Hà Nội: Giảm “gánh nặng” học phí cho học sinh, phụ huynh

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội và ngành Giáo dục Thủ đô đã có nhiều giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, giúp giảm “gánh nặng” học phí cho gia đình học sinh.

Học sinh Hà Nội học trực tuyến.
Học sinh Hà Nội học trực tuyến.

Giảm học phí cho học sinh các cấp học

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, thành phố sẽ cấp ngân sách 892 tỷ đồng (năm 2021 là 396 tỷ đồng và năm 2022 là 496 tỷ đồng) để hỗ trợ học phí cho học sinh trên địa bàn. Mức hỗ trợ bằng 50% mức học phí hằng tháng của năm học 2021 - 2022 do HĐND thành phố quy định. Đối tượng hỗ trợ bao gồm cả học sinh các trường dân lập, tư thục.

UBND TP cũng đề xuất mức học phí năm học 2021 - 2022  giữ nguyên như năm học 2020 - 2021 đối với từng cấp học và từng khu vực. Về quy định mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến, UBND TP đề xuất mức thu bằng 75% mức thu học phí của cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.

Mối lo về các khoản thu đầu năm học không còn, giúp phụ huynh yên tâm, tập trung trang bị cho học sinh các điều kiện học tập tốt nhất. Chị Nguyễn Hồng Nhung, phụ huynh học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), chia sẻ: Từ đầu năm học đến nay, tôi chưa phải đóng một khoản tiền nào, ngoài tiền bảo hiểm y tế. Với quyết định giảm 50% học phí của thành phố, học sinh sẽ được hưởng lợi từ chính sách nhân văn này.

Còn chị Nguyễn Thị Bình - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - cho rằng, chính sách miễn giảm học phí của thành phố đã chia sẻ gánh nặng cho phụ huynh trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo chị Bình, học phí chỉ là một phần nhỏ, các khoản thu khác cũng cần quan tâm.

Tránh lạm thu đầu năm học

Từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT quận Hà Đông đã tăng cường kiểm tra hoạt động dạy học và thực hiện các khoản thu. Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông - cho hay: Phòng yêu cầu các trường ngoài công lập không được tăng học phí, chia sẻ gánh nặng với gia đình học sinh. Căn cứ điều kiện thực tế, các trường ngoài công lập đều có chủ trương giảm học phí với mức giảm ít nhất 30% so với năm học trước.

Theo thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy), nhà trường áp dụng mức học phí học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 bằng 80% mức học phí học trực tiếp; đồng thời hỗ trợ 130 học sinh là con các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc công khai các khoản thu được thực hiện theo quy định, phụ huynh có thể đóng học phí theo từng tháng.

Trường THPT Kinh Đô (huyện Đông Anh) tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh học sinh về mức thu học phí để bảo đảm sự đồng thuận, giảm áp lực cho gia đình học sinh, đồng thời huy động sự chung sức của phụ huynh cùng chăm lo việc học tập của học sinh, nhất là trong giai đoạn các em đang phải học trực tuyến là thông tin được thầy Hoàng Hữu Niềm - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - thông tin: Bên cạnh việc hỗ trợ học phí cho học sinh, sở đã yêu cầu các trường ngoài công lập xác định mức thu học phí hợp lý, trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa nhà trường, gia đình học sinh, có chính sách giảm mức thu phù hợp và giãn thời gian đóng học phí.

Về vấn đề tổ chức thu tiền của các nhà trường, cả công lập và dân lập, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh: Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định, các nhà trường cần huy động nguồn lực để hỗ trợ thêm cho học sinh. Tuyệt đối không được lạm thu, không để xảy ra tình trạng học sinh phải bỏ học vì gia đình khó khăn, không có tiền đóng góp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Bữa cơm đoàn viên

GD&TĐ - Sắp hết năm, khắp nơi tràn ngập hương vị Tết. Trai, gái, già, trẻ đều tay xách nách mang, mua sắm đồ đạc mang về nhà.

Học sinh cùng phụ huynh Trường Tiểu học Phù Đổng tham gia chương trình “Ngày hội Vui Tết quê em”.

Tết yêu thương, Tết sẻ chia

GD&TĐ - Nguồn quỹ tặng quà Tết cho học sinh khó khăn chủ yếu từ những phong trào kế hoạch nhỏ của trường như nuôi heo đất, giấy vụn, sách báo cũ...

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân trao quà Tết cho nhà giáo, người lao động tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

Mọi nhà giáo đều có Tết

GD&TĐ - Với phương châm “Tất cả nhà giáo, người lao động đều có Tết”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo thiết thực...