy thành công. Cô giáo dạy học sinh một bài đọc rất tốt. Cách tổ chức hoạt động sáng tạo, vận dụng phương pháp tốt. Đặc biệt, cô có những câu hỏi phụ phân tích tâm trạng nhân vật hướng học sinh chú ý sâu vào nội dung câu chuyện khá ấn tượng.

Giải đáp những băn khoăn về học liệu, tiết dạy mẫu, Tổng Chủ biên Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, từ những bài dạy đã được cung cấp cùng nguồn học liệu phong phú trên các nhóm sinh hoạt chuyên môn giáo viên tiểu học hay trang mạng đồng hành cùng con học sách Cánh Diều cũng là nguồn tài liệu quý giá mà giáo viên có thể tham khảo.

Ông Bùi Mạnh Hùng- Tổng Chủ biên bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nhận định, 2 tiết dạy của giáo viên quận Hồng Bàng thể hiện trong chuyên đề có tính sáng tạo. Cô giáo có những câu hỏi hay, gợi ý cho học sinh phát huy tính tư duy.

Với tiết dạy “Nói và Nghe” giáo viên linh hoạt, bổ sung video kể chuyện, đan xen cùng cách kể của cô sẽ phát huy hiệu quả. Tùy từng tiết học, cô giáo nên dùng nhiều kịch bản khác nhau để học sinh bất ngờ, hứng thú.

Trong khi đó, tiết dạy “Hoạt động Đọc mở rộng” cô khuyến khích học sinh làm việc nhóm theo chủ đề đã được đưa ra, học sinh được chủ động làm việc và thể hiện kỹ năng cá nhân, kỹ năng hợp tác nhóm. Tuy nhiên, giáo viên có thể linh hoạt để học sinh đọc theo cách của mình, giáo viên kiểm soát được hoạt động của học sinh là thành công lớn.

Ông Vũ Văn Trà- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng phát biểu nhận xét bài dạy của các giáo viên.
Ông Vũ Văn Trà- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng phát biểu nhận xét bài dạy của các giáo viên.

Ông Vũ Văn Trà-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, việc tổ chức lên lớp các tiết chuyên đề là để triển khai chương trình mới một cách hiệu quả. Chuyên đề mà các cô giáo lên lớp thể hiện cách thức tổ chức bài học để chuyển tải ý nghĩa của từng bộ sách, đạt mục tiêu đổi mới giáo dục.

Chương trình SGK lớp 2 đã được giảng dạy 3 tuần, đây cũng là cơ hội để ngành Giáo dục lắng nghe, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của giáo viên. 3 tiết dạy của các cô giáo rất thành công. Các cô có sự vận dụng sáng tạo, dẫn dắt học sinh đến các hoạt động sôi động để các em chủ động, tự tin chiếm lĩnh kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ