Đóng cửa cơ sở giữ trẻ bạo hành trẻ em, tâm thư xúc động cuối năm học

Cơ sở mẹ Mười nơi xảy ra  vụ bạo hành. Ảnh: báo Tiền Phong
Cơ sở mẹ Mười nơi xảy ra vụ bạo hành. Ảnh: báo Tiền Phong

Quyết liệt xử lý vụ việc bạo hành trẻ tại cơ sở Mẹ Mười

Những thông tin xung quanh vụ việc bạo hành trẻ tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (Thanh Khê, Đà Nẵng) được đăng tải đồng loạt và liên tục trên các phương tiện truyền thông tuần qua.

Sự việc bắt đầu khi mạng xã hội lan truyền clip bảo mẫu bắt trẻ cởi trần, nằm ngửa dưới sàn nhà rồi liên tục đút thức ăn vào miệng. Khi bé khóc, bảo mẫu này lấy khăn phủ lên và tát vào mặt. Một bảo mẫu khác nhấc đầu bé xách lên cao. Các cơ quan chức năng đã ngay lập tức vào cuộc điều tra và tiến hành đóng cửa cơ sở này chiều 21/5.

Thông tin trên Giáo dục và Thời đại, liên quan đến sự việc này, sáng 22/5, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng và yêu cầu Sở tổ chức giao ban với lãnh đạo chính quyền, phòng GDĐT các quận, huyện và các cơ sở GDMN trên địa bàn để rút kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở GDMN, đặc biệt là đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục…

Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã thăm hỏi, quan tâm tình hình sức khỏe, tinh thần của các cháu đồng thời chia sẻ với ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng về những khó khăn trong công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các nhóm trẻ độc lập tư thục.

Chiều 23/5, lãnh đạo Công an quận Thanh Khê ra quyết định khởi tố vụ án Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê).

Không dừng lại ở hành vi bạo hành trẻ, dư luận cũng quan tâm đến thông tin về người quay, phát tán clip này. Trong cuộc họp báo ngày 25/5 do UBND TP Nẵng tổ chức, ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Chủ tịch quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) - có đề cập đến thông tin cơ quan chức năng sẽ xử lý người quay clip vì được quay từ tháng 4/2018 nhưng đến ngày 21/5, clip về cơ sở Mẹ Mười mới được tung lên mạng xã hội.

Chiều tối ngày 26/5, UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã phát đi thông cáo báo chí liên quan đến phát ngôn sẽ xử lý người quay clip bạo hành trẻ của ông Nguyễn Thanh Xuân. UBND quận Thanh Khê cho rằng phát biểu trao đổi của ông Xuân liên quan xử lý người cung cấp thông tin là chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, dễ dẫn đến suy diễn, hạn chế về quyền thông tin.

Trong thông cáo, UBND quận Thanh Khê cũng cảm ơn người dân, các cơ quan báo chí đã đồng hành và hỗ trợ cho quận Thanh Khê trong thời gian qua, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời về vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên địa ban. Các ý kiến và thông tin cung cấp đã giúp cho lãnh đạo quận và các cơ quan liên quan kịp thời xử lý những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Tâm thư xúc động cuối năm học

Bức thư của cô Nguyễn Minh Ngọc, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Đ.T.L (Q.7, TP.HCM) lan tỏa trên mạng xã hội đã khiến học sinh, phụ huynh xúc động được đăng tải trên nhiều báo lớn. Từng dòng chữ trong bức thư vô cùng thấm thía bởi sự trải nghiệm và trái tim chứa đựng tình cảm yêu thương của một cô giáo trong những ngày sắp phải chia xa học trò của mình.

Báo Thanh niên viết: Hiểu những áp lực mà học trò đang trải qua khi ngày thi THPT quốc gia đang đến gần, cô Minh Ngọc chia sẻ: “Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường. Con nhớ đừng quên điều này để con không bị áp lực với bản thân. Con không đặt ra cho mình những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm… Hãy nhớ, con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế”.

Không chỉ dặn dò trong tâm thế của một giáo viên mà cô Minh Ngọc còn trở thành người bạn của học trò khi chia sẻ: “Ai trong chúng ta chẳng từng nghĩ sai, làm sai, quyết định sai… Nhưng chính những cái sai đó dạy ta về cái đúng, cái sai giúp ta lớn lên, trưởng thành và điềm tĩnh hơn.

Vậy đó, đừng dằn vặt nếu con sai, nếu con làm điều không đúng. Thay vì hướng tâm vào quá khứ và nhân lên nhiều lần cảm giác chán ngán, thất vọng vì con đã sai, hãy học cách nhìn thẳng vào nó, chấp nhận nó và vượt lên nó. Tất nhiên, có cái sai không sửa được. Chỉ có thể sửa bằng cách buông bỏ nó ra khỏi tâm trí con để bù vào bằng một việc làm đúng đắn khác. Hãy nhớ, tuổi trẻ, con có thể sai để con trưởng thành trong những cái sai”…

Chia sẻ với về bức thư dài hơn 2.000 chữ này, cô Minh Ngọc cho biết đã viết trong một buổi tối, song những ý tưởng trong đó đã được ấp ủ nhiều năm. Đó là những trải nghiệm của chính mình từ khi còn là học trò với nhiều mơ ước, sự hồn nhiên và cả những sai lầm. “Tôi viết thư, nhắn nhủ với các em như một người bạn" – cô Minh Ngọc chia sẻ.

Lê Thị Minh Ngọc dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Lê Thị Minh Ngọc dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN 

Những câu chuyện đẹp

Rất nhiều những câu chuyện đẹp về người thầy, về học trò vượt khó được chia sẻ trên báo chí tuần qua.

Báo Tin tức có bài viết về Lê Thị Minh Ngọc, học sinh lớp 8A, trường Trung học cơ sở Lê Lợi, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, người mở thư viện miễn phí với trên 2.000 đầu sách phục vụ cộng đồng. Hành động đẹp này cùng việc mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho 25 em nhỏ tại địa phương, Minh Ngọc là một trong những cá nhân được tỉnh Ninh Bình biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mặc dù hoạt động thư viện cộng đồng, dạy tiếng Anh miễn phí đã chiếm không ít thời gian của Ngọc, nhưng suốt 7 năm liền, em là học sinh giỏi toàn diện, giành nhiều giải cao trong các cuộc thi lớn như: Giải ba Olympic Toán, giải Nhì Toán, tiếng Anh cấp thành phố. Đặc biệt, năm học lớp 3 Minh Ngọc đã đoạt giải 3 quốc gia Cuộc thi sáng tạo trẻ với sáng kiến “sân khấu công chúng”.

Em Thị Bích Nhân với sản phẩm kính thông minh cho người khiếm thị. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN
Em Thị Bích Nhân với sản phẩm kính thông minh cho người khiếm thị. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN 

Cũng về tấm gương học trò, báo Tin tức chia sẻ câu chuyện Bích Nhân, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Lương Nghĩa, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) sáng tạo kính thông minh cho người khiếm thị.

Ý tưởng của em Nhân về một chiếc kính hỗ trợ người khiếm thị được hình thành do trong gia đình có người thân bị khiếm thị.

Sau khi có ý tưởng, tập hợp các tài liệu, Bích Nhân trao đổi với các giáo viên trong trường và được thầy Mai Trọng Hữu, giáo viên môn vật lý và bạn cùng lớp của em là Trần Mai Xuân hỗ trợ thực hiện.

Sau khi hoàn thành, chiếc kính có chức năng nhận biết được vật cản ở khoảng cách 20 - 150 cm, đảm bảo cho người khiếm thị đủ thời gian chuyển hướng di chuyển. Khi cảm biến xác định có vật cản, chiếc kính sẽ cảnh báo bằng cách rung. Ngoài ra, chiếc kính có thể nhận biết một số màu sắc để người khiếm thị có thể phân biệt các mệnh giá tiền.

Với ý tưởng sáng tạo về chiếc kính thông minh hỗ trợ người khiếm thị, Bích Nhân đã được tặng Giải nhất Cuộc thi tin học trẻ cấp huyện, Giải nhì Cuộc thi Thanh thiếu niên sáng tạo cấp huyện, Giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học.

Là người dân tộc Khmer, có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa, nhưng với tinh thần vượt khó, ham học hỏi, sáng tạo, Bích Nhân đã đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền.

Các em học sinh ở trường Tiểu học thị trấn Trường Sa trong buổi giao lưu với đoàn công tác số 16 về thăm trường. Ảnh VOV
Các em học sinh ở trường Tiểu học thị trấn Trường Sa trong buổi giao lưu với đoàn công tác số 16 về thăm trường. Ảnh VOV 

VOV chia sẻ câu chuyện về Trường tiểu học thị trấn Trường Sa. Trường chỉ có 2 giáo viên giảng dạy kiêm nhiệm 6 lớp ghép học sinh từ cấp Mầm non tới Tiểu học với tổng số 13 học sinh, đó là thầy Phạm Trung Việt (sinh năm 1984) và thầy Đồng Minh Hiệp (sinh năm 1991).

Thầy giáo Phạm Trung Việt nhận quyết định ra đảo Trường Sa làm việc khi mới tổ chức đám cưới được hơn 1 tháng. Khi vợ sinh cháu đầu lòng, thầy không thể về nhà. Tất cả mọi việc chăm sóc vợ con, thầy đều nhờ cậy bố mẹ già. Mặc dù có những lúc rất nhớ gia đình nhưng thầy giáo Việt đã vượt qua sự thiếu thốn về tình cảm để chuyên tâm công tác, gieo con chữ đến những nơi khó khăn.

Cũng giống như thầy giáo Phạm Trung Việt, năm 2013, thầy Đồng Minh Hiệp ra đảo Trường Sa giảng dạy. Đây cũng là lần đầu tiên thầy đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng đầy sóng gió của Tổ quốc. Không chỉ giảng dạy học sinh cấp Tiểu học, thầy Minh Hiệp còn kiêm nhiệm chăm sóc học sinh cấp Mầm non.

Là nam, lại chưa lập gia đình, thầy Hiệp gặp khó khăn khi chăm sóc trẻ em mầm non những lúc các em ốm đau hay vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, cùng phối hợp với các phụ huynh, thầy giáo Minh Hiệp vừa giảng dạy và chăm sóc tốt cho những trẻ em mầm non và cả học sinh tiểu học.

Trong quá trình giảng dạy, vui chơi với học sinh, thầy Minh Hiệp cảm thấy như tuổi trẻ của mình thêm gắn liền với ngồi trường và học sinh trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Vào mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn dần buông xuống và cũng là lúc giờ học kết thúc hay những giờ sinh hoạt tập thể lớp, thầy Minh Hiệp lại cùng với một số lính Hải quân ở Trường Sa nô đùa, thả diều với học sinh. Tiếng cười nói hồn nhiên của các em khiến thầy Hiệp cảm thấy yêu nghề, gắn bó hơn với vùng biển đảo của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.