Đổi mới đánh giá học viên giáo dục thường xuyên

GD&TĐ - Đây là điểm mới trong dự thảo Thông tư quy định đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT được Bộ GD&ĐT đăng mạng lấy ý kiến góp ý.

Giờ học của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quảng Ninh (ảnh chụp trước 29/4/2021).
Giờ học của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quảng Ninh (ảnh chụp trước 29/4/2021).

Việc xếp loại học sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên được thực hiện có nhiều điểm tương đồng với học sinh phổ thông, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đại diện Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), mục đích của việc đánh giá nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được kết quả học tập, rèn luyện của học viên so với mục tiêu giáo dục và sự tiến bộ của học viên.

Đánh giá bảo đảm công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số; kết hợp đánh giá của giáo viên, học viên và người giám hộ hoặc đại diện đơn vị nơi học viên lao động.

Điểm mới của việc đánh giá học viên là các môn học được đánh giá kết hợp bằng nhận xét và điểm số. Đánh giá bằng nhận xét được thực hiện trong quá trình dạy học các môn học, bao gồm nhận xét của giáo viên; học viên tự nhận xét và nhận xét lẫn nhau; nhận xét của cha mẹ học viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đánh giá bằng điểm số được thực hiện qua đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học viên theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học. Đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10.

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập, hồ sơ học tập. Mỗi môn học (không bao các chuyên đề học tập), học viên được kiểm tra, đánh giá nhiều lần.

Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: Bài kiểm tra; bài thực hành; dự án học tập. Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá từ 45 phút đến 90 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra, đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học quy định trong Chương trình giáo dục thường xuyên.

Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học quy định trong Chương trình giáo dục thường xuyên khi thực hiện. Trong mỗi học kì, mỗi môn học được đánh giá bằng 1 bài kiểm tra, đánh giá giữa kì và 1 điểm kiểm tra, đánh giá cuối kì.

Các học viên có thành tích sẽ được khen thưởng danh hiệu “Học viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rèn luyện và học tập”, “Học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ rèn luyện và học tập”. Ngoài ra, những học viên có tiến bộ vượt bậc trong học tập và rèn luyện hoặc thành tích đột xuất trong năm học cũng sẽ được khen thưởng.

Học viên có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học viên khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học viên nhằm phối hợp giúp đỡ học viên khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trung tâm có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ