Đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT 2015 - 2020: Những bài học quý

GD&TĐ - Nhiều bài học quý được rút ra trong quá trình đổi mới thi giai đoạn 2015 - 2020, làm tiền đề cho công tác thi, xét tuyển tốt nghiệp THPT giai đoạn tới đáp ứng yêu cầu giáo dục trong bối cảnh mới và hội nhập.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên: Xây dựng lộ trình đổi mới thi rõ ràng, cụ thể

Cùng với các thành tựu trong đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học; xây dựng được các hệ thống đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, thuận lợi… Kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc, bảo đảm khách quan, trung thực.

Ông Nguyễn Văn Phê.
Ông Nguyễn Văn Phê.

Qua 5 Kỳ thi THPT quốc gia 2015 - 2019 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có thể đánh giá kỳ thi đã đáp ứng được yêu cầu của giáo dục trong bối cảnh đổi mới và hội nhập. Theo từng năm, việc tổ chức thi ngày càng khách quan, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Việc áp dụng công nghệ trong tổ chức thi được chú trọng; quy chế thi được chỉnh sửa, bổ sung, thay thế mới theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, giúp ngăn ngừa tối đa tiêu cực trong thi cử. Phần mềm quản lý thi ngày ngày “thông minh”, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thi. Không chỉ vậy, cách thức đề thi được đổi mới theo từng năm góp phần tạo động lực thúc đẩy việc nghiên cứu của thầy và học tập của trò. Thành công của kỳ thi được thể hiện qua sự đồng thuận của toàn xã hội, học sinh và cha mẹ học sinh.

Từ lộ trình đổi mới thi vừa qua, có thể rút ra 4 bài học kinh nghiệm: Làm tốt công tác tuyên truyền về kỳ thi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, người dân, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về vai trò và ý nghĩa của kỳ thi. Từ đó, sẽ tạo sự động thuận trong việc tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Tăng cường giao quyền tự chủ và giao trách nhiệm cho địa phương trong việc tổ chức kỳ thi. Đổi mới kiểm tra đánh giá được triển khai đồng thời với đổi mới cách thức tổ chức dạy học. Cần tăng cường xây dựng bộ câu hỏi chuẩn hóa. Đối với địa phương, cần tăng cường tổ chức các khóa tập huấn về việc ra đề thi. Có cơ chế để các địa phương thành lập các trung tâm đánh giá độc lập; xây dựng quy chế thi trên máy tính và xây dựng lộ trình đổi mới thi rõ ràng, cụ thể, tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và giáo viên. Chỉ đạo tổ chức tốt các kỳ thi theo chỉ đạo của Bộ; tiếp tục rà soát, đổi mới tuyển sinh theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc. Đặc biệt, chuẩn bị đội ngũ để sẵn sàng tiếp cận với phương pháp đánh giá năng lực theo Chương trình GD phổ thông mới.

Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng: Nên kiên định mục tiêu

Ông Vũ Văn Trà.
Ông Vũ Văn Trà.

Kỳ thi THPT quốc gia (năm 2020 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT) được tổ chức với nhiều giải pháp đồng bộ, chặt chẽ và kết quả ngày càng trở nên đáng tin cậy. Kỳ thi gọn nhẹ, thí sinh bớt căng thẳng, ít tốn kém phí tổn cho phụ huynh, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt đối với những thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc để thí sinh tự chọn môn thi rất có ý nghĩa với học sinh lớp 12. Bởi để có những lựa chọn đúng, các em cần cân nhắc, xem xét đánh giá những mặt mạnh mặt yếu của chính mình, từ đó quyết định đăng ký tổng cộng bao nhiêu môn, môn nào dùng để xét vào đại học, môn nào chỉ để xét tốt nghiệp. Kỳ thi quốc gia cũng góp phần hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén, học đối phó với những môn học không thi như trước đây. Việc cho phép đổi nguyện vọng giúp tăng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh. Với việc huy động mọi lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi làm tăng tính phối hợp và trách nhiệm của xã hội.

Bài học cho chúng ta sau một lộ trình đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT vừa qua là cần bản lĩnh, kiên định với mục tiêu. Hiện, kỳ thi đã rất tốt nên sớm có phân tích năng lực học sinh, phân loại đối tượng để có kế hoạch tổ chức ôn tập ngay từ đầu năm học. Từ cấp tỉnh (thành phố) cần chỉ đạo rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể và có biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với các lực lượng tham gia làm thi.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai: Thể hiện khách quan, công bằng và đúng chất lượng GD

Kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan; sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân.

Ông Nguyễn Thế Dũng.
Ông Nguyễn Thế Dũng.

Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo. Chủ tịch tỉnh ban hành Chỉ thị tổ chức kỳ thi; Ban Chỉ đạo thi tỉnh, huyện có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện tại địa phương. Ban Chỉ đạo thi tỉnh, huyện làm việc với trách nhiệm cao, nghiêm túc, xác định quan điểm chỉ đạo ngay từ đầu, đó là tổ chức kỳ thi phải  bảo đảm an toàn tuyệt đối, nghiêm túc, đúng quy chế và tổ chức các khâu đúng kế hoạch, không gây áp lực cho lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi cũng như thí sinh dự thi và nhân dân; đồng thời, kết quả kỳ thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục, khách quan, công bằng.

Ban Chỉ đạo thi tỉnh, sở GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tất cả  khâu của kỳ thi; kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp quy chế thi. Duy trì, từng bước nâng cao chất lượng kỳ thi; kết quả kỳ thi có sự phân hoá rõ rệt, phản ánh đúng chất lượng giáo dục của  nhà trường. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tỉnh Lào Cai duy trì, tăng dần qua các năm (năm 2020 đạt: 99,37%, tăng 2,25% so với năm 2019; tăng 1,03% so với cả nước). Khối trung tâm GDTX tiếp tục duy trì kết quả tốt nghiệp ở mức cao (năm 2020 đạt 97,91%, tăng 5,93% so với năm 2019, có trung tâm đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%). Điểm trung bình thi có sự chênh lệch thấp so với điểm trung bình học bạ; 6/9 môn thi có điểm trung bình cao hơn điểm trung bình toàn quốc. Các trường chuẩn quốc gia, trường vùng thuận lợi có chất lượng thi tốt hơn so với trường vùng cao, khó khăn. Các khâu của kỳ thi được tổ chức đúng kế hoạch, diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực, đúng quy định của quy chế thi.

Bài học kinh nghiệm được rút ra là: Sở GD&ĐT chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tại địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó, ngành Giáo dục là cơ quan thường trực. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo thi tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các hoạt động liên quan đến kỳ thi tại địa phương (công tác bảo đảm an ninh, an toàn; phân luồng giao thông; chuẩn bị cơ sở vật chất…). Xác định đúng tầm quan trọng của kỳ thi để chuẩn bị chu đáo các khâu; tổ chức kỳ thi bảo đảm tuyệt đối an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan và công bằng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chúng tôi xác định: Chỉ có thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thi cử thật nghiêm túc mới có chất lượng giáo dục thực chất và tạo được động lực cho công tác dạy và học của các trường, trên cơ sở đó có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học. Việc thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế trong thi cử không phải đến lúc tổ chức kỳ thi mới đặt ra mà phải thực hiện trong suốt quá trình dạy học; phải làm hàng ngày, thường xuyên tại các nhà trường, đây chính là cơ sở để thực hiện được kỳ thi an toàn và đúng quy chế thi.

Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi: Phổ biến, quán triệt, động viên cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đăng ký tham gia tổ chức kỳ thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi trong đó chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ, kỹ thuật làm thi. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông tạo sự đồng thuận trong nhân dân; chú trọng tuyên truyền tạo động lực cho cán bộ, giáo viên tự nguyện bồi dưỡng, ôn luyện thi cho học sinh và những điểm mới của kỳ thi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục khó khăn của tỉnh miền núi để từng bước nâng cao số lượng, chất lượng thí sinh dự thi; duy trì, phát huy phong trào “trường giúp trường” trong bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ bồi dưỡng, ôn luyện thi; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, lựa chọn nội dung ôn luyện thi phù hợp với từng đối tượng học sinh; công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng gắn với nhu cầu và năng lực từng học sinh… Chuẩn bị chu đáo điều kiện; xây dựng các phương án để tổ chức kỳ thi chủ động, an toàn, đúng quy chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.