Dạy chữ đi đôi với dạy người nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức

GD&TĐ - Bằng những giải pháp cụ thể, các trường tại Phú Thọ đã nỗ lực đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thực hiện tốt mục tiêu “dạy chữ đi đôi với dạy người”.

Cô và trò Trường Tiểu học Minh Phương trong ngày khai giảng.
Cô và trò Trường Tiểu học Minh Phương trong ngày khai giảng.

Đa dạng hình thức giáo dục đạo đức, lối sống

Những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục tại tỉnh Phú Thọ có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đặc biệt, công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được quan tâm, tăng cường và đạt kết quả quan trọng.

Tại Trường Tiểu học Minh Phương, TP. Việt Trì (Phú Thọ), công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Nghi thức chào cờ tại Trường TH Minh Phương.
Nghi thức chào cờ tại Trường TH Minh Phương.

Cô Trần Bích Hòa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhằm thực hiện tốt mục tiêu “dạy chữ đi đôi với dạy người”, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ động tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở những bài, nội dung thích hợp. Trong đó, chú trọng khơi gợi những giá trị tốt đẹp vốn có của con người như: lòng nhân ái, yêu thương, tôn trọng, bao dung, trung thực, trách nhiệm, chia sẻ, hợp tác.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường luôn rèn luyện bản thân, tự hoàn thiện mình để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh học tập, noi theo. Tăng cường công tác tự quản của tập thể lớp, thông qua vai trò cố vấn của giáo viên chủ nhiệm lớp. Triển khai đồng bộ các các biện pháp  giáo dục giúp học sinh tự giác thực hiện các chuẩn mực đạo đức thông qua  giáo dục bằng dư luận tập thể, cảm hoá bằng tình bạn.

Giáo viên chủ nhiệm có kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh tăng cường phối hợp thông tin về tình hình học tập rèn luyện của các em để bàn hình thức phối hợp giáo dục phù hợp.

“Đặc biệt, nhà trường còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý, quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp biến cố hoặc những em có biểu hiện ham chơi, lười học; phối hợp với phụ huynh giúp các em ổn định tinh thần, vượt khó học tốt. Vào mỗi dịp lễ lớn, nhà trường cũng linh hoạt tổ chức các hoạt động nhằm bồi đắp tình yêu trường lớp, gia đình”- cô Hòa thông tin thêm.

Trường Tiểu học Minh Phương động viên học sinh tham gia giao lưu IOE Tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2021-2022.
Trường Tiểu học Minh Phương động viên học sinh tham gia giao lưu IOE Tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2021-2022.

Cô Đỗ Thị Bích Hạnh – Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Minh Phương chia sẻ: Để hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả cao, Liên Đội đã tổ chức tốt các phong trào thi đua “Học tốt, rèn chăm”, “Con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt”, “Học tập và làm theo gương Bác”. Tổ chức cho học sinh thực hiện tốt phong trào “Thiếu nhi Đất Tổ thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Đất Tổ”, phong trào “Nghìn việc tốt”, phong trào “Kế hoạch nhỏ”...

Nhằm tạo cho các em môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, Liên đội Trường Tiểu học Minh Phương đã thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về các kỹ năng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, ý thức bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật đặc biệt là luật giao thông đường bộ, hướng dẫn các em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông qua các buổi sinh hoạ tại lớp vào sáng thứ Hai. Phối hợp cùng phụ huynh học sinh và các em thiếu nhi thực hiện tốt an toàn giao thông tại cổng trường, đón học sinh trời mưa nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc giao thông cổng trường.

Cùng chung trách nhiệm

Thầy Nguyễn Hoàng Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hộ, TX Phú Thọ cho rằng: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là trách nhiệm lớn của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn là nơi dạy người. Thời gian qua, nhà trường luôn xác định vai trò trung tâm của mình trong việc kết nối các môi trường giáo dục để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Khách mời tham gia hoạt động nói chuyện chuyên đề tại Trường THCS Phú Hộ.
Khách mời tham gia hoạt động nói chuyện chuyên đề tại Trường THCS Phú Hộ.

Theo đó, nhà trường thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Làm cho toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên thấy rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói chung.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên hiệu quả. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Giờ học của học sinh Trường THCS Phú Hộ.
Giờ học của học sinh Trường THCS Phú Hộ.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức “Giờ chào cờ bổ ích” với hình thức sân khấu hóa tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử; tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền ngày Pháp luật; cách sử dụng mạng xã hội an toàn...được duy trì đều đặn hằng tuần.

Các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học và trường học. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.

Thầy Nguyễn Hoàng Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hộ nhận định: Việc giáo dục đạo đức, lối sống đòi hỏi học sinh không những biết và thừa nhận sự cần thiết của các phẩm chất đạo đức, mà còn phải thực hiện hành vi đạo đức đó, làm mọi việc theo sự hiểu biết của mình cùng với động cơ và tình cảm tích cực. Cần có sự đồng hành, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; trong đó, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của gia đình bởi gia đình là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức, lối sông cho học sinh. Gia đình được coi là trường học đầu tiên, là cái nôi cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người.

Đồng thời, nhà trường cần chú trọng giáo dục làm cho học sinh nhận thức đúng các giá  trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tập trung đi sâu vào mối quan hệ đạo đức giữa con người với con người như quan hệ ông bà, bố mẹ và con cái… Khi được truyền thụ các giá trị tình cảm và các mối quan hệ, học sinh sẽ hiểu được giá trị của cộng đồng mang lại, từ đó các em sẽ có ứng xử phù hợp.

Song song với đó là vai trò quan trọng của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, người có điều kiện và trách nhiệm nhất để gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh. Mối quan hệ giữa thầy và trò cần được gắn kết tình cảm, trách nhiệm, gần gũi như cha mẹ và con cái. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh có tác động tốt vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống mỗi học sinh. Học sinh được sống trong một xã  hội với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và luôn được củng cố, duy trì và phát triển học sinh mới có được chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ