Đổ xô luyện thi Đánh giá năng lực trên mạng: Thận trọng kẻo ôm trái đắng

GD&TĐ - Nhiều thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp đợt 1 và đề nghị xét đặc cách đợt 2 đã tìm kiếm cơ hội xét tuyển ĐH bằng phương thức điểm thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG TPHCM.

Fanpage mạo danh ĐHQG TPHCM để thu hút thí sinh.
Fanpage mạo danh ĐHQG TPHCM để thu hút thí sinh.

Dù kỳ thi chưa thể ấn định được ngày diễn ra nhưng nhiều thí sinh đã đổ xô ôn luyện nhằm đạt được điểm số cao nhất.

Nhộn nhịp thị trường ôn luyện

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một bộ phận thí sinh không thể tham dự cả 2 đợt của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Biết tâm lý các em muốn tìm cơ hội xét tuyển qua kỳ thi ĐGNL, hàng loạt trang mạng, diễn đàn học thuật đã quảng cáo ôn luyện cho kỳ thi ĐGNL đợt 2 của ĐHQG TPHCM.

Sự nhộn nhịp và sức hút từ các công ty, cá nhân có tổ chức ôn luyện cho kỳ thi ĐGNL càng trở lên “nóng” khi Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu 2 ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM hỗ trợ, tổ chức kỳ thi ĐGNL đợt 2 sớm nhất (dự kiến tháng 9) nhằm giúp các thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp có nhu cầu có thể tham gia dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH.

Dạo qua các diễn đàn học thuật và trang web, fanpage, mạng xã hội như Facebook, Zalo, những lời quảng cáo tổ chức ôn luyện, hoặc bán các bộ đề thi mẫu tương tự bộ đề thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM đang nở rộ.

Nguyễn Hải Quân, học sinh Trường THPT Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 do ảnh hưởng dịch. Tuy nhiên, mục tiêu là vào học ngành Cơ khí chế tạo máy của Trường ĐH Bách khoa TPHCM nên em muốn tham gia kỳ thi ĐGNL đợt 2 để dùng kết quả xét tuyển.

“Em đã đăng ký một khóa ôn luyện từ tháng trước trên trang Ztest.vn cũng như mua đủ các bộ đề thi minh họa (350.000 đồng/bộ) để tự luyện trong quá trình đợi đến kỳ thi. Nhìn chung bộ đề khá đa dạng và gần với các bộ đề thi của ĐHQG TPHCM những năm trước nên em cũng yên tâm. Tuy chưa thể khẳng định chất lượng ôn luyện của trung tâm hiệu quả đến đâu nhưng em nghĩ cứ ôn luyện cho chắc ăn và yên tâm”, Quân nói.

Tương tự như Quân, Nguyễn Thái Thùy Linh, học sinh Trường THPT Gò Vấp, TPHCM cho biết:  Do không thể tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 nên từ nửa tháng nay em tập trung ôn luyện cho kỳ thi ĐGNL đợt 2 của ĐHQG TPHCM nhằm tìm kiếm cơ hội xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM). Nơi để em chọn gửi gắm niềm hy vọng chính là Khóa học giải đề thực chiến kỳ thi ĐGNL ĐHQG của ThS Bùi Văn Công.

“Thầy Công hay live trực tiếp trên Facebook hoặc tải video hướng dẫn trên kênh YouTuber để hướng dẫn các bạn có nhu cầu ôn tập như em nên em đăng ký. Trọn khóa học ôn tập online với thầy Công là 300.000 đồng. Cách giảng dạy của thầy khá cuốn hút và dễ hiểu nên em theo suốt thời gian qua. Còn hiệu quả cho kỳ thi sắp tới thế nào thì em chưa biết nhưng cứ ôn cho chắc”, Linh chia sẻ.

Một cá nhân quảng cáo và chiêu sinh thí sinh ôn luyện online.
Một cá nhân quảng cáo và chiêu sinh thí sinh ôn luyện online.

Thận trọng kẻo “xôi hỏng bỏng không”

Tìm hiểu ở những kênh đang rao và quảng cáo thông tin ôn thi, luyện thi kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM, chúng tôi nhận thấy một điểm chung là học phí khá rẻ (300.000 - 1.200.000 đồng/khóa ôn luyện, hoặc trọn bộ đề thi thử gần giống với đề thi ĐGNL những năm trước).

Nhiều trang web nhằm tăng sức hút với thí sinh còn mạo danh ĐHQG TPHCM để tuyển sinh người học tham gia ôn luyện, hoặc bán các bộ đề thi minh họa cho thí sinh. Đơn cử như trang “Đề luyện thi đánh giá năng lực - ĐGNL 2021” trên Facebook. Trang này có tới gần 5.500 người theo dõi và để hình đại diện là logo của ĐHQG TPHCM với lời quảng cáo hoa mỹ là “chuẩn cấu trúc bộ đề”. Trang fanpage “Kỳ thi ĐGNL - Đại học QG TPHCM” cũng khá nhộn nhịp khi có tới gần 20.000 thành viên tương tác, theo dõi.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM khẳng định, những thông tin trên trang mạng hoặc website luyện ôn thi ĐGNL ĐHQG TPHCM là giả mạo. Bởi ĐHQG TPHCM từ trước đến giờ không phát hành các tài liệu liên quan đến đề thi của kỳ thi ĐGNL năm 2021. Đặc biệt là những tài liệu liên quan tới đề thi đang rao bán, phát hành trên mạng. “Tất cả đều là mượn danh ĐHQG TPHCM để tạo niềm tin với phụ huynh, học sinh. Vì vậy, thí sinh cần thận trọng khi tiếp nhận các thông tin không chuẩn xác này”, TS Chính cho biết.

Theo ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, các thống kê về phổ điểm đầu vào hay thông tin về các bộ đề thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM không chuẩn xác. Vì về nguyên tắc bảo mật, các thông tin này gần như không thể công bố. Nhà trường khẳng định đây là những thống kê không phản ánh đúng các số liệu về tuyển sinh vốn được Bộ GD&ĐT, ĐHQG TPHCM bảo mật.

“Theo tôi được biết, hiện chưa có thống kê chính thức các chương trình ôn thi hiệu quả như thế nào, điều này chắc chỉ có những người ôn thi mới hiểu được. ĐHQG TPHCM  không phát hành bộ đề, không tổ chức ôn thi, do đó thí sinh cần tỉnh táo trong việc chọn lựa thông tin cho mình.

Đặc điểm của đề thi ĐGNL là kết hợp giữa kiến thức mà học sinh đã học và các kiến thức khoa học thường thức được cập nhật nên việc ôn thi cũng cần được học sinh cân nhắc kỹ càng. Nếu học sinh có kiến thức các bậc học tốt, cộng với việc cập nhật thường xuyên kiến thức khoa học, rèn luyện được tư duy logic tốt chính là một lợi thế”, ThS Nam chia sẻ.

Liên quan đến các thông tin không chính thống, mạo danh ĐHQG TPHCM trên nhiều trang mạng, mới đây Trường ĐH KHXH&NV TPHCM đã phải lên tiếng cảnh báo những thông tin không chính xác được đăng trên fanpage “Ôn thi Đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM” về thống kê số liệu tuyển sinh khiến nhiều thí sinh hoang mang, lo lắng dẫn đến những sai lệch trong điều chỉnh nguyện vọng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ