Gỡ khó cho học sinh khi trở lại học trực tiếp

GD&TĐ - Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cho học sinh vùng xanh, vùng cam trở lại trường học trực tiếp.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Sau gần 1 học kỳ học trực tuyến, công tác bù đắp kiến thức, hỗ trợ học sinh khi trở lại trường đang được các cơ sở giáo dục khẩn trương thực hiện. 

Hỗ trợ học sinh vùng dịch chưa thể đến trường

Hiện, tỉnh Trà Vinh cho học sinh vùng xanh, vùng cam từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp. Theo Sở GD&ĐT, tỷ lệ học sinh trở lại trường khá cao (từ 84% đến hơn 88%). Bên cạnh dạy học trực tiếp, các trường học ở tỉnh Trà Vinh tiếp tục dạy học trực tuyến cho học sinh từ khối lớp 6 đến khối lớp 12 không tham gia học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đối với các khối bậc THPT đạt hơn 95% và bậc THCS đạt hơn 84%.

Theo thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), hiện nay học sinh ở vùng dịch cấp độ 3, 4 chưa thể đi học. Để đảm bảo kiến thức, nhà trường, giáo viên tổ chức vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến cho học sinh chưa thể đến trường. Nếu đến kỳ thi học kỳ I các em này chưa thể đến trường thì tổ chức kiểm tra online.

Em Thạch Kim Sơn, học sinh lớp 10 Trường THPT Cầu Ngang A, cho biết: “Nhà  ở vùng dịch cấp 3 nên em chưa thể trở lại trường cùng các bạn. Hằng ngày, em kết nối trực tuyến với lớp học để nghe thầy cô giảng bài. Những chỗ nào chưa hiểu em nhắn riêng giáo viên và được hỗ trợ, giải đáp rất kịp thời. Nhờ sự hỗ trợ từ trường và thầy cô, em tiếp thu kiến thức khá tốt và chuẩn bị sẵn sàng cho kiểm tra học kỳ I sắp tới”.

Học sinh lớp 9, lớp 12 tỉnh Tiền Giang đã trở lại trường từ ngày 3/1, riêng huyện Tân Phú Đông cũng cho học sinh lớp 9, 10, 12 trở lại trường. Học sinh các khối lớp còn lại của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tập trực tuyến. Theo Sở GD&ĐT, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giáo dục, nhà trường lùi thời điểm kết thúc học kỳ I đến ngày 28/1, dành từ một đến hai tuần lễ để ôn tập, bù đắp kiến thức cho học sinh trước khi tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ I, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Đặc biệt các trường lưu ý những trường hợp học sinh bị ảnh hưởng Covid-19. Trong quá trình giảng dạy trực tiếp trên lớp, nhà trường sẽ bố trí thiết bị dạy học trực tuyến để học sinh học trực tuyến ở nhà hoặc đang ở các vùng dịch theo kịp chương trình. Các trường thực hiện song song dạy học trực tiếp kết nối với học sinh ở nhà, củng cố kiến thức cho học sinh. Đặc biệt là đối với học sinh yếu kém hoặc chưa theo kịp chương trình học khi học trực tuyến.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, tỷ lệ học sinh đến lớp trong tuần đầu tiên đã tăng, tuy nhiên các trường tiếp tục công tác tuyên truyền duy trì và nâng cao sĩ số trong thời gian tới. Các trường cần chú ý tổ chức tốt việc thi học kỳ I, không gây áp lực cho học sinh, phải đảm bảo chất lượng, công bằng, khách quan. Đối với những học sinh không đến trường học tập trực tiếp, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp, có thể tổ chức dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến theo đơn vị lớp hoặc có thể sắp xếp thành lớp riêng để tổ chức dạy trực tuyến.

HS vùng dịch chưa thể đến trường được kết nối với thầy cô để học trực tuyến tại nhà.
HS vùng dịch chưa thể đến trường được kết nối với thầy cô để học trực tuyến tại nhà.      

Tập trung bù đắp kiến thức và hỗ trợ tâm lý cho trò

Ngay khi trở lại học trực tiếp, công tác bồi đắp kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến được nhà trường đặc biệt quan tâm. Theo Phòng GD&ĐT huyện Cầu Kè (Trà Vinh), hiện vẫn còn một số phụ huynh còn tâm lý lo ngại dịch bệnh nên không cho con em đến trường; một số em tham gia học trực tuyến từ trước không đều nên khi vào học trực tiếp bị hổng kiến thức, tiếp thu kiến thức giáo viên ôn tập lại còn chậm.

Về giải pháp, Phòng GD&ĐT huyện Cầu Kè chỉ đạo các trường chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến của các nhóm học sinh nhằm điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp; Tận dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để tiếp tục tổ chức dạy các nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, phù hợp với điều kiện của trường và tiếp thu của học sinh, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh; Tổ chức ôn tập, củng cố, dạy bổ sung những nội dung kiến thức cho học sinh trong thời gian học trực tuyến, quan tâm nhiều hơn những học sinh không có thiết bị học trực tuyến.

Thời gian dài ở nhà học trực tuyến ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, đặc biệt là khả năng hòa nhập khi trở lại học trực tiếp. Bên cạnh bồi đắp kiến thức, ngành Giáo dục địa phương, nhà trường quan tâm hỗ trợ tâm lý cho các em. Hiện Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn cho học sinh khi trở lại trường.

Theo bà La Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và phụ huynh cần quan tâm theo dõi, thăm hỏi, động viên kịp thời giúp ổn định tâm lý và sức khỏe các em, tạo tâm thế sẵn sàng thích nghi trong tình hình mới, tránh các hiện tượng bất an về tinh thần ảnh hưởng đến việc học. Mỗi trường học phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Tổ tư vấn tâm lý học đường trong việc tổ chức hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ học sinh về học tập, về tâm lý, giúp các em sớm thích nghi, ổn định việc học tập và rèn luyện trong bối cảnh phòng chống dịch hiện nay…

Nhiều học sinh cho biết ở nhà lâu ngày, dịch bệnh không thể đi đâu nên khá căng thẳng. Nhiều em học nhiều môn, tiếp xúc nhiều với màn hình nên việc học, tiếp thu kiến thức khó khăn. Do đó, giáo viên khi dạy trực tuyến và trực tiếp phải linh động, mềm mỏng, khuyến khích học sinh. Vừa dạy học, vừa tư vấn, hỗ trợ để các em có tâm lý thoải mái, tránh tạo áp lực hoặc nóng vội khiến học sinh lo sợ. - Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ